Bác Hồ và kỹ sư Trần Đại Nghĩa. (Nguồn: CAND).
Cách đây tròn 65 năm, trong lưu bút ghi tại triển lãm ngành Hậu cần quân đội (1-4-1958), Bác Hồ viết: “Trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận”.
Đây không chỉ là lời nhắc nhở với riêng cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần quân đội, mà là cho đến hôm nay vẫn là bài học đạo đức dành cho tất cả chúng ta về ý thức gần dân, trọng dân và phát huy sức mạnh của Nhân dân trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào.
Không quá khi nói biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt Nam là lòng dân. Lời Bác nhắc nhớ cảnh dân làng góp cơm, góp cà để cậu bé Gióng vươn mình thành người khổng lồ đánh đuổi giặc Ân. Những tích truyện dân gian về các bậc tiên hiền đã dựa vào sức mạnh của Nhân dân để đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi vẫn truyền miệng đời đời. Là tiếng hô “Sát Thát” rung chuyển điện Diên Hồng của bô lão cả nước, “chúng chí thành thành” bảo vệ non sông xã tắc vững vàng trước vó ngựa Nguyên Mông. Là Lê Lợi trong những ngày khởi nghĩa Lam Sơn còn trong trứng nước, đã được những vợ chồng lão nông đang bắt cá, bà hàng nước ven đường cứu giúp lúc gian nguy; được dân bản dưới chân núi Phay Lệnh, Phay Tong giúp đặt bẫy Pát giết bầy chó ngao của giặc Minh... Là Quang Trung Nguyễn Huệ trọng sĩ, cầu hiền, nhất mực tôn La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là “bậc thầy để thờ”, 2 lần tìm để hỏi kế diệt giặc; thâu nạp quanh mình những sĩ phu đứng đầu đất Bắc Hà như Ngô Văn Sở, Đặng Tiến Đông, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm... thành những cánh tay đắc lực cho sự nghiệp thống nhất sơn hà.
Và, chẳng phải hình ảnh chiếc xe thồ là biểu tượng cho sáng kiến của Nhân dân, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đấy sao.
Ta càng thêm nhớ ông Ké, già Thu trong những ngày hoạt động trong sự đùm bọc nghĩa tình của đồng bào Việt Bắc. “Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán... người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mạng...” (Lòng nhân ái và đức khoan dung, NXB Hà Nội, 2020). Trong căn lán Nà Lừa - Tân Trào trước ngày tổng khởi nghĩa, Bác lâm bệnh nặng, được “Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hoà vào cháo loãng. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần...” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký) - chẳng phải cũng là biểu hiện sinh động của trí tuệ quần chúng.
Hoạt động cách mạng trong sự đùm bọc của Nhân dân, vì thế mà trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình, Bác luôn đề cao tư tưởng trọng dân, vì Nhân dân phục vụ, coi trọng sức mạnh vĩ đại của Nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”. “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt”.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch nước, Người đã có bài viết với tiêu đề “Tìm người tài-đức” đăng trên Báo Cứu quốc để quy tụ, tập hợp nhân sĩ, trí thức mang tài năng, đảm lược ra giúp nước. Cùng với lời hiệu triệu, ứng xử của Bác với nhân sĩ, trí thức cũng trở thành những bài học luôn nóng hổi tính thời sự. Ví như chuyện, sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với phía Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946 nhằm kéo dài hòa bình. Trước lúc trở về Tổ quốc, Bác gặp và nói với kỹ sư Phạm Quang Lễ - thời điểm đó đang được nước Pháp hết sức trọng dụng vì tài năng, rằng: “Bác về nước, chú chuẩn bị về với Bác. Hai ngày nữa ta lên đường”. Chỉ thế thôi và cách mạng Việt Nam có được một Thiếu tướng, Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa sau này.
Học tập và làm theo tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cấp ủy, chính quyền cần luôn quan tâm phát huy dân chủ, đề cao ý kiến của Nhân dân. Có các giải pháp để tiếp tục tập hợp, đoàn kết, cổ vũ và khuyến khích Nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước “đem sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân”.