Mô hình tượng đài “Con tàu tập kết” theo tỷ lệ: 1/10 hiện đang được trưng bày tại Thành ủy Sầm Sơn.
Sầm Sơn hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Sau nhiều năm được đầu tư xây dựng, bến Sầm Sơn xưa - nay là cảng cá Lạch Hới trở thành một trong những bến cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn của tỉnh Thanh Hóa. Cảng cá này hiện có chỗ đậu từ 450 đến 500 tàu, thuyền đánh cá.
Giờ đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng mỗi người dân lại càng không thể quên một thời kỳ lịch sử. Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng ban tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn (năm 2014), ông Vương Văn Việt chia sẻ: "Thanh Hóa rất vinh dự được chọn là một trong những địa điểm để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Vào thời điểm đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là Sầm Sơn đã thể hiện tinh thần Nam Bắc là ruột thịt, Nam Bắc một nhà theo như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm để cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam có được những ấn tượng ban đầu tốt đẹp đối với Nhân dân miền Bắc. Thứ hai, cùng với sự đón tiếp, bố trí ăn ở tạm thời thì tùy theo đối tượng, Thanh Hóa và một số tỉnh khác bố trí cán bộ, chiến sĩ về các nông trường, lâm trường; học sinh được vào học tập tại các trường học sinh miền Nam. Chính lực lượng này đã tham gia ngay vào công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa; là những nhân tố quan trọng được đào tạo bồi dưỡng để sau này phục vụ cho cách mạng Việt Nam nói chung và cách mạng miền Nam nói riêng”.
Không riêng người dân Sầm Sơn, nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam (trong đó có một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước) mong muốn Sầm Sơn sẽ có một cụm công trình văn hóa, lịch sử về những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5231/QĐ-UBND ngày 20-12-2021. Quy mô đầu tư gồm: Khu A - Khu lưu niệm; Khu B - Lán trại; Con đường ký ức nối khu A - B; Công viên chuyên đề và một số hạng mục công trình phụ trợ.
Gần đây nhất, sáng 2-5-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự buổi họp mặt các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022) tại TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch, tạo không gian xây dựng tượng đài "Con tàu tập kết” và “Bảo tàng tập kết”; đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các học sinh miền Nam cùng các địa phương, đơn vị, cá nhân đang chung tay xây dựng công trình ý nghĩa.
Đại diện các thế hệ học sinh miền Nam, đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, cho biết: Việc xây dựng tượng đài “Con tàu tập kết” và “Bảo tàng tập kết” đặt trong khuôn viên Khu du lịch Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) là cần thiết và là công trình mang ý nghĩa sâu sắc đối với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nhằm xây dựng khu lưu niệm, mới đây, nhân buổi họp mặt, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương đã phát động phong trào đóng góp kỷ vật liên quan đến tập kết và quyên góp quỹ xây dựng công trình tượng đài “Con tàu tập kết” và “Bảo tàng tập kết” tại Sầm Sơn trong các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc. Thời gian cuộc vận động quyên góp kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12-2022. Ngay ngày phát động quyên góp, các địa phương, đơn vị, cá nhân đã chung tay đóng góp gần 70 tỷ đồng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vương Văn Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: "Từ ân tình của người dân Thanh Hóa, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam sau khi trưởng thành, đặc biệt là sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã quay trở về thăm lại nơi từng ở, sinh sống và làm việc. Vì thế nguyện vọng của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam là muốn có một khu tưởng niệm, một tượng đài để ghi lại dấu tích của thời kỳ này. Sầm Sơn đang thay đổi từng ngày với lượng du khách ngày càng lớn. Việc có một địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ hôm nay và du khách thập phương mỗi lần về với Sầm Sơn... là điều nên làm và cần làm sớm”.
Thiết nghĩ nếu thực hiện sớm, đây sẽ là một công trình ý nghĩa không chỉ với thế hệ những người đã trực tiếp sống trong những ngày gian khó mà còn trao truyền cho thế hệ con cháu ký ức về “mối tình Nam Bắc” trong lịch sử cách mạng Việt Nam.