Lãnh đạo huyện Quan Sơn thăm và nắm tình hình đời sống đồng bào dân tộc Mông tại bản Mùa Xuân.
Con đường của Đảng
Đến bản Mùa Xuân hôm nay không còn phải “đánh vật” trên cung đường độc đạo dài hơn 20 km đầy khó khăn cách trở, thay vào đó là con đường bê tông vắt qua những triền núi, đi qua các bản Bo, Ché Lầu... được đồng bào Mông nơi đây gọi là “Con đường của Đảng”.
Chúng tôi đến bản Mùa Xuân khi mặt trời đứng bóng, từ đỉnh núi Yên Ngựa phóng tầm mắt về phía trước là những thửa ruộng lúa bậc thang xen lẫn với những ngôi nhà bằng gỗ của đồng bào dân tộc Mông nằm bên triền núi, xa xa là hình ảnh những người dân đang chăm sóc lúa, thấp thoáng uốn lượn quanh bản là con đường bê tông mới hoàn thành theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND làm đường giao thông nội bản Mùa Xuân do HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết nghị.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sung Văn Cấu cho biết: Từ khi di cư đến bản Mùa Xuân, bà con được cán bộ tuyên truyền, giải thích di cư không tốt, cuộc sống của bà con không chỉ đói cơm, thiếu gạo, mà con cháu không được đi học cái chữ, di cư còn làm ảnh hưởng đến đất đai, rừng núi. Bà con thấy phải lắm nên đến nay không còn di cư tự do nữa, cuộc sống cũng dần ổn định trên miền đất mới. Hiện bản có 121 hộ, trên 500 nhân khẩu, dẫu còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng bản đã có điểm trường cho các cháu học cái chữ, được Đảng làm cho đường giao thông không còn phải trèo đèo, lội suối như trước nữa... Mùa Xuân đã đổi thay lắm rồi!
Trong câu chuyện với Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sung Văn Cấu, chúng tôi được biết: Bản Mùa Xuân được hình thành từ năm 1988, khi ấy một số người đồng bào dân tộc Mông ở Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát đi săn bắn, đến vùng đất này thấy có suối nước, nhiều cây rừng nên đã đưa gia đình di cư tự do sang sinh sống giáp bản Na Hin, huyện Viêng Xay, nước bạn Lào. Từ trước những năm 1990, các bản người Mông ở huyện Quan Sơn đều “trắng” đảng viên và không có chi bộ đảng, cuộc sống người dân chủ yếu săn bắt thú rừng, chặt cây rừng để lấy đất trồng ngô...
Để đồng bào Mông ổn định đời sống, không du canh, du cư, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Quan Sơn phối hợp với Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã tăng cường cán bộ xuống các bản theo phương châm “ba bám, bốn cùng” tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về những tác hại của việc phá rừng, đốt nương làm rẫy; không nghe lời kẻ xấu rủ rê lôi kéo để trồng cây thuốc phiện... Trong quá trình cùng ăn, cùng ở với người dân, cán bộ cắm bản cùng bộ đội biên phòng đã tìm những nhân tố là quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng như: Hơ Văn Tho, Hơ Nọ Xúa, Thao Văn Ri, Thao Nhia Súa, Thao Văn Ria ở các bản Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu.
Sau khi xóa trắng đảng viên tại các bản đồng bào Mông, năm 1993, Huyện ủy Quan Sơn đã tổ chức thành lập chi bộ đảng trên cơ sở số đảng viên ở 3 bản: Xía Nọi, Ché Lầu, Mùa Xuân. Tuy nhiên, do các đảng viên sinh sống tại 3 bản khoảng cách xa nhau nên việc tập hợp sinh hoạt chi bộ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Huyện ủy Quan Sơn chỉ đạo cấp ủy xã Sơn Điện lúc bấy giờ phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tìm hiểu, phát hiện, bồi dưỡng thêm các quần chúng ưu tú có ý thức học hỏi, cầu tiến để kết nạp đảng viên mới. Đến năm 2001, Chi bộ bản Mùa Xuân được thành lập trên cơ sở tách ra từ chi bộ 3 bản.
Đảng viên "đầu tàu" làm dân tin Đảng
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sung Văn Cấu là thế hệ đảng viên được phát hiện, bồi dưỡng đứng trong hàng ngũ của Đảng để thành lập Chi bộ đảng bản Mùa Xuân. Ông cho biết: Ngày mình chưa vào Đảng, mình nghĩ Đảng là cái gì đó rất xa xôi và trừu tượng, chưa hiểu hết. Nhưng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, là đảng viên mình thấy Đảng rất gần gũi như hơi thở, lời nói của mình. Đảng mang đến chủ trương, chính sách, cách làm chăm lo cuộc sống và phục vụ lợi ích chính đáng cho người dân. Từ ngày Chi bộ đảng Mùa Xuân đi vào hoạt động, các đảng viên trong chi bộ đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không du canh du cư nữa, từng bước xóa bỏ các hủ tục, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Đến nay, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Chi bộ bản Mùa Xuân từ lúc có 9 đảng viên đến nay đã có 19 đảng viên. Các đảng viên trong chi bộ đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế.
Đường nội bản Mùa Xuân được bê tông hoá tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Để dân tin và làm theo Đảng, các đảng viên trong chi bộ đã gương mẫu, nói đi đôi với làm, trong số 19 đảng viên, phải kể đến Thao Văn Dia - một đảng viên thế hệ 8x đã tiên phong trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các loại cây, con vào sản xuất để người dân trong bản học tập và làm theo. Đảng viên Thao Văn Dia chia sẻ: Lớn lên dưới tán rừng, chứng kiến cái đói, sự lạc hậu bủa vây khiến mình suy nghĩ phải làm gì để dân bản mình thoát được cái lạc hậu, thoát được cái đói, con em trong bản được no cái bụng, trẻ em trong bản được học cái chữ...
Nhận thấy, ngày còn đi học bản mình đã có các chú bộ đội biên phòng, cán bộ xã lên bản hướng dẫn cho bà con mình trồng cây lúa nước 2 vụ, đến ngày thu hoạch cả bản được ăn một bữa “căng bụng trống”, cái mùi thơm của cơm thóc mới Dia vẫn còn nhớ lắm... Vậy sao đồng bào mình lại không làm lúa nước, mà chỉ có trồng lúa nương, lúa rẫy lâu thu hoạch, đến mùa giáp hạt cái đói lại bủa vây, lại vào rừng bắt thú... đói vẫn hoàn đói thôi. Cần phải thay đổi suy nghĩ, phải nghe cán bộ biên phòng, nghe cán bộ xã đưa cái lúa nước vào trồng, mở rộng diện tích thì dân mình mới no cái bụng, ấm cái dạ được...
Nghĩ là làm, Dia đã đi bộ xuống xã nhờ cán bộ nông nghiệp tư vấn kỹ thuật làm đất để gieo trồng lúa nước; rồi về triển khai làm đất để trồng lúa... Thế rồi đất đã không phụ công người, những cây lúa của Dia trồng ngày một xanh tốt và cho thu hoạch. Thấy “cái cây lúa nước” của đảng viên Thao Văn Dia trồng phát triển tốt, thu hoạch được nhiều hơn lúa nương, con thằng Dia nó no cái bụng, nhà đảng viên Dia cái thóc đầy bì, người dân bắt đầu học làm theo. Đến nay bản Mùa Xuân đã trồng lúa 2 vụ/năm với diện tích hơn 10 ha.
Cùng với việc phát triển cây lúa nước, đảng viên Dia mạnh dạn mua sách, báo về kỹ thuật trồng cây ngắn ngày, nuôi gà, lợn... và xin hỗ trợ của các cấp đưa giống cây phù hợp vào sản xuất như dự án trồng vầu, trồng mận cho người Mông bản Mùa Xuân. Từ chỗ ban đầu còn e dè, sau khi thấy đảng viên Dia làm trước mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người đã nghe theo. Với những việc làm của mình, năm 2020, đảng viên Thao Văn Dia được vinh dự là một trong những đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Nhằm phát huy vai trò gương mẫu của các đảng viên trong chi bộ, chi ủy chi bộ đã phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, mỗi đảng viên sẽ được phân công phụ trách từ 5 đến 8 hộ gia đình để thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, phân tích, giảng giải cho Nhân dân thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc trong công tác giảm nghèo. Cùng với đó, các đảng viên ở bản Mùa Xuân đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền bà con thực hiện nếp sống mới ở khu dân cư, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như giữ gìn trang phục dân tộc, múa khèn, múa ô, các trò chơi, trò diễn như chọi cù, ném còn... Từng bước xóa bỏ thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán lạc hậu trong Nhân dân. Đặc biệt, người chết phải khâm liệm vào quan tài, tổ chức tang lễ gọn nhẹ, không để dài ngày. Thực hiện nếp sống mới trong cưới hỏi, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn từng bước được xóa bỏ. Trẻ em khi đến tuổi được đi học, người dân trong bản đau ốm chủ động đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh...
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Phạm Bá Thái cho biết: Từ khi có chi bộ, bản Mùa Xuân đã có những đổi thay tích cực. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đến được với đồng bào Mông nơi rẻo cao này. Đồng bào nơi đây cũng vì thế tin tưởng và nghe theo sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ. Các đảng viên trong Chi bộ Mùa Xuân đã và đang phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu như Thao Văn Dia, Thao Công, Sung Văn Cấu là những đảng viên vừa đi đầu trong phát triển kinh tế vừa tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ nhiều hủ tục, nhất là tục tang ma. Cuộc sống của người dân Mùa Xuân hôm nay đã có nhiều đổi mới, người dân tin vào Đảng.
Bài và ảnh: Minh Hiếu
Bài 2: Miền "thâm sơn" đổi thay.