Không gian Lễ hội Mường Xia.
Độ 6 năm nay, mỗi năm Hà chỉ một lần bấm số gọi tôi, đó là dịp gần đến Lễ hội Mường Xia. Nhưng lần này sớm hơn, em nói nghe tin lễ hội năm nay tổ chức quy mô hơn nhưng dịp ấy bận công việc, nên muốn lên Quan Sơn trước để đỡ nhớ núi, nhớ rừng, nhớ lũ trẻ thơ ngây trong điểm trường bên lưng chừng núi. Tôi lại ngược đỉnh Kỳ Tân theo con đường vắt vẻo qua núi rừng hùng vĩ điệp trùng trong chiều cuối năm nắng ươm vàng miền biên ải.
Hà vẫn chăm chú nhìn về phía đồi xa, nơi những mầm măng đang cựa mình nhô lên khỏi lòng đất mẹ để phủ xanh núi rừng. Rồi em thì thầm câu hát tưởng chừng như rất nhỏ: “Y đu năm ne, điệu khặp thân thương/ Ai lên Quan Sơn, nhớ về Mường Hạ/ Ai lên Na Mèo, nhớ về Mường Xia”.
Nhìn vào đôi mắt đen đang trầm như sương trắng ấy, tôi đoán Hà nhớ Mường Xia lắm, và chuyến đi không phải chỉ để cho vui, mà còn muốn ghé thăm những “linh hồn” đã hóa thành mây trắng bồng bềnh lúc sà xuống thung sâu, khi vắt ngang mặt núi, đi để nhớ về kỷ niệm tuổi xuân nơi biên ải xa xôi.
Hà ít hơn tôi 2 tuổi, là cô giáo miền xuôi lên cắm bản nơi núi rừng Sơn Thủy, quen nhau trong lần tôi tác nghiệp ở điểm trường nhỏ ven suối. Vài tháng sau, tối hôm diễn ra chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội Mường Xia được huyện Quan Sơn phục dựng tổ chức lần đầu (năm 2010) tôi gặp lại em. Năm đó, Hà 24 tuổi, mái tóc đen như gỗ mun bên bờ suối xỏa xuống khuôn mặt trắng hồng, vận trong chiếc váy Thái, rực rỡ như đóa hoa rừng vào độ khoe sắc thắm. Những tưởng là giáo viên chỉ quen con chữ, quen những thứ giản đơn bên lũ trẻ bi bô đọc chữ, nhưng có lẽ ở lâu, tính ưa khám phá, chinh phục, Hà biết nói tiếng Thái và hiểu nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng ở vùng đất này. Tối đó, sau những tiếng khèn, điệu khặp và ánh sáng lung linh trên sân khấu lùi sâu vào màn đêm tĩnh lặng, bên bậu cửa nhà sàn, tôi ngồi nghe em kể chuyện Mường Xia đậm màu huyền bí. Gió vẫn nhẹ nhàng vuốt ve, mơn trớn rừng cây ven con suối Xia róc rách đưa nước về con sông Luồng để ra biển lớn. Vài năm sau, Hà về xuôi dạy chữ, vẫn thường chuyện trò chuyện qua điện thoại cho đến khi tôi lập gia đình. Nhưng tôi vẫn nhớ câu chuyện về vùng đất Mường Xia và cách kể chuyện của người giáo viên trẻ cho đến tận bây giờ. Gần đây, khi Lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn Lê Văn Thơ vẫn kể lại câu chuyện ấy tôi nghe.
Chuyện rằng, xưa Mường Xia (gồm 2 xã Sơn Thủy và Na Mèo ngày nay) có tên gọi là Mường Chu Sàn, đất đai tốt tươi, núi non bời bời hùng vĩ trải dọc một vùng biên giới, được cai quản bởi Tạo Mường. Cuộc sống đang yên bình thì bỗng một ngày kia Tạo Mường đi về mường ma, để lại người vợ xinh đẹp và 2 người con trai còn chưa biết học cái chữ, cầm cây cung. Mong muốn các con nên người, người vợ đã mời một thầy đồ người Kinh đến nhà dạy chữ và ở lại nhà cùng 3 mẹ con. Trong căn nhà sàn ven suối Xia, người thầy giáo tài năng, trai tráng lại độc thân và người phụ nữ xinh đẹp cô đơn kia đã bén lửa tình nồng. Và họ đã có một người con trai. Khi hai người lần lượt về mường trời, ba đứa con cũng tuổi khôn lớn, phải tham gia cuộc bầu chọn làm Tạo Mường. Quy ước là, trước sự chứng kiến của toàn dân bản mường, trong ba người con, ai bắn hạ được con diều hâu bay trên trời rơi xuống đất sẽ được chọn. Người con cả giương cung bắn đầu tiên, không trúng, nhưng con diều hâu bay liệng xuống sát đất rồi vút lên cao. Người con thứ hai bắn không trúng. Người con thứ 3 bắn trúng, con diều hâu rơi xuống đất. Dân mường cho rằng, tuy người anh cả bắn không trúng nhưng con diều hâu vẫn sà xuống đất, là tín hiệu thần linh phù hộ. Còn người em út bắn trúng, chim rơi xuống đất là điều hiển nhiên. Anh cả được làm Tạo Mường khiến người em út vô cùng buồn bã, uất ức, nên đã kiện về quan trên. Quan lấy lý người em út bắn trúng, con diều hâu rơi xuống đất theo quy ước định sẵn nên quyết cho chàng được làm Tạo Mường Chu Sàn.
Từ khi chàng út được làm Tạo Mường, mâu thuẫn giữa ba anh em cùng mẹ khác cha càng trở nên gay gắt. Sau cùng, hai người con ông Tạo Mường cũ đã vận động dân bản bỏ Mường Chu Sàn chạy đến Mường Bén, Mường Xôi (Lào), Mường Xóc... Tên gọi Mường Xia (mường mất) cũng bắt đầu từ ấy. Hiểu nôm na là tên gọi biểu đạt hai anh em con ông Tạo Mường cũ mất quyền cai trị theo chế độ cha truyền con nối và dân bản bỏ mường đến nơi khác sinh sống.
Hà bảo, ngày còn ở đất Mường Xia gieo chữ, năm nào cũng vậy, cứ vào trước dịp lễ hội, em thường theo bà con trong bản vào đền thờ thắp hương tưởng nhớ tướng quân Tư Mã Hai Đào và cầu những điều may mắn, tốt đẹp. Đồ lễ là hoa quả, của nhà làm ra, được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, người vào đền cũng phải sạch sẽ. Ngôi đền rất linh thiêng, khi xưa người đi đường, khi qua đây thường hạ nón, bỏ mũ cúi đầu mà đi.
Chuyện về vị tướng quân Tư Mã Hai Đào mà Hà kể là vị phò mã nhà Hậu Lê (chưa có sử liệu chứng minh ở triều vua nào), xuất hiện trong tác phẩm “Truyện thơ Tư Mã Hai Đào” bằng chữ Thái cổ. Tương truyền, ông là người họ Hà, sinh ra ở Mường Đào - Mường Khô, xã Điền Quang (Bá Thước), mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Giữa lúc vùng biên ải lộn xộn, giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên, phò mã Hai Đào xin phép đức vua cho cầm quân đi đánh dẹp. Được vua đồng ý sắc phong tướng quân, ông mừng vui trở về triệu tập thêm binh mường, rèn đúc khí giới rồi đánh lên biên giới Tén Tằn (Mường Lát). Với tài cầm quân xuất chúng, quân sĩ quả cảm, đoàn quân của ông đánh đâu thắng đó, đất nước yên bình trở lại, phên dậu vững bền. Trong thời gian đánh giặc, trấn ải biên cương, nhiều lần qua lại thấy đất Mường Xia núi non hùng vĩ, đất đai trù phú phì nhiêu nên đã chọn làm nơi đặt thủ phủ. Tại đây có thể tiện đường sang Tén Tằn, lên Na Mèo, xuôi về thăm quê cũ Mường Đào - Mường Khô. Ông cũng xin nhà vua cho lập lại mường. Từ đó Mường Xia lại tấp nập dân cư khai khẩn đất hoang trồng cây lúa nước, lúa nương, rồi vào rừng săn bắn, xây dựng bản làng. Hàng đêm, dưới những nếp nhà sàn đầm ấm lại rộn ràng nhịp chày khua luống bên bếp lừa rực hồng, quấn quýt tiếng khèn gọi bạn và những lời khặp ngọt ngào, da diết của đôi lứa yêu nhau. Cư dân khi xưa bỏ đi cũng lũ lượt kéo về, Mường Xia tấp nập hơn xưa.
Tướng quân Tư Mã Hai Đào mất được an táng tại Mường Xia. Nhớ ơn người cầm quân đánh giặc bảo vệ dân lành, xây dựng cuộc sống ấm no, người dân đã lập đền thờ quanh năm hương khói, rồi tôn ông làm thần thiêng giữ cho bản mường “vía” yên, “vía” khỏe. Và cũng từ khi ông mất, mỗi năm vào ngày mùng 10 tháng hai (âm lịch) người Mường Xia dập dìu trẩy hội, vừa để tri ân công lao vị tướng tài đức vẹn toàn, vừa để cầu mong thần phù hộ cho bản mường no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội Mường Xia ra đời từ đó, đến nay đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần được bảo tồn, phát huy.
Lễ hội Mường Xia không chỉ tưởng nhớ tướng quân Tư Mã Hai Đào, ở đó, như Hà kể còn là lời chiêu tuyết cho mối tình đẹp nhưng dang dở của đôi trai tài gái sắc làm lay động lòng người. Câu chuyện ấy được truyền đời, như tiếng nói khát vọng yêu đương, tự do, chống lại lễ giáo hà khắc nơi núi rừng sâu thẳm. Tôi nghĩ, Hà nhớ Lễ hội Mường Xia có lẽ bởi ở câu chuyện chứa chan tình buồn.
Thủa ấy, cô con gái út của Tạo Mường Mìn tên là Lá Nọi vừa đẹp người, lại đẹp nết, đem lòng yêu chàng trai Lá Li ở đất Mường Xia gia cảnh nghèo túng, nhưng khèn hay, khặp giỏi. Đôi trai tài gái sắc thường hẹn hò gặp nhau nơi chân núi Pha Dùa, dưới ánh trăng ngà, bên bờ suối vắng, thương yêu nhau như đôi chim Nộc Thua trong rừng già. Qua mấy mùa nếp nương, tình duyên trở nên mặn mà, say đắm, nhưng Tạo Mường Mìn quyết không gả con gái cho Lá Li, bởi chê gia cảnh nghèo khó. Ông ép gả Lá Nọi cho nhà giàu sang, rồi cấm ngặt nàng ban đêm không xuống thang nhà sàn, đêm trăng không được ra dệt vải.
Nghi thức dâng lễ vật cúng tế thần Tư Mã Hai Đào trong Lễ hội Mường Xia. Ảnh: ANH THƠ
Tình yêu hai người như ngọn lửa, càng bị ngăn cấm càng bùng cháy dữ dội. Vào đúng ngày Tạo Mường Mìn định gả con gái cho nhà giàu sang thì Lá Nọi, Lá Li gặp nhau bên núi Pha Dùa nơi cửa ngõ Mường Xia nói lời yêu cuối, rồi quyết định về mường trời để được mãi mãi bên nhau. Hôm ấy dân bản nhìn thấy mây trắng vờn mây hồng cuồn cuộn bay lên, hòa quện vào nhau trên đỉnh Pha Dùa cùng lời ca: “Y đu năm ne, nọng ơi! Chài hặc ơi”. Họ nghĩ, đó là lời thì thầm của đôi trai gái yêu nhau, rồi kể mãi cho con cháu đời sau nghe về câu chuyện tình Pha Dùa vấn vương.
Lúc chúng tôi rẽ từ Quốc lộ 217 ở ngã ba Mường Mìn vào bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, nơi thủ phủ Mường Xia xưa, mắt Hà đượm buồn hướng về dãy Pha Dùa đang cuồn cuộn mây trắng bay ngang như luyến tiếc cho một mối tình dang dở. Em nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, rồi quay sang nhìn tôi. Tôi còn nghĩ, có lẽ vì câu chuyện ấy đẹp, nên năm nào trong Lễ hội Mường Xia, đều có hoạt cảnh về câu chuyện tình Pha Dùa của đôi trai tài gái sắc Lá Li, Lá Nọi lay động lòng người.
Bản Chung Sơn năm ở nơi con suối Xia đưa nước về dòng sông Luồng bung bọt trắng xóa, những ngày này đang hối hả chuẩn bị cho Lễ hội Mường Xia năm 2023. Phía trong ngôi đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, những người thợ đang khẩn trương hoàn thiện phần việc cuối cùng trùng tu, tôn tạo di tích, phía bên ngoài nhà văn hóa bản, cảnh quan bên Hòn Đá Vía cũng được chỉnh trang... Dân Mường Xia vẫn tin rằng, Hòn Đá Vía là nơi để họ gửi gắm “vía” của mình cho thần Tư Mã Hai Đào gìn giữ, trông coi cho yên cho khỏe mỗi lúc đi xa. Và ngày nay vẫn vậy, người có việc đi xa, thanh niên lên đường nhập ngũ thường mang chiếc áo, chiếc khăn hay dùng đến đây gửi “vía”, mong cho chân cứng đá mềm, hanh thông mọi việc, bình an trở về.
Hà đưa tay xoa lên hòn đá, miệng thầm nói điều gì không rõ, rồi hướng mắt ra bãi đất trống nơi diễn ra Lễ hội Mường Xia hàng năm hồi tưởng lại không khí ngày hội lớn tái hiện khí thế đoàn quân của tướng Tư Mã Hai Đào rầm rập trùng trùng như suối reo, thác đổ, đánh giặc bảo vệ biên cương; rồi thanh âm của tiếng khèn điệu khặp, của những lời ca tiếng hát vang vọng đánh thức cả đại ngàn hùng vĩ: Y đu năm ne, nọng ơi! Chài hặc ơi!...
Trên đường trở về, Hà vẫn ít nói, mắt thường hướng về phía đồi xa xăm. Tôi hỏi nhỏ, em chờ ai mà chưa lấy chồng. Lặng một hồi lâu, Hà nói: “Chuyện tình của em cũng đã thành mây trắng”, rồi lại nhìn tôi. Tôi lưỡng lự, hướng mắt về phía chân trời mờ xa mây trắng, khi những cánh hoa rừng đang chờ đợi mùa xuân sang...
Theo Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh: Lễ hội Mường Xia năm 2023 được huyện Quan Sơn tổ chức gắn với lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nên sẽ quy mô lớn hơn những năm trước đây. Thông qua lễ hội nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. |
Ghi chép của Đỗ Đức