Học viên lớp TCLL - CT tham quan, tìm hiểu thực tế tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá.
Bài “Chính quyền địa phương ở Việt Nam” trong chương trình môn Nhà nước và pháp luật hệ TCLL - CT chiếm vị trí rất quan trọng. Việc áp dụng đổi mới phương pháp dạy - học theo mô hình “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo” vào bài học này giúp học viên xác định rõ cơ cấu tổ chức; nhiệm vụ, quyền hạn; chức năng của HĐND và UBND một cách sâu sắc. Qua đó giúp học viên vận dụng những kiến thức lý luận vừa học vào cuộc sống, gắn với vị trí hiện đang công tác của mỗi người.
Hơn nữa, nhờ có phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức phù hợp, có hiệu quả nên người học còn biết cách đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương với tư cách là một công dân và với vai trò là một cán bộ, công chức đang sinh sống, công tác tại địa phương.
Chính quyền địa phương ở Việt Nam là một bộ phận hợp thành của chính quyền Nhà nước, thực hiện các chức năng quản lý và quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ của địa phương theo quy định của pháp luật, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước. Theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để người học hiểu rõ về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn… của chính quyền địa phương thì giảng viên cần nghiên cứu tiết giảng, bài giảng sâu; sau đó phân tích, giảng giải sâu đối với mỗi tiết giảng, bài giảng; từ đó liên hệ thực tiễn sâu đối với mỗi tiết giảng, bài giảng (3 sâu). Nếu người dạy nghiên cứu bài giảng sâu, phân tích bài giảng sâu…thì sẽ truyền đạt nội dung bài học được tốt nhất, nhiều kiến thức nhất, qua đó giúp học viên nắm được khối lượng kiến thức phong phú, hiểu được sâu sắc nội dung bài học. Đặc biệt đối với bài “Chính quyền địa phương ở Việt Nam” nếu người học nắm vững kiến thức cơ bản sẽ giúp người học đánh giá được thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương nơi học viên đang công tác hoặc đang sinh sống.
Đối với học viên, muốn nắm vững kiến thức bài “Chính quyền địa phương ở Việt Nam” thì cần tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, giáo trình, tự đặt câu hỏi, liên hệ với bài trước và môn học trước (3 trước).
Sau khi trao đổi, phân tích, truyền thụ nhiều nội dung bài học, người giảng viên cần có bước hệ thống sau bài giảng, nhận xét, đánh giá sau bài giảng, đồng thời gợi mở bài học sau cho học viên (3 sau). Với bước tiếp theo này giúp người thầy neo chốt, tổng hợp lại khối kiến thức mà giảng viên đã trao đổi với học viên, qua đó, nhấn mạnh nội dung nào là trọng tâm, đưa ra lưu ý để kết luận nội dung bài học. Làm tốt được bước hệ thống sau bài giảng sẽ giúp người học hệ thống kiến thức sau mỗi bài học, hệ thống một cách logic, từ đó rút kinh nghiệm sau mỗi bài học để người học có thể hoàn thành bài tập và kết nối với bài học sau, môn học sau (3 sau).
Tuy nhiên, để bài giảng có giá trị lý luận cũng như thực tiễn sinh động, bài giảng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người học... thì người thầy cần phải sáng tạo, cần phải biết phát huy những kỹ năng, những phương pháp tích cực. Do vậy, dạy học sáng tạo đối với mỗi tiết giảng, bài giảng là hoạt động cần hơn bao giờ hết của người thầy. Để có thể sáng tạo được thì người thầy cần sự tâm huyết, sự dày công trong việc tìm tòi, khám phá, nghiên cứu ra được nhiều kiến thức bổ ích, sâu rộng… nhằm truyền thụ tới người học một cách hiệu quả nhất. Nghiên cứu vận dụng sáng tạo trong mỗi tiết giảng, bài giảng. Tạo ra sản phẩm mới sáng tạo đối với mỗi tiết giảng, bài giảng… như vậy người thầy đã đạt đến “nghệ thuật” của việc truyền thụ kiến thức đến người học.
Đối với học viên thì việc học sáng tạo trong mỗi tiết học, bài học. Vận dụng, liên hệ sáng tạo trong mỗi tiết học, bài học. Tạo ra thái độ mới, tư duy mới, cách thức mới xử trí tốt hơn với công việc, với mọi người, với chính mình (3 sáng tạo) cũng rất cần thiết. Với bài “Chính quyền địa phương ở Việt Nam” thì học sáng tạo là qua phần lý luận mà người thầy vừa trao đổi thì người học cần tìm thấy giá trị thực tiễn trong phần lý luận đó, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hơn cho tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam nói chung và ở địa phương học viên đang công tác, sinh sống nói riêng.
Việc thực hiện phương pháp dạy - học theo mô hình “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo” là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá. Đặc biệt, qua từng bài giảng cụ thể có thể thấy việc đòi hỏi giảng viên không chỉ có bản lĩnh chính trị, tri thức khoa học vững vàng mà còn phải sử dụng thành thạo những phương pháp, phương tiện giảng dạy hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục lấy người học làm trung tâm, tăng chủ động, giảm thụ động... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường hiện nay.