Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác PCCC tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh).
Để các cuộc giám sát chuyên đề đạt hiệu quả, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch và xác định rõ nội dung cụ thể cần tập trung giám sát, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thành viên đoàn giám sát đi sâu tìm hiểu, phân tích kỹ vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, trước mỗi cuộc giám sát, các thành viên Ban Pháp chế đều chủ động tìm hiểu trước về tình hình triển khai chính sách, pháp luật ở đơn vị, ngành chịu giám sát, để chọn ra nhiều địa điểm khảo sát thực địa. Các đợt giám sát không dàn trải, mà tập trung tới những nơi đang có vấn đề cần xem xét hoặc nơi tiêu biểu; tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau để thu thập thông tin minh chứng, nhận diện, phân tích rõ cái được, cái chưa được. Với sự chuẩn bị kỹ, cộng với quá trình giám sát có trọng tâm, trọng điểm, thông tin được thu thập và phân tích đầy đủ, sâu sắc, đến nay việc giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Điển hình, vừa qua Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2022 tại Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) (Công an tỉnh), huyện Mường Lát, thị xã Nghi Sơn và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Qua giám sát, Ban Pháp chế đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt là cháy lớn vẫn còn tiềm ẩn, nhất là ở các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư; nhà cao tầng... Đối với hệ thống điện của các khu dân cư vẫn còn nhiều bất cập trong khâu cung cấp, sử dụng không an toàn, xảy ra nhiều vụ cháy do chập điện. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa quan tâm đúng mức trong công tác PCCC và CNCH; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm quy định về PCCC... Trên cơ sở đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề nghị các đơn vị, địa phương khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời có kiến nghị đối với các cơ quan chức năng, địa phương có biện pháp khắc phục kịp thời.
Với sự năng động, sáng tạo trong cách làm, hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã ngày càng đi vào chiều sâu. Ông Cầm Bá Chái, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: Nội dung giám sát được ban lựa chọn là những vấn đề có tính thời sự, những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri, dư luận quan tâm. Thông qua cuộc giám sát đã kịp thời phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nhất là việc triển khai các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và biên giới trên địa bàn tỉnh. Qua mỗi cuộc giám sát, trưởng đoàn thống nhất đánh giá tóm tắt kết quả giám sát tại đơn vị, nêu lên những mặt làm được và chưa được, đề nghị các đơn vị tiếp thu giải trình, có biện pháp chỉ đạo, giải quyết khắc phục những vấn đề còn hạn chế, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của ban. Kết thúc đợt giám sát, ban có báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND tỉnh và trình tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVIII.
Giám sát chuyên đề có vị trí rất quan trọng nên hằng năm Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đều xây dựng chương trình giám sát cụ thể. Nội dung giám sát bao quát nhiều lĩnh vực, đi sâu vào những việc “nóng”, việc khó, những vấn đề lớn có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động giám sát chuyên đề thể hiện nhiều nét mới trong phương thức, hình thức giám sát. Trước mỗi cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đều xây dựng đề cương chi tiết để cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị tài liệu đúng nội dung, đúng yêu cầu. Quá trình triển khai, đoàn giám sát mời các đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương và những người am hiểu về lĩnh vực giám sát cùng tham gia. Để có thông tin chân thực, chính xác, đoàn giám sát đã kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ hoặc vụ việc tại nơi được giám sát để phát hiện nội dung không thống nhất giữa báo cáo và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Nhiều cuộc giám sát đã đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân như: Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022; Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn các huyện miền núi giai đoạn 2018-2022; Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý Nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022...
Có thể khẳng định, với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động mà trọng tâm là tăng cường công tác giám sát và giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, đã phát hiện và kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan giải quyết các vấn đề còn bất cập, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực được giám sát, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân địa phương.
Bài và ảnh: Quốc Hương