Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt đối với Lê Văn Khang, nguyên là công chức địa chính xã Quý Lộc (Yên Định) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, các ngành trong khối nội chính đã phối hợp tham mưu, đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp. Đồng thời, phối hợp tham mưu cơ chế, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; đề xuất quan điểm, nguyên tắc xử lý, cơ chế phối hợp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực và trong chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi lên về an ninh - trật tự, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, các ngành trong khối nội chính đã phối hợp tham mưu chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tham mưu chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thường xuyên phối hợp theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp. Cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu về lĩnh vực nội chính, PCTN,TC; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN,TC.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Nga, Chánh án TAND tỉnh, trong những năm qua, việc thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong công tác nội chính và PCTN,TC đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác điều tra, truy tố và xét xử. Chính sự phối hợp đồng bộ, tích cực giữa các ngành trong khối nội chính đã giải quyết kịp thời những vướng mắc đối với các vụ án phức tạp, án trọng điểm, các vụ án có dư luận xã hội quan tâm. Nhất là trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và mối quan hệ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã giúp việc xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực theo từng ngành đúng trình tự pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện những thiếu sót để khắc phục, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Do thực hiện tốt công tác phối hợp, thời gian qua tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Trong năm 2022 và gần 4 tháng đầu năm 2023, các ngành trong khối nội chính đã phát hiện, khởi tố gần 50 vụ, trên 90 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Điển hình, ngày 17-3-2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Công an tỉnh) đã phối hợp với các lực lượng chức năng thi hành quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Khang, sinh năm 1987, nguyên là công chức địa chính thị trấn Quý Lộc (Yên Định) phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 2 điều 355 Bộ Luật Hình sự. Trước đó, ngày 14-3-2023, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Chí Thành, sinh năm 1962, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Thường Xuân; khởi tố bị can đối với Vũ Ngọc Nam, sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân vì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ...
Thời gian tới, các ngành trong khối nội chính tiếp tục phối hợp tham mưu, đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp. Đồng thời, quan tâm phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp,... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước ở các cơ quan nội chính...
Bài và ảnh: Quốc Hương