Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đại biểu Nhật Bản tham quan các gian hàng triển lãm sản phẩm tiêu biểu Thanh Hóa - Nhật Bản.
Trên nhiều tuyến đường dẫn về thành phố biển Sầm Sơn thơ mộng, những băngzôn, khẩu hiệu song ngữ Việt – Nhật, các hàng cờ phướn tung bay chào đón những vị khách phương xa. Các khâu chuẩn bị nghiêm túc và nhộn nhịp từ trụ sở UBND tỉnh đến các sở, ngành, nhất là những nơi tổ chức chuỗi sự kiện như Sầm Sơn, Quảng Xương, Thọ Xuân, Khu Kinh tế Nghi Sơn,… đã diễn ra trong những ngày qua. Các sở ngành, các đơn vị liên quan của tỉnh đã vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, cộng đồng trách nhiệm. Tất cả đều nhận thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của chương trình kỷ niệm bang giao thắm thiết nửa thế kỷ này. Ở đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang thể hiện sự mến khách trên tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân cả nước. Trong tâm khảm đa phần người Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, người Nhật như là tấm gương của sự cần cù nỗ lực, của uy tín và trách nhiệm. Đất nước của xứ sở hoa Anh đào mạnh giàu nhưng luôn thể hiện tinh thần quốc tế cao đẹp với nhiều chương trình hỗ trợ kinh tế, xã hội hướng đến các quốc gia nghèo, đang phát triển.
Với chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản lần này, ngoài các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, các hoạt động kỷ niệm bang giao hai nước, còn có các cuộc xúc tiến đầu tư. Tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức những cuộc tiếp xúc, làm việc riêng để nâng tầm các mối quan hệ, mời gọi đầu tư. Cũng hiếm có sự kiện quốc tế nào mà có tới hơn 300 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Nhật Bản cùng tham gia.
Tại một hội nghị chỉ đạo công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã khẳng định: “Đây là sự kiện quan trọng cấp quốc gia, là thời cơ vàng để Thanh Hóa quảng bá hình ảnh, xúc tiến kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản. Tỉnh coi đây là cơ hội để tranh thủ kết nối văn hóa, phát triển du lịch, kinh tế, xuất khẩu lao động và hàng hóa đi thị trường Nhật Bản. Tổ chức tốt các sự kiện cũng góp phần đẩy mạnh hợp tác Thanh Hóa – Nhật Bản, với các địa phương của Nhật Bản”.
Hội nghị “Kết nối Thanh Hóa – Nhật Bản 2023” tại TP Sầm Sơn vào ngày 6 - 5 là sự kiện chính hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao 2 nước đã được tổ chức trọng thị. Tại đây, ngài Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam đã phân tích sự khác biệt để gợi mở cho các doanh nghiệp, tổ chức hai bên xây dựng mối quan hệ hợp tác tương hỗ. Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển từ khu vực đầu tư kinh doanh ở các thành phố lớn ra các khu vực tỉnh/thành phố khác của Việt Nam. Đồng thời, chuyển đổi từ mô hình sản xuất với giá thành thấp tập trung vào sức lao động đến mô hình sản xuất tự động hóa, địa phương hóa, tạo ra giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp Nhật Bản thay vì đầu tư phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu, những năm gần đây đã chuyển sang xu hướng phát triển doanh nghiệp hoạt động tại thị trường nội địa. Trước xu hướng đầu tư đó, ngài Nakajima Takeo thông tin tới hội nghị về sự khác biệt để biết cách xây dựng quan hệ hợp tác, cùng hỗ trợ lẫn nhau của hai thị trường Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam chú trọng phát triển năng lực cá nhân, Nhật Bản chú trọng phát triển năng lực tổ chức. Việt Nam có giá thành rẻ, tốc độ cạnh tranh cao, Nhật Bản có sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Việt Nam có các doanh nghiệp phát triển phần mềm, Nhật Bản có các doanh nghiệp phát triển phần cứng. Việt Nam nỗ lực giải quyết các vấn đề xã hội, Nhật Bản nỗ lực giải quyết các vấn đề của các nước phát triển,... Trên cơ sở đó, ngài Nakajima Takeo đề nghị Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam tiếp tục hợp tác bền vững, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận đầu tư thêm nhiều dự án, đa dạng hóa ngành nghề kinh tế hơn nữa tại thị trường Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Công ty TNHH MTV X20 Thanh Hóa (KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi Nhật Bản.
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Tiến Hiệu cũng giới thiệu với các đại biểu và đối tác Nhật Bản những lợi thế và mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, thực hiện dự án đầu tư vào tỉnh. Những hình ảnh trình chiếu tại sự kiện cũng làm nổi bật các điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư và giao thương, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các nước trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Thanh Hóa có Khu Kinh tế Nghi Sơn, là một trong 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, được xây dựng với mục tiêu trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp nặng gắn với Cảng biển nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu từ 250.000 tấn. Thanh Hóa còn được quy hoạch phát triển 19 khu công nghiệp, diện tích đến năm 2030 là 6.045 ha và sau năm 2030 khoảng 6.809 ha. Đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 13 dự án có vốn FDI Nhật Bản, với tổng mức đầu tư là 12,554 tỷ USD chiếm tỷ lệ 92,1%. Một số dự án lớn, tiêu biểu như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, vốn đăng ký đầu tư hơn 9 tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn II công suất 1.200 MW, vốn đăng ký đầu tư 2,793 tỷ USD; Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn/năm, vốn đăng ký đầu tư 621,9 triệu USD. Đó chính là tiền đề để những nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đặt niềm tin để đầu tư vào Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có số dân gần 4 triệu người nên bảo đảm nguồn lao động dồi dào, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.
Nhà máy Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - dấu ấn hợp tác đầu tư từ Nhật Bản trên đất Thanh Hóa.
Lời của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cũng chính là sự khẳng định mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai bên xuyên suốt nhiều năm qua. Theo đó, “hiệu quả trong hợp tác về kinh tế giữa các đối tác Nhật Bản và Thanh Hóa trong hiện tại chính là điều kiện quan trọng để hai bên mở rộng và nâng tầm mối quan hệ hợp tác trong tương lai; cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Những kết quả tốt đẹp này cũng chính là điểm tựa tin cậy để Việt Nam - Nhật Bản nói chung, tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản nói riêng xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng bền chặt”.
Những kỳ vọng về sự hợp tác đầu tư Thanh Hóa ngày càng được nhân lên bởi một số dự án đã được xúc tiến. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại Tokyo ngày ngày 25 – 11 - 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết và trao Bản Ghi nhớ với Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam về việc hợp tác thực hiện dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall tại tỉnh Thanh Hóa, góp phần vào kết quả chung của hội nghị và mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Một khu đất 10 ha giáp 3 mặt đường lớn thuộc phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đã được tỉnh giới thiệu, dự định cho một trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế này. Dự án thương mại, kết hợp vui chơi giải trí và phát triển đô thị được nhiều người chờ đợi ngày khởi công với nhiều dấu hiệu tích cực.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Hóa, ông Tetsuyuki Nakagawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AeonMaill Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi quyết định đầu tư trung tâm thương mại vào Thanh Hóa bởi đây là tỉnh lớn, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dân số lớn. Công ty dự kiến khởi công dự án vào năm 2023, đưa vào sử dụng vào năm 2025. Chiến lược phát triển dự án về Thanh Hóa của chúng tôi cũng hài hòa với sự phát triển của tỉnh”.
Đến với xứ Thanh, các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản còn tổ chức chuyến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn – một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của Việt Nam.
“Tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động; tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị và đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Nhật Bản. Tỉnh cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa” – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, khẳng định.