• :
  • :

Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm nghề rèn Tiến LộcCơ sở sản xuất Phương Thiết của hộ gia đình ông Lê Văn Thiết, thôn Ngọ, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc).

Đến thăm cơ sở sản xuất dao kéo Phương Thiết của ông Lê Văn Thiết, thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc hăng say của những người lao động bất chấp môi trường nóng nực. Ông Thiết cho biết: "Cơ sở của gia đình chuyên sản xuất các mặt hàng như dao, kéo... Song, để bắt nhịp với xu thế hội nhập, ngoài năng động tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại như máy chặt tôn, máy đột giập... thay cho sức người, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình và người lao động".

Ngoài sản xuất sản phẩm dao truyền thống, cơ sở dao, kéo Phương Thiết của ông Thiết còn tiên phong nhập khẩu nguyên liệu thép trắng từ Nhật Bản để sản xuất các loại dao, kéo, nhíp ô tô... cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, sản phẩm dao, kéo các loại của cơ sở ông được làm bằng loại thép không gỉ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền năm 2022 và được vinh danh nằm trong top 10 The best op Viet Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dao kéo do Hội đồng Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức bình chọn vào dịp đầu tháng 10/2023. Cùng với đó, cơ sở của ông đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các đại lý trong cả nước và kênh bán hàng như: shopee, lazada, facebook, tiktok... Các sản phẩm nghề rèn giới thiệu trên các trang mạng được thiết kế đẹp, mẫu mã bắt mắt, thuận tiện cho người mua. Trung bình 1 năm, cơ sở của ông cung ứng ra thị trường hàng trăm ngàn sản phẩm dao kéo các loại, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập dao động từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Làng rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc là tên gọi chung của 3 làng: Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn. Theo các cụ cao niên trong làng thì nghề rèn không biết có tự bao giờ nhưng người thợ rèn Tất Tác xưa bằng đôi tay của mình đã làm ra những sản phẩm có chất lượng không nơi nào sánh kịp. Không chỉ rèn các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt như: cuốc, lưỡi cày, bừa, liềm, dao, kéo..., thợ rèn Tất Tác còn rèn các loại vũ khí: gươm, kiếm, dao, mã tấu... góp phần đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Ngày nay, trải qua bao biến cố thăng trầm nhưng nghề rèn Tiến Lộc vẫn đứng vững, bởi người làm nghề rèn Tiến Lộc ngoài nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng còn tích cực đầu tư mua sắm máy móc hiện đại dần thay thế phương thức sản xuất thủ công truyền thống, góp phần nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm của nghề rèn Tiến Lộc đã có mặt hầu khắp các địa phương trên địa bàn cả nước, đồng thời còn được xuất đi các nước như Lào, Campuchia... thông qua các đại lý và các kênh bán hàng như: shopee, lazada, facebook, tiktok....

Nói về việc đưa khoa học – công nghệ vào nghề rèn, ông Trịnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết: Toàn xã hiện có 12 doanh nghiệp và 1.600 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào sản xuất nghề rèn, 100% đều mua sắm máy móc như máy mài, máy cán thép, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay... Việc đưa máy móc vào làm nghề, không chỉ nâng cao năng suất lao động hàng chục lần so với làm bằng thủ công truyền thống, góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề. Đã có 1 sản phẩm của làng nghề được công nhận OCOP đó là sản phẩm dao rèn thủ công của Công ty TNHH Tinh Anh Thu.

Tuy máy móc tham gia vào quá trình sản xuất chiếm tới 80% công đoạn hoàn thiện sản phẩm, song làng nghề vẫn tạo việc làm cho khoảng trên 60%, trong tổng số gần 6.000 dân trên địa bàn xã, đưa tổng giá trị thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 90% cơ cấu kinh tế của xã. Nghề rèn không chỉ giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá giả mà còn đưa mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay lên 56 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm hộ nghèo của toàn xã xuống còn 79 hộ/2.642 hộ.

Bài và ảnh: Minh Lý


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết