Cán bộ, đảng viên ở huyện Bá Thước đọc Báo Thanh Hóa.
Tập trung chỉ đạo và giám sát chặt chẽ
Thực hiện yêu cầu “Mỗi chi bộ đảng, mỗi ủy ban nhân dân xã, phường, mỗi cơ sở Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong cả nước đều có báo Nhân Dân (hàng ngày) và các báo của đảng bộ địa phương mình…”, ngày 6-4-2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Thông báo số 173-TB/TW thông báo Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.
Trước nhiệm vụ này, tỉnh Thanh Hóa đã liên tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc đặt mua báo Đảng. Cụ thể, ngày 11-11-2020 Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 2027/STTTT-QLBC về việc nâng cao chất lượng công tác phát hành báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn tỉnh. Ngày 8-1-2021 Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Công văn số 87-CV/TU về việc mua, sử dụng báo, tạp chí của Đảng. Trên tinh thần đó, ngày 10-2-2022 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có công văn số 686-CV/BTGTU về việc đặt mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, thời gian qua các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện việc đặt mua báo, tạp chí của Đảng khá nghiêm túc. So sánh số liệu của tháng 1 và tháng 7-2022 cho thấy tỷ lệ mua báo ở các cơ sở Đảng nhìn chung đều tăng.
Cụ thể, toàn tỉnh có 531/559 đơn vị cấp xã đặt mua Báo Nhân dân (tăng 0,7%); 534 đơn vị đặt mua Báo Thanh Hóa hằng ngày và Báo Thanh Hóa cuối tuần (tăng 2,5%); 446 đơn vị đặt mua Báo Thanh Hóa hằng tháng (ttăng 1%); 392 đơn vị đặt mua Tạp chí Cộng sản (tăng 11,1%) và 424 đơn vị đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng (tăng 10,8%). Có 4.339/4.344 chi bộ khu dân cư đặt mua Báo Nhân dân (tỷ lệ 99,9%, tăng 1,9%); 4.341 đơn vị đặt mua Báo Thanh Hóa hằng ngày và Báo Thanh Hóa cuối tuần (tỷ lệ 99,9%, tăng 0,9%); 3.000 đơn vị đặt mua Báo Thanh Hóa hằng tháng (tỷ lệ 69,1%, tăng 0,1%).
Còn nhiều khó khăn
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng thì sự đổi mới về nội dung thông tin trên báo Đảng cũng là yếu tố quan trọng. Một điều dễ nhận thấy hiện nay là các báo, tạp chí của Đảng không chỉ tuyên truyền việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà còn thâm nhập, bám sát thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh trung thực các sự kiện, sự việc một cách đa chiều, hấp dẫn. Nhiều tác phẩm thay vì viết theo văn phong chính luận khô khan thì đã linh hoạt hơn trong cách thể hiện, tạo cho người đọc sự tò mò, thích thú và thấy được cá tính riêng của tác giả.
Nhân viên Bưu điện trao Báo Thanh Hóa cho cựu chiến binh Nguyễn Thanh Gia, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá.
Trên ấn phẩm Báo Thanh Hóa hằng ngày, ngoài những bài viết phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và biểu ngợi các tập thể, đơn vị điển hình, đã có nhiều bài viết phản ánh những vấn đề bất cập và các mặt tồn tại, hạn chế trong xã hội, nhất là những “lỗ hổng” trong công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực.
Báo có chuyên mục Bạn đọc được độc giả yêu thích vì thường xuyên đăng tải các bài viết theo đơn thư và thông báo kết quả giải quyết đơn thư của bạn đọc gửi về. Nhờ đó, nhiều vụ việc nhức nhối đã được các cơ quan chức năng vào cuộc khắc phục và không ít vấn đề tiêu cực được đưa ra ánh sáng, giữ được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đặc biệt, để tờ báo thêm mềm mại và đa dạng về nội dung, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc, thời gian gần đây Báo Thanh Hóa còn mở thêm một số chuyên mục như: “Ống kính phóng viên”; “Chuyện làng, chuyện phố”; “Cà kê chuyện chữ nghĩa”; “Đọc sách cùng bạn”…
Những lợi ích của việc đọc báo Đảng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh “khốc liệt” của mạng xã hội với nhiều thông tin giật gân, câu khách, thì việc phát hành báo Đảng trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp nhiều bất lợi. Dù tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo và giám sát, nhắc nhở việc thực hiện, nhưng theo số liệu thống kê của Bưu điện tỉnh, việc đặt mua báo Đảng ở các chi bộ, đảng bộ chưa đồng đều, ổn định. Tình trạng đặt mua thiếu các loại báo và tạp chí của Đảng đang diễn ra khá phổ biến, hoặc đặt mua nhưng không sử dụng, không đưa vào sinh hoạt thường kỳ. Thậm chí, có địa phương không mua bất cứ một loại báo nào của Đảng trong thời gian dài, điển hình như xã Quảng Tâm (thành phố Thanh Hóa), xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương). Ngay cả ở cấp huyện, thị, thành phố, dù nguồn kinh phí cấp cho việc đặt mua báo Đảng đã được phân bổ kịp thời nhưng tỷ lệ đặt mua báo Đảng qua các quý, các năm cũng thiếu sự nhất quán và vẫn mang nặng tính hình thức, đối phó chứ chưa thực sự coi báo Đảng là “món ăn tinh thần" hằng ngày.
Để định hướng dư luận trước những thông tin lệch lạc, xuyên tạc của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, các Đảng bộ cơ sở cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của việc mua và đọc báo Đảng. Các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm sơ kết, tổng kết, báo cáo công tác mua và đọc báo Đảng hàng năm. Và để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nên chăng cần sớm đưa việc mua và đọc báo Đảng vào tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức Đảng hàng năm.