• :
  • :

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Quốc hội họp về công tác nhân sự và nghe các tờ trình quan trọng

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Quốc hội họp về công tác nhân sự và nghe các tờ trình quan trọng

Toàn cảnh phiên họp sáng 21-10. (Ảnh: TTXVN)

Trong ngày làm việc thứ hai, Quốc hội đã họp riêng về công tác nhân sự. Sau đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và nghe các báo cáo thẩm tra về các nội dung này.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá. Về thời gian thí điểm, dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện nay, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau. Do vậy, thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của Luật. Sau khi xin ý kiến và được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan. Về nội dung Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với CBCCVC là một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cụ thể: “Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức".

Tại kỳ họp, trên cơ sở đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép địa phương này tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31-12-2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật này. Sau chỉnh lý, dự thảo Luật được bổ sung thêm 2 điều; sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Phụ lục 4 Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Quốc hội họp về công tác nhân sự và nghe các tờ trình quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: TTXVN)

Cũng trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã Quốc hội tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Với 434/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,15% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, và Bộ trưởng Y tế, nhiệm kỳ 2021-2026, đối với bà Đào Hồng Lan, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Y tế.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, với 459/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trước đó, đầu phiên họp chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; danh sách phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế nhiệm và Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sáng 21/10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Sỹ Thanh; thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Văn Thể.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết