Quốc hội thảo luận về Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và Hội nghị của đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, đưa ra những quy định hợp lý hơn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt trong việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) bày tỏ sự đồng thuận với nhiều nội dung của dự thảo Luật, và cho rằng Ban soạn thảo đã làm việc rất công phu, các nội dung của dự thảo Luật đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Góp ý thêm về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4, đại biểu Cường cho biết, dự thảo Luật đang quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động phát triển nguồn nhân lực một số lĩnh vực như: truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, hồi sức cấp cứu…
Đại biểu đề nghị, cần bổ sung nội dung về quản lý bệnh, quản trị bệnh viện vào đối tượng tại Điều 4, bởi hiện nay có khoảng 50.000 cán bộ y tế được đào tạo, tuy nhiên lực lượng về quản lý bệnh viện chỉ khoảng 200 cán bộ. Đại biểu cho rằng, đây là sự mất cân đối. Do vậy, về lâu dài cần đào tạo lực lượng này nhằm hạn chế sự dịch chuyển nhân lực từ khối lâm sàng lên làm chức năng và nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là dự án Luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và có tính chuyên môn cụ thể. Phiên thảo luận đã nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý cho những vấn đề chung cũng như những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật. Các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.
Trên tinh thần xây dựng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), việc sửa đổi kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực hiện trong quá trình xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội.
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền gồm 4 chương, 65 điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Dự thảo luật được sửa đổi nhằm bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cụ thể: “Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức". Bên cạnh đó, giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Theo TTXVN và quochoi.vn