Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Trên trang nhất Báo Quân đội Nhân dân ra số 431 ngày 24-3-1958 đăng nội dung lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người qua thăm Rumani tháng 8 năm 1957 nhân dịp đoàn đại biểu Chính phủ Rumani (Romania) thăm nước ta.
- Ngày 24-3-1946, đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu) trên tuần dương hạm “Emile Bertin” đậu trên vịnh Hạ Long. Cuộc thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy những cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh mà Chủ tịch nước Việt Nam yêu cầu sẽ phải được diễn ra tại nước Pháp nhằm ngăn chặn những mưu đồ của các phần tử thực dân muốn phá hoại những nỗ lực hòa bình.
- Ngày 24-3-1958, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Tây Bắc, Bác Hồ viết thư thăm hỏi và động viên đồng bào các dân tộc bước vào kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa để khu vực Tây Bắc ngày càng giàu có, đời sống Nhân dân sẽ ngày càng đầy đủ.
- Ngày 24-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn Tổng thống Ấn Độ Praxỏt (Prassad) thăm một số địa điểm tại Hà Nội trong đó có chùa Quán Sứ và chùa Một Cột, nơi trồng cây Bồ Đề mà Bác mang từ Ấn Độ về trong chuyến đi thăm nước bạn. Buổi tối, trong buổi đáp từ tại bữa tiệc do Tổng thống Ấn Độ chiêu đãi, Bác đánh giá: “Tổng thống là người đã suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Ấn Độ. Ngài lại là một vị chiến sĩ lão thành luôn luôn đấu tranh cho hòa bình thế giới và hữu nghị giữa các dân tộc. Ngài là một người đạo cao đức trọng, nêu gương sáng cho mọi người chúng ta noi theo...”.
- Ngày 24-3-1961, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác Hồ tâm sự: “Từ chỗ chỉ có một Lý Tự Trọng đến ngày nay chúng ta có 78 vạn đoàn viên... Tiến bộ đó làm cho Bác rất vui sướng và trẻ lại. Nó làm cho lòng Bác phơi phới như hoa nở trong mùa Xuân...”.
- Ngày 24-3-1966, đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác căn dặn: “Bây giờ, chiến tranh của ta là chiến tranh gì? Đó là chiến tranh Nhân dân. Vì vậy, giao thông vận tải cũng là giao thông vận tải Nhân dân... Giao thông vận tải là một mặt trận. Vì vậy, mỗi công nhân, thanh niên trong ngành Giao thông Vận tải phải là một chiến sĩ. Phải quyết tâm làm cho giao thông vận tải thắng lợi. Giao thông vận tải thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình xây dựng cầu Việt Trì (tháng 2-1956). Ảnh tư liệu
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“…Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi như vậy tại Đại hội lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, trong điều kiện miền Bắc nước ta đang ra sức sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để nhận thức đúng tình hình, tiếp thu tư tưởng tiên tiến, học tập kinh nghiệm tốt trong đấu tranh thực hiện thắng lợi cách mạng, theo Người, muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức cách mạng của người cách mạng, thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.
Để giải quyết nhiệm vụ đó phải có đội ngũ cán bộ tốt: Bởi vì, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đội ngũ cán bộ phải thực sự là lực lượng tiên phong về trí tuệ, về phẩm chất đạo đức, phải là những hạt giống tốt để nhân rộng trong xã hội và các đoàn thể. Muốn vậy phải thường xuyên giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về mọi mặt, mà trước hết là về đạo đức cách mạng.
Người cho rằng, đạo đức cách mạng là “cái gốc” cái căn bản của người cách mạng. Có đạo đức cách mạng mới trở thành người cán bộ tốt. Mới làm tròn vai trò người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, tận tụy của Nhân dân. Đạo đức cách mạng là cơ sở, nền tảng để mỗi cán bộ phấn đấu hoàn thiện mình. Bởi lẽ, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa.
Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của cả loài người, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, là suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân, “hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”. Đó là cốt lõi, là bản chất của đạo đức cách mạng, là nguyên tắc cao nhất.
Đối với quân đội ta, yêu cầu cơ bản phải thường xuyên xây dựng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo những nội dung, tiêu chuẩn chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối, chính sách và nghị quyết của Đảng, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giàu lòng nhân ái.
Đồng thời thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức và lối sống. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, lối sống suy thoái về đạo đức. Thiết thực góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)