Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá Đới Sỹ Nam. (Ảnhh: Quốc Hương)
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá Đới Sỹ Nam, hiện nay tỉnh Thanh Hóa có hơn 21.000 DN tư nhân đăng ký kinh doanh (chủ yếu là DN nhỏ và vừa). Trong đó có trên 20.000 DN hoạt động, có kê khai thuế và phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, số DN tư nhân thành lập tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trong toàn tỉnh hiện ở mức rất thấp với 32 Đảng bộ, 27 Chi bộ và 178 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở.
Thực tế là đa phần DN mới chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, doanh thu. Nhiều chủ DN chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; không muốn người lao động đứng trong hàng ngũ của Đảng vì sợ ảnh hưởng đến thời gian làm việc, không bảo đảm ngày công lao động, kết quả sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, công nhân, người lao động trong DN gần như chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, mà chưa thực sự phấn đấu trở thành đảng viên. Biến động thường xuyên về nguồn lao động của các DN cũng là trở ngại lớn cho công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức Đảng.
Hầu hết doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, dẫn đến các chỉ tiêu về phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và đảng viên chưa đạt. Nhiều doanh nghiệp có đủ số lượng đảng viên để thành lập Chi bộ theo quy định Điều lệ Đảng nhưng chủ DN lại không muốn thành lập Chi bộ. Các đảng viên này chủ yếu được kết nạp ở địa phương, đơn vị khác, rồi chuyển đến làm việc tại công ty và phải sinh hoạt Đảng ở nhiều tổ chức Đảng khác nhau.
Vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của tổ chức công đoàn các cấp chưa được phát huy triệt để. Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động còn bất cập. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện các hoạt động của tổ chức Đảng.
Nền nếp sinh hoạt Chi bộ tại một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp không đều, thường sinh hoạt ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ; nội dung, phương thức sinh hoạt không phong phú; chất lượng sinh hoạt thấp; chưa chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên. Kinh phí hoạt động của tổ chức Đảng còn hạn hẹp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp.
Về phía các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, 2 năm gần đây, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung cao cho công tác chỉ đạo và tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và đại dịch COVID-19... nên chưa tập trung cao cho công tác phát triển Đảng trong DN tư nhân.
Sự lãnh đạo, hướng dẫn của nhiều cấp ủy cấp trên đối với hoạt động của tổ chức Đảng trong DN tư nhân chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều nơi chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung sinh hoạt Đảng, nghiệp vụ công tác Đảng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp.
Việc gặp gỡ, tiếp xúc với chủ doanh nghiệp chưa thực chất, còn có tình trạng cấp ủy “khoán trắng” cho cơ quan thường trực nên kết quả tuyên truyền, vận động còn hạn chế, thiếu sức thuyết phục. Chưa kể nhiều doanh nghiệp còn viện nhiều lý do để từ chối gặp gỡ, tiếp xúc với cấp ủy.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân lao động thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, một số quy định về tiêu chuẩn kết nạp đảng viên chưa phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển DN hiện nay khiến việc phát triển đảng viên và tổ chức Đảng ở khu vực này gặp khó khăn.
Nguyễn Mai (lược ghi)