• :
  • :

Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc các sự kiện chính trị nhằm gây hoang mang dư luận

Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc các sự kiện chính trị nhằm gây hoang mang dư luậnNgười dân cần đề cao cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên không gian mạng.

Gần đây, trên trang tài khoản mạng xã hội facebook “thoibao.de” đã đăng tải thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với cán bộ. Theo đó, sau khi kết quả được công bố, tài khoản này đã đưa ra các “bình luận bẩn”, suy diễn về công tác nhân sự của Đảng. Và cho rằng cuộc bỏ phiếu lần này là khá căng thẳng, kịch tính, ảnh hưởng đến công tác nhân sự cho đại hội Đảng khóa tới. Trang này cũng đưa ra một vài suy diễn vô căn cứ, xuyên tạc sai sự thật về ý nghĩa của đợt lấy phiếu tín nhiệm...

Về nội dung lấy phiếu tại hội trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua (24/10), phải khẳng định rằng đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội nước ta tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Trước đó, vào các năm 2013, 2014, 2018 Quốc hội cũng đã qua 3 đợt tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Lần này, với 95,34% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là công việc hệ trọng, được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Qua đó, nhằm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Song song với đó, đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.

Ngoài ra, một thủ đoạn khác cũng luôn được các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng, đó là chúng ra sức tuyên truyền, bảo vệ những quan chức tham nhũng, tiêu cực phải hầu tòa. Đồng thời, chúng cũng hướng lái dư luận, đánh lạc hướng dư luận, “nắn dòng dư luận” chĩa mũi nhọn công kích vào Đảng, Nhà nước ta. Những luận điệu của chúng tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Và cái đích cuối cùng mà các đối tượng hướng đến không phải là vì “dân chủ, công bằng, nhân quyền, bình đẳng” mà nhằm làm lung lay khối đại đoàn kết dân tộc, hạ bệ uy tín của Đảng, chuyển đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Theo các cơ quan chức năng dự báo, thời gian tới, nhất là thời điểm đất nước ta diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, tình hình an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật trước các âm mưu kích động, chống phá của các tổ chức phản động, hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước. Không chia sẻ, bình luận, lan truyền những thông tin xấu, bịa đặt, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội.

Về phía lực lượng chức năng, cần tiếp tục có các biện pháp xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn các trường hợp phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc và vi phạm các quy định của Nhà nước về an ninh thông tin mạng.

Quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội ngày 23/6/2023, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ như sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là 50 vị trí, hiện nay có 49 người đang giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, cũng theo quy định, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, do được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.

Trong 44 nhân sự được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, khối Chủ tịch nước có 1 người, khối Quốc hội có 18 người, khối Chính phủ có 23 người cùng với Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Có 1 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4 (ông Nguyễn Hòa Bình), 13 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2, còn lại 30 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.

Bài và ảnh: Lê Phượng


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết