Lê Thị Hồng Ánh, lớp K22 Đại học sư phạm Ngữ Văn chất lượng cao, Khoa Khoa học - Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức.
Quan tâm tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm khi ra trường
Một trong những vấn đề được đông đảo thanh niên và sinh viên trong tỉnh quan tâm, đó là thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như vấn đề giải quyết việc làm, tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp. Bạn Lê Thị Hồng Ánh, lớp K22 Đại học sư phạm Ngữ Văn chất lượng cao, Khoa Khoa học - Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh: “Đối với sinh viên ngành sư phạm nói chung và sinh viên ngành sư phạm chất lượng cao nói riêng thì chế độ ưu tiên tuyển dụng có được áp dụng nữa không trong khi hiện trạng thiếu giáo viên được cho là vẫn đang tiếp diễn tại một số địa phương. Tỉnh Thanh Hóa có cơ chế chính sách trong việc tuyển dụng đối với sinh viên ngành sư phạm khi ra trường như thế nào?”.
Với tinh thần cởi mở, nhiệt huyết, cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành giúp các bạn sinh viên ngành sự phạm nói riêng và thanh niên xứ Thanh nói chung nắm bắt được cơ chế chính sách trong tuyển dụng, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có cơ hội tốt hơn về việc làm, có cơ hội phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ giải đáp những băn khoăn của bạn Lê Hồng Ánh.
Trả lời câu hỏi của bạn Lê Hồng Ánh, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Hiện nay sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp theo chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học cũng như sinh viên tốt nghiệp đại học theo các chương trình khác được đăng ký dự tuyển công chức, viên chức theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc thực hiện theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 25-1-2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017. Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong chính sách này tập trung ưu tiên cho sinh viên là con em các đối tượng chính sách như thương binh, liệt sỹ..., không có quy định ưu tiên trong tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp theo chương trình đào tạo chất lượng cao cũng như sinh viên tốt nghiệp đại học theo các chương trình khác.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp khác có liên quan đã và đang tích cực thực hiện việc tuyển dụng viên chức theo chỉ tiêu được giao và đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật. Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở các huyện chủ yếu do Trung ương chưa cân đối đủ chỉ tiêu viên chức theo định mức và nhu cầu thực tế của tỉnh.
Lê Thị Yến, Bí thư đoàn xã Thọ Lập (Thọ Xuân).
Tăng cơ hội tạo việc làm, khởi nghiệp cho thanh niên
Bí thư đoàn xã Thọ Lập (Thọ Xuân) Lê Thị Yến nêu vấn đề: Một bộ phận lớn đoàn viên, thanh niên do không có việc làm tại chỗ nên phải đi làm ăn xa; nhiều sinh viên ra trường chỉ muốn bám trụ lại các thành phố lớn và chấp nhận làm trái nghề đã được đào tạo. Trong những năm tới tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách như thế nào trong giải quyết việc làm cho thanh niên cũng như thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về làm việc tại địa phương?
Giải đáp câu hỏi của thanh niên, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, tăng cơ hội tạo thêm việc làm cho thanh niên, thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về làm việc tại địa phương, tỉnh đã có những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước về các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở cấp huyện để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt vùng nông thôn, vùng miền núi để thu hút lao động tại chỗ, tạo việc làm cho thanh niên trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026; chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vay vốn tạo việc làm tại địa phương.
Bên cạnh đó, hình thành Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thanh niên tham gia vào các dự án, các chương trình khởi nghiệp. Tăng cường các hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp và hỗ trợ thanh niên học nghề theo quy định của pháp luật. Cùng với các chính sách của tỉnh, thanh niên cần phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ về tay nghề, tác phong công nghiệp, rèn luyện thể lực và chủ động học ngoại ngữ. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay; góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấm mạnh thêm: Trong những năm gần, đây số lượng đoàn viên thanh niên ở Thanh Hóa học tập, lao động trong và ngoài tỉnh trở về địa phương học tập, công tác, sản xuất kinh doanh rất nhiều và có nhiều đóng góp cho tỉnh, tạo điều kiện chăm lo cho gia đình, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng môi trường tốt, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nhiều cơ chế chính sách thu hút thanh niên tham gia vào các ngành nghề đặc thù. Từ đó tạo điều kiện việc làm trên tất cả các lĩnh vực để hấp dẫn thanh niên trở về.
Nguyễn Quốc Long, đoàn viên xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.
Lực lượng thanh niên cần chủ động hòa nhịp chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương
Thay mặt tuổi trẻ thị xã Nghi Sơn, anh Nguyễn Quốc Long, đoàn viên xã Tân Trường nêu câu hỏi: Việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức đoàn và đoàn viên quan tâm vì đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm đầu ra, tuy nhiên việc ứng dụng chuyển đổi số là mới và thanh niên chưa tiếp nhận kịp thời. Vậy đề nghị lãnh đạo tỉnh cho biết việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ được giao cho cơ quan nào và phương án hỗ trợ cụ thể cho thanh niên?
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Trong đó trách nhiệm của Sở Nông nghiệp là hỗ trợ người nông dân, chủ thể HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ… ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi để phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khi hậu. Ngành NN&PTNT định hướng chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Nông nghiệp số, kinh tế số nông nghiệp và nông dân số, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.
Về phương án hỗ trợ cụ thể cho thanh niên trong chuyển đổi số, bên cạnh các cơ chế, chính sách chung của tỉnh, thời gian tới Sở NN&PTNT cùng với các sở, ngành sẽ sớm đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.
Với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai.
Nguyễn Danh Trường, Bí thư Đoàn xã Hải Long (Như Thanh).
Tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên vay vốn khởi nghiệp
Thay mặt tuổi trẻ huyện Như Thanh, Bí thư Đoàn xã Hải Long - Nguyễn Danh Trường đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh: Thanh niên tham gia sản xuất kinh doanh tại địa phương có nhu cầu vay vốn lớn, song còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện vay vốn, đặc biệt là thanh niên mới khởi nghiệp. Đối với các khoản vay trung, dài hạn phải trả theo định kỳ 6 tháng 1 lần, trong khi các mô hình thanh niên mới khởi nghiệp khả năng thu hồi vốn chưa cao, nhu cầu tái đầu tư nên gặp khó khăn trong trả nợ từng kỳ.
Trả lời câu hỏi của đại diện đoàn xã Hải Long, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho biết: Hiện nay NHCSXH đang thực hiện cho vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bằng nguồn vốn ủy thác địa phương của UBND tỉnh theo chương trình cho vay “Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”. Về đối tượng vay vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thực hiện theo Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 28-2-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc sửa đổi một số nội dung của Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 3815/QĐ-UBND ngày 4-10-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Tại Điều 3 Quyết định, đối tượng được vay vốn là “Doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh do đoàn viên, thanh niên làm chủ”. Theo đó, để mở rộng đối tượng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp NHCSXH đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét sửa đổi Điều 3 Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 28-2-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bổ sung thêm đối tượng vay vốn là “Người lao động”.
Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 24 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định “Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”. Như vậy khách hàng vay vốn phải chứng minh được việc tạo việc làm, duy trì việc làm cho lao động tham gia dự án vay vốn. Tuy nhiên, đối với thanh niên nông thôn chủ yếu lập nghiệp nhưng chưa có mô hình khởi nghiệp rõ ràng nên mức vay vốn còn thấp.
Để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn, NHCSXH đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét sửa đổi bổ sung Điều 4 Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 28-2-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với nội dung điều kiện đảm bảo tiền vay “Đối với mức vay trên 200 triệu đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành của NHCSXH”.
Đối với khó khăn trong vay vốn với đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, NHCSXH đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét sửa đổi bổ sung Điều 4 Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 28-2-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với nội dung định kỳ hạn trả nợ, “Đối với cho vay có thời hạn trên 12 tháng: Kỳ hạn trả nợ tối đa 12 tháng trả một lần kể từ ngày nhận món vay đầu tiên”. Đồng thời nhấn mạnh, đoàn viên, thanh niên cần có sự quan tâm, đánh giá năng lực, khả năng nguồn lực mô hình khởi nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Hoàng Lường Tùng, Bí thư đoàn xã Quảng Khê (Quảng Xương).
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên
Thay mặt cho thanh niên huyện Quảng Xương, Bí thư đoàn xã Quảng Khê - Hoàng Lường Tùng đặt vấn đề: Các cơ quan chức năng có giải pháp gì để nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho thanh thiếu nhi? Bởi, thực trạng thanh thiếu nhi hiện nay, nhất là thanh thiếu nhi trong độ tuổi đi học chưa có nhiều môi trường và điều kiện để học tập về các lớp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những vấn nạn hiện nay, như: bạo lực học đường, xâm hại tình dục, đuối nước.
Trả lời nội dung này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, an toàn, ngành giáo dục và đạo tạo đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên, của tỉnh. Đồng thời, căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các đơn vị tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng tiếp cận năng lực học sinh. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống. Cùng với đó, tập trung rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, chú trọng xã hội hóa trong giáo dục kỹ năng sống để công tác giáo dục kỹ năng sống được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn. Tổ chức các hoạt động hướng tới việc rèn luyện năng lực cho học sinh. Thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm tạo động lực để phát triền toàn diện năng lực của học sinh. Phối hợp giáo dục kỹ năng sống với các hoạt động giáo dục khác như: giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, giáo dục pháp luật, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với địa phương, gia đình và các tổ chức khác trong công tác giáo dục kỹ năng sống thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú và các hoạt động Đoàn, Đội.
Sau những giải đáp của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Đây là một câu hỏi thiết thực. Vừa qua, nhiều vụ việc bức xúc, đau lòng đã xảy ra tác động xấu đến thanh thiếu nhi tỉnh nhà. Đồng chí đề nghị không chỉ riêng ngành giáo dục và đào tạo mà các ngành, địa phương liên quan cần có kế hoạch, phương án để tăng cường kỹ năng sống cho thanh niên; các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về kỹ năng sống cho trẻ để bảo vệ trẻ toàn diện; lên án những vụ việc không lành mạnh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu nhi, biểu dương những điển hình trong việc nâng cao kỹ năng sống cho thanh niên; tổ chức Đoàn, Hội cần quan tâm nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em. Đặc biệt, các gia đình và bản thân thanh thiếu nhi cần nâng cao nhận thức và hành động trong bảo vệ thanh thiếu thi trước những rủi ro, xâm hại…
Đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Bí thư đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn
Đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Bí thư đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đặt câu hỏi: Với chủ đề của buổi đối thoại hôm nay là “Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; thúc đẩy khát vọng cống hiến và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Thanh niên Thanh Hóa”. Xin đồng chí UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn có những định hướng gửi gắm niềm tin và giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức Đoàn và cán bộ, đoàn viên thanh niên tỉnh nhà trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ MinhTuấn định hướng cho tổ chức Đoàn và cán bộ, đoàn viên thanh niên tỉnh nhà trong thời gian tới đó là: đoàn viên thanh niên cần phát triển một cách toàn diện đội ngũ thanh niên có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, nung nấu và nuôi dưỡng chí lớn để trở thành lực lượng hùng hậu kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của quê hương, đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các đoàn viên thanh niên cần phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích tình nguyện trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đặc biệt là khát vọng vươn lên của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới. Đồng thời, gửi gắm niềm tin và tin tưởng với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đầy khát vọng, các đoàn viên thanh niên sẽ là lực lượng tiên phong, đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo và sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không có việc gì khó mà thanh niên không làm được.
Đồng chí Lê Thị Kim Oanh, Bí thư Huyện đoàn Yên Định.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm cho người lao động trên thị trường
Từ điểm cầu huyện Yên Định, chị Lê Thị Kim Oanh, Bí thư Huyện đoàn Yên Định đặt câu hỏi: Công nghệ thông tin đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, là cầu nối gắn kết giữa nhà tuyển dụng với người lao động; đồng thời góp phần tăng năng suất lao động xã hội, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Vậy xin hỏi đồng chí, tỉnh ta đã có giải pháp như thế nào hay những ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm cho người lao động trên thị trường?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Từ năm 2009, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, áp dụng công nghệ thông tin vào thị trường lao động, góp phần đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm của tỉnh. Sàn giao dịch việc làm là nơi kết nối cung - cầu lao động, là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo và sản xuất kinh doanh, là cơ hội để người lao động tìm việc làm và học nghề.
Hiện nay, tỉnh giao Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tuần, đồng thời còn có các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp tập trung đông người lao động và các phiên giao dịch việc làm trực tuyến (online) kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước đặc biệt là các địa phương thiếu hụt lao động... nhằm tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động để người sử dụng lao động và người lao động gặp nhau, làm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm và học nghề của người lao động. Bình quân mỗi phiên giao dịch thu hút từ 20 đến 30 doanh nghiệp và từ 800 đến 1.000 người lao động tham gia.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng thuộc tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; đồng thời thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động, chỗ làm việc trống trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook… Các giải pháp, chính sách hỗ trợ; các ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm cho người lao động trên thị trường, đó là: Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tổ chức các phiên giao dịch việc làm; kết nối cung - cầu lao động, để các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo và sản xuất kinh doanh, là cơ hội để người lao động tìm việc làm và học nghề. Cùng với tăng cường hơn nữa việc quảng bá, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động qua mạng internet như qua mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, các trang thông tin điện tử, tỉnh tập trung xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm có sự kết nối chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để làm cơ sở quản lý và thực hiện các chính sách, hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động về việc làm bền vững như: Xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.
Trao đổi thêm, Bí thư Huyện đoàn Yên Định - Lê Thị Kim Oanh cũng như các đoàn viên, thanh niên ở thị xã Nghi Sơn, đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm cho người lao động và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tuy nhiên, đoàn thanh niên phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong chuyển đổi số. Đoàn thanh niên có thể tham gia rất nhiều công việc liên quan đến chuyển số ở hầu hết các lĩnh vực, địa bàn cần chuyển đổi số. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch đoàn thanh niên Thanh Hóa tham gia chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, sớm hoàn thiện kế hoạch, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt.
Phạm Bá Luyến, Bí thư Đoàn xã Nga Thành (Nga Sơn).
Nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, anh Phạm Bá Luyến, Bí thư Đoàn xã Nga Thành (Nga Sơn) nêu câu hỏi: Để có thể phát huy tinh thần xung kích và khả năng, năng lực của thanh niên Thanh Hóa trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; nhất là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, xin Chủ tịch UBND tỉnh cho biết về những chủ trương, định hướng của tỉnh trong thời gian tới để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong nông nghiệp nói riêng.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Tỉnh Thanh Hóa xác định quan điểm và định hướng phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là động lực, là đầu tàu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tái cơ cấu. Bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa cũng có tương đối đầy đủ và đồng bộ các chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ Danh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND tỉnh ngày 13-4-2022 của HĐND tỉnh. Đến nay, Thanh Hóa có 14 nhóm hỗ trợ chính, trong đó: Các nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV (gồm 7 nhóm hỗ trợ với 26 nội dung hỗ trợ); chính sách riêng của tỉnh theo Nghị quyết 214/2022/NQ-HĐND tỉnh ngày 13-4-2022 (gồm 7 nhóm hỗ trợ).
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phê duyệt “Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”; kế hoạch thực hiện chính sách và nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh; phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023… Nông nghiệp là một trong những trụ cột tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa. Đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực ưu đãi đầu tư, đặc biệt đầu tư vào khu vực miền núi sẽ được hưởng các chính sách về thuế đất của tỉnh.