• :
  • :

Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN, các ban, sở, ngành và chính quyền địa phương với đoàn viên, CNLĐ

Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN, các ban, sở, ngành và chính quyền địa phương với đoàn viên, CNLĐ

Công nhân Mai Thị Phương, Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam.

Cần sớm giải quyết vấn đề họp chợ tràn lan tại các khu công nghiệp

Công nhân Mai Thị Phương, Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam nêu vấn đề: “Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam là doanh nghiệp có trên 23.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay khu vực xung quanh công ty tình trạng họp chợ tràn lan, gây mất vệ sinh, ATTP, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần trả lời sẽ có quy hoạch chợ gần công ty nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Vậy kính đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ chúng tôi giải quyết vấn đề trên, đồng thời thông báo về tiến độ quy hoạch chợ để công ty chúng tôi được biết để tuyên truyền cho người lao động”.

Trả lời nội dung này, đại diện lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN cho biết: Dự án chợ Bình Minh do Công ty TNHH dịch vụ vận tải Anh Cường làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2970/QĐ-UBND ngày 14-8-2017 với mục tiêu đầu tư xây dựng chợ hạng III nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân xã Bình Minh và vùng lân cận.

Sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Công ty TNHH dịch vụ vận tải Anh Cường đã phối hợp với cơ quan Nhà nước ứng trước tiền bồi thường GPMB và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án. Công ty đã hoàn thành công tác san lấp mặt bằng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, do một số quy định về Luật đất đai thay đổi, vì vậy dự án thuộc trường hợp tạm thời dừng việc sử dụng đất. Ngày 3-4-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-5-2023). Theo quy định, công ty có đủ cơ sở tiếp tục sử dụng đất để triển khai đầu tư dự án.

Vì vậy, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến việc triển khai thực hiện đối với các dự án thuê đất thương mại, dịch vụ tại KKT Nghi Sơn theo quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03-4-2023, Ban quản lý KKTNS & CKCN đã đôn đốc công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động.

Trước mắt, để tránh việc mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông tại khu vực trước Công ty TNHH Giầy Annora VIệt Nam, Ban quản lý KKTNS & CKCN phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn chỉ đạo các đơn vị có liên quan không cho tập trung các điểm chợ cóc, tự phát trước khu vực của công ty.

Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN, các ban, sở, ngành và chính quyền địa phương với đoàn viên, CNLĐ

Công nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh, Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam.

Làm rõ vấn đề hỗ trợ tiền thuê nhà cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

Công nhân Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam hỏi: “KCN Hoàng Long có điểm gì khác các KCN khác trong tỉnh Thanh Hóa mà CNLĐ làm việc tại KCN Hoàng Long không được hưởng một số chế độ như các KCN khác, như: thời gian trước Chính phủ có hỗ trợ tiền thuê nhà cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng chúng tôi lại không thuộc diện đối tượng được thụ hưởng như các KCN khác trên địa bàn tỉnh. Đề nghị được giải thích và định hướng giải quyết trong thời gian tới”.

Trả lời câu hỏi của đại diện cho công nhân Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam, lãnh đạo Ban quản lý KKTNS&CKCN cho biết: Tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy định phạm vi áp dụng như sau: “Khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế”. Tuy nhiên, tại thời điểm áp dụng Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg thì Khu công nghiệp và Đô thị Hoàng Long chưa được thành lập theo quy định tại Nghị định số 82.

Ngày 28-5-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định quản lý KKT, KCN thay thế cho Nghị định số 82. Theo đó, Khu công nghiệp Hoàng Long đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Vì vậy, tại nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan, Ban nhiều lần có ý kiến đề nghị xem xét hỗ trợ đối với các lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn KCN Hoàng Long.

Ngày 11-7-2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Báo cáo số 159/BC-SLĐTBXH gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ) trong đó đề nghị Bộ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để người lao động làm việc tại KCN Hoàng Long được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời của Bộ để có cơ sở hỗ trợ cho người lao động.

Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN, các ban, sở, ngành và chính quyền địa phương với đoàn viên, CNLĐ

Công nhân Lê Hồng Bình, Công ty TNHH Giầy RollSport Việt Nam.

Cần có quy định cụ thể phân loại lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thay mặt công nhân Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam, anh Lê Hồng Bình đặt câu hỏi: “Hiện tại, CNLĐ ngành sản xuất giầy dép như công ty chúng tôi làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong những năm qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có bổ sung thêm một số công đoạn nặng nhọc, độc hại, nguy hiển cho ngành giầy da. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công đoạn được hưởng nhưng không được quy định chi tiết cho sản xuất giầy da mà công ty phải lấy các công đoạn làm việc của các ngành khác tương ứng để cho CNLĐ được hưởng nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,…”.

Trả lời nội dung này, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết: Việc phân loại lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12-11-2020 của Bộ Lao động - TBXH về việc ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28-12-2021 của Bộ LĐTBXH quy định:Đối với nghề, công việc tại nơi làm việc thuộc Danh mục nghề đã được người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp loại trừ, giảm thiểu tác động của các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động tổ chức đánh giá, phân loại lao động và đề xuất về Bộ LĐTBXH để được xem xét, có ý kiến về kết quả đánh giá, phân loại lao động. Trong đó phải gửi kèm các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này”.

Như vậy, đối với những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa có trong danh mục quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH thì đề nghị các Công ty (hoặc tập đoàn giầy da) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rà soát, phân loại và mời tổ chức có thẩm quyền đánh giá, phân loại lao động theo phương pháp phân loại lao động được ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH. Sau khi có kết quả của tổ chức đánh giá, các công ty (hoặc tập đoàn giầy da) tổng hợp, có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Bộ LĐTB&XH sẽ cử chuyên gia đến đánh giá, thẩm định lại và thực hiện bổ sung vào danh mục nghề nếu đủ điều kiện.

Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN, các ban, sở, ngành và chính quyền địa phương với đoàn viên, CNLĐ

Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Giầy Sunjade Việt Nam Lê Thị Thủy.

Đảm bảo chế độ thai sản cho lao động nữ

Chị Lê Thị Thủy, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Giầy Sunjade Việt Nam nêu vấn đề: “Hiện nay, Công ty chúng tôi đang gặp phải vấn đề liên quan đến thanh toán chế độ ốm đau thai sản cho lao động nữ: Các trường hợp phá thai bệnh lý, Luật Bảo hiểm quy định ngày nghỉ được hưởng theo tuần tuổi thai, tuy nhiên khi người lao động vào viện thì bệnh viện không ghi số tuần tuổi thai vào giấy ra viện. Bảo hiểm thì mặc định về số tuần tuổi thai nhỏ nhất là dưới 5 tuần, và số ngày nghỉ ít nhất là 10 ngày, nên người lao động không biết sẽ rất thiệt khi phải nằm viện. Mong Bảo hiểm xã hội tỉnh giải thích và hướng dẫn cho chúng tôi, để CNLĐ chúng tôi không bị mất quyền lợi, thiệt thòi”.

Với nội dung này, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời: Theo quy định tại Điều 33, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì lao động nữ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định tương ứng theo tuổi thai.

Khi cấp các giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh, lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH theo quy định tại Thông tư này. Tại phần hướng dẫn ghi giấy ra viện (Phụ lục 3), Bộ Y tế hướng dẫn việc xác định tuần tuổi thai, trường hợp người bệnh phải đình chỉ thai nghén thì bác sĩ phải ghi rõ tuần tuổi của thai.

Để đảm bảo quyền lợi hưởng chế độ BHXH, người lao động cần kiểm tra các thông tin của cá nhân trên Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH khi được cơ sở khám, chữa bệnh cấp

Trường hợp phá thai bệnh lý ( thai ngoài tử cung) trên giấy ra viện không ghi số tuần tuổi thai, cơ quan BHXH sẽ căn cứ theo số ngày nghỉ được chỉ định trên giấy ra viện của bệnh viện và số ngày người lao động thực sự nghỉ việc theo đề nghị của đơn vị sử dụng lao động để giải quyết chế độ thai sản đối với người lao động nhưng không vượt quá số ngày được nghỉ ghi trong giấy ra viện.

Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN, các ban, sở, ngành và chính quyền địa phương với đoàn viên, CNLĐ

Công nhân Phạm Thị Oanh, Công ty TNHH South Asia Garments Limited

Hướng dẫn sử dụng thẻ căn cước công dân đi khám bệnh BHYT đối với người lao động

Công nhân Phạm Thị Oanh, Công ty TNHH South Asia Garments Limited nêu câu hỏi: "Vì sao chúng tôi đóng BHYT lâu rồi mà chưa được nhận thẻ bảo hiểm, mặc dù nhân viên bảo hiểm doanh nghiệp đã trả lời là BHXH tỉnh hướng dẫn có thể sử dụng thẻ căn cước công dân đi khám bệnh, nhưng thực tế tại một số nơi khám chúng tôi vẫn yêu cầu cung cấp thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy chúng tôi vẫn muốn nhận thẻ bảo hiểm khi chưa kịp đồng bộ hóa với căn cước công dân (CCCD) có được không?

Liên quan đến vấn đề này, BHXH tỉnh trả lời: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06-01-2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); theo đó Ngành BHXH thực hiện mục tiêu “Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID), trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ BHYT”; việc triển khai sử dụng CCCD gắn chíp khi đi khám chữa bệnh BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06, góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh, minh bạch thông tin, chống các hành vi gian lận, lợi dụng để trục lợi quỹ BHYT. Ngày 28-3-2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 4011/UBND-KSTTHCNC về việc đẩy mạnh triển khai khám chữa bệnh (KCB) BHYT bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng VneID chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến người tham gia BHYT, các cơ sở KCB BHYT về việc sử dụng CCCD gắn chíp, ứng dụng VneID để tham gia KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy; Sở Y tế chỉ đạo 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện KCB bằng CCCD gắn chíp.

Như vậy, việc cơ quan BHXH hướng dẫn sử dụng thẻ CCCD đi khám bệnh BHYT là đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong trường hợp NLĐ đi KCB BHYT bằng CCCD có vướng mắc thì ngay tại cơ sở KCB đó sẽ có cán bộ BHXH phối hợp giải quyết.

Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ban quản lý KKTNS & CKCN, các ban, sở, ngành và chính quyền địa phương với đoàn viên, CNLĐChủ tịch công đoàn Công ty TNHH Aleron Việt Nam Vũ Thị Mai Loan.

Nâng mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Aleron Việt Nam Vũ Thị Mai Loan đặt câu hỏi: Trong các năm qua, tốc độ tăng GRDP của tỉnh cao, nhiều chỉ tiêu tăng cao so cùng kỳ các năm về trước. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng của Thanh Hóa cao nhất là vùng 3, số còn lại là vùng 4. Trong khi các tỉnh lân cận như Ninh Bình, vùng cao nhất là vùng 2. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay chỉ áp dụng trả mức lương vừa bằng với mức lương tối thiểu vùng nên người lao động rất khó khăn. Đề nghị các cơ quan, ban, ngành chức năng có liên quan có ý kiến đề xuất với Chính phủ nâng mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ vùng 3 lên vùng 2; từ vùng 4 lên vùng 3 (chỉ trừ một số huyện miền núi thì vẫn giữ nguyên vùng 4) là phù hợp, tương xứng với vị thế, tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Giải đáp câu hỏi này, lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó quy định tỉnh Thanh Hóa có 2 vùng áp dụng mức lương tối thiểu, bao gồm: Vùng III áp dụng đối với TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Thị xã Nghi Sơn, huyện Đông Sơn và huyện Quảng Xương; Vùng IV áp dụng với các huyện còn lại của tỉnh.

Sở LĐTB&XH đã phối hợp với 27 huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý KKTNS & CKCN, Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa, Liên minh Hợp tác xã, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa rà soát, đánh giá, trao đổi việc điều chỉnh phân vùng hiện hành. Kết quả rà soát cho thấy, các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng, cơ bản trả lương cho người lao động với mức lương cao hơn mức lương tối thiểu. Tuy nhiên mức lương tối thiểu vùng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn thấp so với một số địa phương tương đồng tại các tỉnh lân cận, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt trong việc đóng - hưởng bảo hiểm xã hội.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và sự tương đồng về phân vùng so với các tỉnh lân cận, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khả năng tài chính của doanh nghiệp; Sở LĐTB&XH đã có Công văn số 1002/SLĐTBXH-LĐVL đề xuất UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ LĐTB&XH tổng hợp, đề nghị Chính phủ điều chỉnh phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu.

Ngày 23-3-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 3762/UBND-VX về việc đề xuất điều chỉnh phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ LĐTB&XH, đề xuất điều chỉnh phân vùng áp dụng lương tối thiểu.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết