• :
  • :

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước

Đồng chí Trịnh Huy Triều, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Nhiều khó khăn trong quy hoạch sử dụng đất (SDĐ), chuyển đổi mục đích SDĐ lúa và đấu giá quyền SDĐ

Phát biểu tại điểm cầu TP Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Huy Triều, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa nêu lên những khó khăn trong quy hoạch SDĐ, việc chuyển đổi mục đích SDĐ lúa và đấu giá quyền SDĐ trên địa bàn.

Đến nay quy hoạch, kế hoạch SDĐ vẫn chưa được phê duyệt, điều này ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có TP Thanh Hóa. Theo kế hoạch SDĐ năm 2022, TP Thanh Hóa có diện tích chuyển đổi đất lúa là 3.033 ha. Tuy nhiên theo phân bổ mới diện tích chuyển đổi đất lúa của thành phố giảm xuống còn 698 ha. Với diện tích này, thành phố ưu tiên cho các dự án đầu tư công, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích SDĐ lúa, các dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Như vậy, thành phố chỉ còn 25 ha để đầu tư các dự án mặt bằng đấu giá quyền SDĐ. Ngoài ra, thủ tục chuyển mục đích SDĐ lúa rườm rà, gây khó khăn cho các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích SDĐ lúa. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa, nhất là mục tiêu thu 7.000 tỷ đồng tiền SDĐ trong 5 năm. Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh kế hoạch SDĐ lúa trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Song song với đó, việc đấu giá quyền SDĐ hiện nay trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng rất khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố chưa đấu giá quyền SDĐ đất được mặt bằng nào. Nguyên nhân cơ bản là do thị trường bất động sản trầm lắng, giá đất giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn nguồn thu từ đấu giá quyền SDĐ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn rất khó đạt mục tiêu đã đề ra. Nguồn thu từ đấu giá quyền SDĐ đã khó, nhưng việc xác định giá đất tại các mặt bằng đủ điều kiện được các sở, ngành triển khai tương đối chậm. Trên địa bàn TP Thanh Hóa có mặt bằng đã bàn giao đất cho nhà đầu tư gần 1 năm qua nhưng đến nay các sở, ngành vẫn chưa xác định được giá đất. Bên cạnh các giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch SDĐ đất, đấu giá quyền SDĐ, TP Thanh Hóa đề nghị các sở, ngành nghiên cứu sớm có những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong việc xác định giá đất cho các mặt bằng đấu giá quyền SDĐ. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xem xét điều chỉnh một số quy hoạch phân khu trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước

Đồng chí Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Các huyện khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục quyết định đầu tư các dự án và giải ngân vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tổng vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 và năm 2023 là 945,033 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 486,183 tỷ đồng; năm 2023 là 458,850 tỷ đồng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng thực hiện kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình tại 6 huyện gồm: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Qua kiểm tra cho thấy, tổng kinh phí đã giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại các địa phương là 303,301 tỷ đồng, đạt 32,09%. Số kinh phí đã giải ngân chủ yếu tập trung cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án; hoàn thành hồ sơ, thủ tục giải ngân đối với khối lượng đã hoàn thành, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo các mốc thời gian quy định tại Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 9-2-2023 và Công văn số 1728/UBND-THKH, ngày 15-2-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, các huyện có dự án đi vào đất rừng tích cực đấu mối với các sở, ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; nghiên cứu phương án nếu không được các cơ quan chức năng đồng ý chuyển đổi.

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước

Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh phát biểu thảo luận tại điểm cầu huyện Lang Chánh.

Huyện Lang Chánh cam kết đến ngày 30-11 đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn

Phát biểu tại điểm cầu huyện Lang Chánh, đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Trên địa bàn huyện đang tổ chức triển khai 62 công trình dự án thuộc kế hoạch đầu tư công của tỉnh và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, với tổng số vốn được giao hơn 180,843 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của huyện đến ngày 30-5 đạt tỷ lệ 13,1% kế hoạch, tương đương 23,695 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là kế hoạch giải ngân vốn. Cụ thể là giá cả nguyên liệu, vật liệu biến động tăng, dẫn đến các nhà thầu thiếu vật liệu để thi công; thiếu mỏ cung cấp vật liệu, đặc biệt là đất đắp; các dự án có quyết định đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2023, quy hoạch vùng, quy hoạch chung chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với khó khăn, vướng mắc là nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư chưa chủ động linh hoạt đấu mối, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, cũng như chưa kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong khi đó, các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát hạn chế về năng lực thực hiện công việc; hồ sơ, thủ tục đầu tư phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần khi trình thẩm định, do đó kéo dài thời gian thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, trong thời gian tới, huyện Lang Chánh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến chủ đầu tư, nhà thầu. Đồng thời, thành lập các tổ công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác phối hợp giữa huyện với các sở, ngành cấp tỉnh và giữa các phòng, ban của huyện; tập trung hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để phê duyệt dự án, giao vốn và giải ngân vốn. Song song với đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, huyện cũng yêu cầu các nhà thầu thực hiện thi công các dự án theo đúng tiến độ đã ký kết. Đáng lưu ý, huyện Lang Chánh cam kết với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, đến ngày 30-11 đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn.

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước

Đồng chí Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân phát biểu thảo luận từ điểm cầu huyện Thọ Xuân.

Quyết tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng

Theo đồng chí Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, huyện Thọ Xuân được tỉnh giao 11 dự án với 111 tỷ đồng; hiện nay đã giải ngân được 70 tỷ đồng, đạt 59%; số vốn còn lại chưa giải ngân là 41%. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến vấn đề thể chế, thủ tục. Khó khăn về giá vật liệu, nguồn vật liệu san lấp nền; việc xác định nguồn gốc đất...

Từ những khó khăn, vướng mắc của huyện đã được UBND tỉnh có thông báo giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Huyện Thọ Xuân cam kết giải ngân 100% số vốn được giao theo tiến độ giải ngân của tỉnh. Về thu ngân sách, trên địa bàn huyện việc thu tiền đấu giá sử dụng đất hiện nay mới được 37 tỷ đồng, đạt 13%. Nguyên nhân của việc thu đấu giá tiền sử dụng đất thấp là do chỉ tiêu về đất lúa của huyện so với nhu cầu cao nên các mặt bằng được triển khai và chưa triển khai gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, đa số các mặt bằng đấu giá tăng gấp 2 đến 3 lần nhưng không có người mua. Cùng với đó, huyện Thọ Xuân có 15 mặt bằng hưởng theo cơ chế đặc thù được Ban Thường vụ thông qua theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa thu được từ các nguồn kinh phí này.

Từ những khó khăn trên, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn cho các địa phương trong việc điều chỉnh giảm giá tăng của đấu giá tiền sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần xem xét nguồn thu được hưởng theo cơ chế đặc thù theo quy định.

Về thu ngân sách nội địa, huyện Thọ Xuân hiện đạt được 30%. Tuy nhiên, năm nay, thu khó khăn hơn so với cùng kỳ do Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số chính sách gia hạn thuế; tiền thuê đất; giảm mức thuế bảo vệ môi trường; các doanh nghiệp may mặc, giày da các đơn hàng kém; giao dịch bất động sản trầm lắng… đã làm giảm thuế trước bạ và thuế thu nhập cá nhân. Song từ những khó khăn trên, huyện Thọ Xuân sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm phấn đấu 100% thu ngân sách theo kế hoạch được giao.

Về giải phóng mặt bằng, đến thời điểm hiện nay huyện Thọ Xuân đã giải phóng mặt bằng được 86%. Hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy mở 1 đợt cao điểm 60 ngày đêm trong công tác giải phóng mặt bằng 60 ha. Để đạt được kế hoạch đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó thành lập Ban chỉ đạo giải phóng cấp huyện do đồng chí Bí thư Huyên ủy làm trưởng Ban chỉ đạo; ở các các xã, thị trấn các đồng chí bí thư làm trưởng ban. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập các tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành là thành viên tổ công tác đến tận các xã, thị trấn để trực tiếp chỉ đạo. Cùng với đó, huyện cũng đã thành lập tổ tuyên truyền do trưởng các đoàn thể làm tổ trưởng để cùng với các xã, thị trấn tuyên truyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Huyện Thọ Xuân quyết tâm đến ngày 30-6-2023 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch giải phóng mặt bằng đã được tỉnh giao.

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước

Đồng chí Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn phát biểu thảo luận.

Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng

Phát biểu thảo luận từ điểm cầu huyện Triệu Sơn, đồng chí Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn, thông tin: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn huyện được tỉnh giao là 217 tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2023 là 148 tỷ đồng; kế hoạch năm 2022 chuyển sang là 69 tỷ đồng. Đối với các dự án do huyện làm chủ đầu tư được bố trí vốn là 179 tỷ đồng; trong đó kế hoạch năm 2023 là 10 tỷ đồng; kế hoạch năm 2022 chuyển sang là 69 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn đã được bố trí cho 8 dự án, hiện nay có 1 dự án đã hoàn thành, 4 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023… Tính đến ngày 30-5-2023, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Triệu Sơn đạt 27,4%. Nguyên nhân việc giải ngân chưa đạt so với kế hoạch của tỉnh là khó khăn trong việc bố trí khu tái định cư để thực hiện giải phóng mặt bằng; khó khăn liên quan đến kiểm kê, áp giá trong công tác giải phóng mặt bằng; một số nguồn vốn chậm được giải ngân…

Thời gian tới, huyện Triệu Sơn sẽ triển khai kế hoạch đối với các dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia đó là: Huyện cam kết đến ngày 15-7-2023 sẽ giải ngân được 100% vốn đối với các dự án bố trí dự án chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023; đối với các dự án được bố trí vốn khởi công mới thì đến 30-8-2023 huyện sẽ giải ngân được 70 đến 80% và 100% đến ngày 30-11-2023; còn đối với các dự án đầu từ công khác thì đến ngày 30-6-2023 huyện sẽ phấn đấu giải ngân được khoảng 25%; đến 30-8-2023 giải ngân được khoảng 70% và sẽ giải ngân 100% vốn trước ngày 30-11-2023.

Để đạt được kế hoạch đề ra, huyện Triệu Sơn sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm được tỉnh giao; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Cùng với đó, ra quân thực hiện đợt cao điểm trong công tác giải phóng mặt bằng từ tháng 6 đến tháng 8-2023 để đảm bảo giải ngân tối đa vốn trong công tác giải phóng mặt bằng. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí khu tái định cư để thực hiện giải phóng mặt bằng. Đồng thời rút ngắn hồ sơ, thủ tục liên quan đến các hồ sơ dự án, nhằm rút ngắn tối đa thời gian có liên quan.

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước

Đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp đã được giải quyết đầy đủ chính sách

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bày tỏ quan điểm phải kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp đã được giải quyết đầy đủ chính sách. Đồng thời cho biết, 5 tháng đầu năm 2023 với sự quan tâm lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực trong việc đôn đốc, hướng dẫn của các sở, ngành; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cấp huyện; tỷ lệ diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng của toàn tỉnh đạt 37,02% so với Kế hoạch, cao hơn tỷ lệ cùng kỳ năm 2022 là 1,42 lần. Tuy nhiên, có 11 đơn vị đạt tỷ lệ giải phóng mặt bằng dưới 30%, đặc biệt có 2 đơn vị có tỷ lệ giải phóng mặt bằng rất thấp (dưới 5%) là huyện Mường Lát và thị xã Bỉm Sơn.

Nguyên nhân công tác giải phóng mặt bằng chậm đó là: Quy trình thực hiện thu hồi đất cho một dự án phải trải qua nhiều bước (phải được chấp thuận danh mục dự án do Nhà nước thu hồi đất, chấp thuận chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ; chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng...) và nhiều thời gian. Việc xác định nguồn gốc đất khó khăn, phức tạp do lịch sử công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở cấp huyện, cấp xã chưa chặt chẽ, nhiều nơi buông lỏng. Chênh lệch lớn về giá đất giữa dự án Nhà nước thu hồi đất và dự án nhà đầu tư tự thỏa thuận trên cùng một địa bàn dẫn đến người dân thắc mắc, không đồng thuận trong quá trình giải phóng mặt bằng. Một số đơn vị chưa quyết liệt, chưa tích cực để giải quyết vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng…

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nguồn lực, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các cấp, các ngành, Nhân dân đồng thuận, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để thực hiện dự án. Kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp đã được giải quyết đầy đủ chính sách khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không chấp hành quyết định thu hồi đất; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước để chây ỳ, trục lợi.

UBND cấp huyện tập trung rà soát để chủ động xử lý theo thẩm quyền đối với các vướng mắc cụ thể; báo cáo, đề xuất (phải kèm theo đầy đủ hồ sơ) gửi các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng để tham mưu báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền, cụ thể: khó khăn, vướng mắc trong bồi thường đối với nhà ở, công trình kiến trúc gửi Sở Xây dựng; khó khăn, vướng mắc trong bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi gửi Sở Tài chính; khó khăn, vướng mắc trong bồi thường đối với đất và khó khăn, vướng mắc liên quan đến 2 sở, ngành trở lên gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chủ trì tham mưu, giải quyết; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 theo kết quả thẩm định, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND tỉnh phê duyệt…

Nhiều ý kiến tâm huyết trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước

Đồng chí Phan Lê Quang, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu thảo luận.

Thực hiện phương án đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án, công trình trên địa bàn tỉnh

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Phan Lê Quang, Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định: Căn cứ quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan lập, thẩm định và trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, phê duyệt các quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng san lấp và cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kết quả đã quy hoạch là: đất san lấp có 156 mỏ với tổng diện tích khoảng 1.659 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 183 triệu m3; cát làm vật liệu xây dựng có 124 mỏ, điểm mỏ, với tổng diện tích 571ha…

Tổng hợp nhu cầu sử dụng vật liệu cho dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đến ngày 24-4-2023, cho thấy kết quả quy hoạch đã đáp ứng đủ nhu cầu vật kiệu xây dựng cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Về giá vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư công, Sở Xây dựng đã công bố giá tháng 1, tháng 2, tháng 3 và quý I-2023; tại Công bố giá quý I-2023, Sở Xây dựng đã công bố giá tại mỏ đối với đất đắp cho 7 điểm mỏ khai thác, đá xây dựng cho 50 điểm mỏ khai thác. Hiện Sở Xây dựng đang hoàn thiện để công bố giá vật liệu xây dựng tháng 4 và tháng 5-2023 (công bố giá vật liệu xây dựng đá, đất, cát tại các mỏ được cấp phép trên địa bàn tỉnh).

Để thực hiện có hiệu quả việc cung ứng vật liệu san lấp thông thường, giá vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư công, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm đã được ban hành tại Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17-4-2023 về thực hiện phương án đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá làm căn cứ để công bố giá vật liệu xây dựng tại mỏ và các chủ đầu tư tham khảo để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cung cấp thông tin về giá bán tại các địa phương nơi có mỏ hoạt động khai thác, để Sở Tài chính cập nhật dữ liệu và vận hành Trang thông tin điện tử về quản lý giá vật liệu xây dựng thông thường, làm cơ sở để các chủ đầu tư tham khảo lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cung cấp thông tin các mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn (bao gồm các thông tin về trữ lượng, công suất khai thác) để các chủ đầu tư có cơ sở kiểm tra, rà soát, lựa chọn các mỏ có trữ lượng, chất lượng và đơn giá phù hợp nhất. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ chủ đầu tư được cấp phép khai thác khoáng sản (đất, cát) trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ cho thuê đất để đưa mỏ vào khai thác, đáp ứng nguồn cung vật liệu trên địa bàn…


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết