• :
  • :

Những hiện vật ghi dấu Cách mạng Tháng Tám

Những hiện vật ghi dấu Cách mạng Tháng Tám

Một góc phòng trưng bày hiện vật, tư liệu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Trong kho tàng hình ảnh, hiện vật về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, phần hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 trên đất Thanh Hóa khá phong phú, đa dạng, đặc sắc và tiêu biểu, được sưu tầm ở mọi miền đất nước. Không gian trưng bày của phòng “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa” có hàng nghìn hình ảnh và hiện vật (vũ khí, quần áo, cờ...). Trong đó, nổi bật là chiếc trống lệnh dùng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa năm 1945; hay chiếc vỏ ốc được Nhân dân xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa dùng làm hiệu lệnh chống Nhật khủng bố đàn áp phong trào cách mạng tại địa phương tháng 8-1945. Tại phòng trưng bày còn có hình ảnh đình làng Ngô Xá Hạ (huyện Thiệu Hóa), nơi Ủy ban Cách mạng lâm thời chuẩn bị tiến về thị xã ra mắt đồng bào; là ngôi nhà mẹ Tơm (huyện Hậu Lộc), cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, đồng thời là cơ sở in báo “Đuổi giặc nước”; là bộ sưu tập vũ khí giành chính quyền năm 1945; hay hình ảnh phá kho thóc của Nhật cứu đói cho Nhân dân ở Hoằng Hóa...

Trong số hàng nghìn hình ảnh, tài liệu hiện vật ghi lại không khí hào hùng của cuộc Cách mạng Tháng Tám đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa thì bộ sưu tập truyền đơn thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và bộ sưu tập các tờ báo cách mạng là một phần hiện vật quý, phản ánh báo chí cách mạng giai đoạn này góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước; tập hợp và củng cố các lực lượng cách mạng đứng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Qua các tờ báo được lưu giữ cẩn thận tại bảo tàng như: Tiến lên, Hồn lao động, Tia sáng, Tự do, Dân cày, Việt Nam Độc Lập, Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc, báo “Đuổi giặc nước” cơ quan tuyên truyền, cổ động của Việt Minh tỉnh Thanh Hóa... đã cho thấy, ngoài các tờ báo của Trung ương Đảng, các tổ chức đoàn thể ở hầu hết các địa phương thời kỳ đó đều bí mật xuất bản báo. Các tờ báo này đã trở thành một mặt trận đấu tranh sắc bén, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cán bộ, đảng viên và các hội viên cứu quốc trong cao trào đấu tranh cách mạng.

Tiếp đó là bức tranh sơn dầu mô tả cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thiệu Hóa ngày 19-8-1945. Tại đây ngay trong đêm 18-8, quần chúng cách mạng và tự vệ đã bao vây đội lính bảo an gồm 40 tên tại trường tiểu học và bao vây phủ lỵ Thiệu Hóa. Ở cả hai địa điểm trên, quân địch đều điên cuồng chống cự buộc lực lượng cách mạng phải nổ súng tấn công. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, đến sáng ngày 19-8-1945 quân cách mạng đã làm chủ hoàn toàn phủ lỵ, chính quyền cách mạng được giành về tay Nhân dân.

Bản tuyên ngôn của Ủy ban lâm thời Chính phủ Nhân dân cách mạng tỉnh do đồng chí Lê Tất Đắc, Chủ tịch lâm thời đọc trong buổi ra mắt đồng bào tại thị xã Thanh Hóa ngày 23-8-1945 được lưu giữ tại vị trí trang trọng của phòng trưng bày. Hình ảnh này đã tái hiện sự ra đời của Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh, cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa đã thành công rực rỡ, đập tan ách cai trị của bè lũ thực dân, phong kiến trong gần một thế kỷ. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa góp phần cùng cả nước viết nên một trong những trang sử vẻ vang, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Tại Bảo tàng tỉnh, những hình ảnh, hiện vật được lưu giữ và trưng bày đã tái hiện lại toàn bộ quá trình từ bối cảnh, chủ trương của Đảng, quá trình chuẩn bị thành lập Đảng bộ tỉnh đến thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đó là vật chứng của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước đem trí tuệ, sức lực, xương máu góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang. Mỗi hình ảnh, mỗi hiện vật chứa đựng những câu chuyện xúc động, đầy tính nhân văn và cách mạng.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết