Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam xây dựng tại Lạch Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa).
Trong âm vang hào hùng của một thời lửa đạn, đứng trước Đài chiến thắng, những trang sử vẻ vang của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói chung, quân dân Thanh Hóa nói riêng lại được tái hiện rõ nét.
Nơi đây, 59 năm về trước những con tàu nhỏ bé nhưng dũng mãnh của hải quân Việt Nam đã đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng biển nước ta. Đây là cuộc chiến đấu không cân sức, giữa một bên là vũ khí tối tân, hiện đại của kẻ thù với một bên chỉ có vũ khí thô sơ. Thế nhưng, bằng ý chí sắt đá, lòng căm thù và tinh thần quả cảm, những cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam và quân, dân Thanh Hóa đã không nao núng trước kẻ thù, dũng cảm chiến đấu, buộc chúng phải tháo chạy ra ngoài khơi.
Năm 1964, sau thất bại thảm hại trong “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ toan tính một mưu đồ mới: Mở cuộc “Chiến tranh phá hoại” ra miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Bắt đầu từ tháng 5-1964, Mỹ mở rộng “Chiến tranh phá hoại” ra miền Bắc. Sau đó, chúng liên tục cho tàu chiến xâm nhập vào hải phận Bắc Việt Nam để khiêu khích, nhằm tạo cớ mở rộng phạm vi chiến tranh. Đêm 31-7, rạng sáng 1-8-1964, tàu khu trục Ma-đốc đã tiến sâu vào vùng biển Quảng Bình, vi phạm trắng trợn lãnh hải Việt Nam. Đến 13 giờ 30 phút ngày 2-8-1964, tàu khu trục Ma-đốc vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường (Thanh Hóa), bị hải quân Việt Nam và quân, dân Thanh Hóa đánh trả quyết liệt. Để đánh đuổi tàu Ma-đốc, những chiếc tàu của ta tiếp cận các hướng khác nhau nhằm phân tán lực lượng, phân tán hỏa lực, tranh thủ tiến gần mục tiêu để phóng ngư lôi. Trước vũ khí hiện đại của giặc Mỹ, các tàu của ta cũng bị bắn thủng, một số anh em bị thương. Trong lúc nguy nan nhưng tất cả chiến sĩ vẫn kiên định, các vị trí trên tàu phối hợp nhịp nhàng vượt qua lưới đạn trên tàu và máy bay địch trên bầu trời để tiến vào phóng ngư lôi. Tàu khu trục Ma-đốc được trang bị tối tân nhất lúc bấy giờ đã bị trúng ngư lôi và phải tháo chạy khỏi vùng biển miền Bắc.
Ngay sau hành động ngang ngược ngày 2-8, Mỹ dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc bộ” để vu cáo hải quân Việt Nam cố tình tấn công tàu chiến của Mỹ để bắt đầu cuộc “Chiến tranh phá hoại”. 3 ngày sau đó, ngày 5-8-1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn ra lệnh cho không quân và hải quân đánh “trả đũa”, mở đầu cho cuộc “Chiến tranh phá hoại” ra miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất.
Sau sự kiện ngày 2-8-1964, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh và Tỉnh đội Thanh Hóa đã có chỉ thị đưa toàn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng hải quân đã kịp thời rút kinh nghiệm và chuẩn bị phương án chiến đấu. Bộ đội ra đa và công an vũ trang tích cực đào hầm và luyện tập. Hòa Lộc và Hoằng Trường là 2 xã cửa lạch được tổ chức thành 2 lực lượng. Một lực lượng chiến đấu tại chỗ, trang bị súng trường K44 và một lực lượng làm nhiệm vụ cứu thương, tải thương khi địch đến bắn phá. Lực lượng tự vệ đánh cá Lạch Trường và đại đội công an vũ trang phối hợp với bộ đội hải quân hiệp đồng tác chiến đánh trả máy bay Mỹ. Đến ngày 5-8-1964, quân và dân khu vực Lạch Trường đã chuẩn bị xong trận địa với khí thế thi đua sôi nổi, mỗi lực lượng, mỗi đơn vị, mỗi ngành đều ở tư thế sẵn sàng “địch đến là đánh”.
Suốt từ trưa đến chiều ngày 5-8-1964, Mỹ sử dụng lực lượng 2 biên đội tàu sân bay Côn-xten-lây-sân và Tai-côn-đơ-rô-gơ thuộc Hạm đội 7 đậu ở ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng ồ ạt đánh phá dữ dội một số điểm ven biển, từ sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường, Hòn Nẹ (Thanh Hóa) đến thị xã Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh). Âm mưu, thủ đoạn của địch là dùng lực lượng lớn không quân bất ngờ đánh ồ ạt, uy hiếp tinh thần của quân và dân ta ngay từ đầu cuộc chiến. 14 giờ 15 phút ngày 5-8-1964, nhiều tốp máy bay địch từ biển Đông lao vào bắn phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường. Sau hồi kẻng báo động, các đơn vị đã có mặt tại vị trí chiến đấu. Ba tàu hải quân dùng súng máy, trạm ra-đa và đồn biên phòng 74 dùng súng 14,5 mm, tự vệ Xí nghiệp Thủy sản Lạch Trường dùng súng bộ binh trên thuyền và dân quân các xã phối hợp chặt chẽ, đánh trả máy bay địch.
Diện mạo xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) hôm nay. Ảnh: Thu vui
Trong cuộc quyết chiến với kẻ thù xâm lược, ngoài lực lượng nòng cốt là hải quân đã xuất hiện những hình ảnh đẹp của thế trận chiến tranh Nhân dân. Cụ Tường ở xóm 13, xã Hoằng Trường dù đã 63 tuổi, mắt kém vẫn điềm tĩnh phụ trách khẩu trung liên cùng con cháu chiến đấu. Nữ dân quân, đoàn viên Tô Thị Đạo hay cô gái Nguyễn Thị Vy (17 tuổi) và Lê Thị Thảo (20 tuổi) chưa từng làm quen với sóng cả nhưng vẫn dùng thuyền vượt sóng ra khơi tiếp đạn cho tàu hải quân và làm nhiệm vụ cứu thương dưới làn mưa đạn của địch. Bà Trương Thị Lợi, tổ trưởng cứu thương xã Hoằng Trường thức suốt đêm theo xe đưa thương binh lên tuyến trên điều trị. Bà Lê Thị Thoa, dân quân xã Hoằng Trường tắm rửa, khâm liệm liệt sĩ để đưa đi chôn cất. Bà Hoàng Thị Khuyên, một nữ dân quân của xã Hòa Lộc, trong tình thế nguy cấp đã cởi phăng chiếc áo đang mặc trên mình để buộc cho chiến sĩ hải quân bị thương vào bụng. Nhân dân các xã Hòa Lộc, Hoằng Trường... vượt qua bom đạn của giặc Mỹ để tiếp cơm, tiếp nước, tải thương, phục vụ chiến đấu. Sự chi viện, chăm sóc của Nhân dân Hoằng Trường làm tăng thêm sức chiến đấu của lực lượng hải quân, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang.
15 giờ 15 phút ngày 5-8-1964, trận chiến đấu anh dũng của quân và dân khu vực Hoằng Trường kết thúc, 2 máy bay Mỹ bị bắn rơi và 2 chiếc khác bị thương. Trong trận chiến này, quân dân toàn miền Bắc bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống 1 giặc lái. Cùng với chiến công ngày 2-8 đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc, chiến thắng ngày 5-8-1964 đã mở đầu trang sử oanh liệt, trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, được Chính phủ khẳng định “Là một trong những ngày lịch sử đáng ghi nhớ nhất của sự nghiệp xây dựng quân chủng hải quân và là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội ta”. Tại Thanh Hóa, đó là ngày kỷ niệm chiến thắng Lạch Trường.
Gần 60 năm đã qua đi, sự kiện đánh đuổi tàu Ma-đốc, tiêu diệt máy bay Mỹ trong trận đầu ra quân vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử. Đó là chiến thắng của trí thông minh và lòng dũng cảm, là thành quả của tinh thần “Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc dù vũ khí còn thiếu thốn và chênh lệch nhiều so với kẻ thù. Chiến thắng trận đầu có ý nghĩa quan trọng, góp phần đánh bại “Chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho quân và dân miền Nam làm nên những chiến công liên tiếp trên các chiến trường.
Nơi cửa biển Lạch Trường hôm nay, khúc ca chiến thắng trận đầu âm vang hòa trong gió biển và trong tâm thức của những người từng chứng kiến thời khắc lịch sử đã qua. Nằm trong Công viên Văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường, Đài chiến thắng trận đầu sừng sững, uy nghiêm không chỉ là biểu tượng, là niềm tự hào của lực lượng Hải quân Việt Nam mà còn là niềm tự hào của quê hương Thanh Hóa anh hùng.
(Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020): Những dấu ấn và những thành tựu nổi bật” - NXB Thanh Hóa - 2020).
Tố Phương