• :
  • :

Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học - nghệ thuật trước yêu cầu mới

Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học - nghệ thuật trước yêu cầu mới

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương khẳng định: Hội nghị lần này nhằm giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ nắm bắt tình hình, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và kỹ năng nghề nghiệp, góp phần thực hiện tốt công tác văn học - nghệ thuật (VHNT) từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021.

Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học - nghệ thuật trước yêu cầu mới

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc tập huấn.

Chưa tròn một năm kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức, song trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng, 5 vấn đề đặt ra được xác định là quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay mà VHNT có nhiệm vụ đặc biệt lưu tâm là: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế; Phòng, chống dịch COVID-19, gắn với phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước; Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; Quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đã xuất hiện những thách thức đòi hỏi VHNT không ngừng phát triển, thích ứng, đổi mới như: Toàn cầu hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong VHNT, xây dựng “quyền lực mềm” quốc gia thông qua VHNT, mối quan hệ truyền thông số và khoa học - công nghệ với VHNT... Giải pháp để VHNT đáp ứng vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hiện nay. Trước hết, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận VHNT Việt Nam.

Sau khai mạc, GS.TS Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trình bày chuyên đề “Vấn đề xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam hiện nay”.

Từ năm 1945, vấn đề này đã được đặt ra. Đến năm 2014 việc xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã có tại Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện nghị quyết này, nhiều vấn đề bức xức về con người và văn hóa đã bộc lộ. Ngày 4-6-2020, Bộ Chính trị đã ra kết luận đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết, trong đó chỉ rõ sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đây cũng chính là lý do khiến vấn đề xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam một lần nữa được đặt ra ở tầm những mối quan tâm của Đại hội XIII của Đảng.

Việc xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam về thực chất là nhằm tìm kiếm các định hướng sáng suốt để VHNT nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước và cho bản thân nghệ thuật. Bởi lẽ, VHNT còn lại với thời gian là tác phẩm và tác giả. Nếu một nền VHNT thiếu vắng những tác phẩm đáng giá, không có được những tác giả đáng để cho đời sau ngưỡng mộ, thì nền VHNT đó không thể nói là làm tròn sứ mệnh của mình. Bản thân đời sống xã hội sẽ rất tự nhiên giữ lại cho xã hội những tác phẩm hay, phản ánh được hiện thực cùng với những văn nghệ sĩ tài ba, yêu dân, yêu Tổ quốc, và yêu nghệ thuật. Đây cũng chính là lý do mà GS.TS Hồ Sĩ Quý đề xuất một phương án cho “hệ giá trị VHNT Việt Nam” giai đoạn hiện nay là: Nhân dân, Tổ quốc và tác phẩm.

Ngoài ra, trong chương trình tập huấn học viên còn được tiếp thu các chuyên đề: Tiếp thu, vận dụng các lý thuyết VHNT nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hooạt động của các hội VHNT; Hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo VHNT; Tình hình văn xuôi hiện nay; Từ Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 - những vấn đề đặt ra cho hôm nay và nhiều năm tới; Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng...

Hội nghị sẽ bế mạc vào ngày 5-5-2022.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết