Đoàn giám sát số 3 của Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tại huyện Hoằng Hóa.
Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chỉ ra tại các nghị quyết sau chất vấn, các Kết luận sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 46 văn bản để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; Sở Xây dựng ban hành 21 văn bản; Sở Nội vụ ban hành 19 văn bản... Các huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời quán triệt, triển khai các nội dung Nghị quyết của HĐND tỉnh, Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tới các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh.
Trong đó, tại Nghị quyết số 211/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 về kế hoạch hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII về giải quyết tình hình tàu, thuyền khai thác hải sản vào neo đậu tại các cảng cá, bến cá còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1020, ngày 19/1/2022 về giao triển khai Nghị quyết số 211 của HĐND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch về triển khai nghị quyết trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; các huyện, thị xã có cảng cá cũng đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện. Các đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của đảng, các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 16 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho khoảng 1.600 cán bộ, ngư dân tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển. Qua đó đã tạo chuyển biến trong nhận thức của ngư dân, các tổ chức, cá nhân về phòng, chống khai thác IUU gắn với phát triển bền vững nghề đánh bắt thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng ven biển. Cùng với đó, ngày 27/3/2023, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa; đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kiện toàn, sắp xếp bộ máy Ban quản lý cảng cá theo quy định. Các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền khai thác thủy sản đang từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cấp; đồng thời lập các dự án đầu tư xây dựng và thực hiện việc đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho tàu cá ra và vào cảng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu tránh trú trong mùa mưa bão.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 360/NQ-HĐND, ngày 11/12/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII đối với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp tục quán triệt đường lối, chủ trương của Trung ương; chủ trương, chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông, lâm nghiệp nói riêng đến các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện. Trong đó, các địa phương đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản xứ Thanh, quảng bá sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh được chú trọng. Năm 2023, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung toàn tỉnh ước đạt hơn 7.141 ha; toàn tỉnh có 436 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 23 sản phẩm đã tham gia xuất khẩu thị trường các nước; thực hiện cấp 56 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với diện tích 533,96 ha...
Ngay sau khi Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kết luận số 366a/KL-HĐND, ngày 7/7/2022 về việc cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021, UBND tỉnh đã ban hành công văn và giao trách nhiệm cho từng đơn vị triển khai thực hiện, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cải cách hành chính được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Hằng năm, các đơn vị căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, theo thẩm quyền chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết, công khai, đơn giản hóa kết hợp với chuyển đổi số, tạo chuyển biến rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng, áp dụng nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay về cải cách hành chính, qua đó tạo sức lan tỏa trong các cơ quan hành chính Nhà nước, được cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và người dân đồng tình, ủng hộ.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã khẩn trương, nghiêm túc, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện có hiệu quả các nội dung kết luận, kiến nghị với tinh thần, trách nhiệm cao. Từ đó đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét, tích cực trong công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Quốc Hương