• :
  • :

Nông dân Thanh Hóa thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

Nông dân Thanh Hóa thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vữngĐồng chí Nguyễn Hữu Đồng, Phó Chủ tịch HND tỉnh thăm HTX tiểu thủ công nghiệp An Phúc Vạn Thiện (Nông Cống).

Cách đây hơn 30 năm, HND Thanh Hóa đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ngay từ khi ra đời, phong trào nhanh chóng phát huy hiệu quả rõ nét và đã được Trung ương HND Việt Nam chỉ đạo triển khai thành phong trào thi đua của hội, qua đó đã nhận được sự đồng thuận của nông dân cả nước, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành một phong trào thi đua yêu nước thiết thực. Trong giai đoạn hiện nay, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp hội xác định có vị trí then chốt trong công tác xây dựng tổ chức và thu hút hội viên, góp phần nâng cao đời sống, làm giàu và giảm nghèo bền vững trong nông dân. Nhận thức rõ về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đang là nhu cầu bức thiết của nông dân, do vậy trách nhiệm của các cấp hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát động phong trào đến tuyên truyền và vận động nông dân, chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình.

Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đi vào chiều sâu, các cấp HND có sự đổi mới nội dung và hình thức vận động, tuyên truyền, giúp cho cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều đơn vị có những cách làm hay, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Các cấp HND TP Thanh Hóa đã phát huy thế mạnh của nông nghiệp đô thị, khắc phục diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa; tuyên truyền, vận động từng hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với từng gia đình, từng địa phương, theo cơ cấu phù hợp với nhu cầu thị trường để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập/đơn vị diện tích và thu nhập trong năm để phát triển bền vững như: sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, trồng dừa Xiêm, nuôi cua biển, nuôi chim yến... Các thành viên trong tổ hợp tác, HTX đã được tập huấn khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ giống, hỗ trợ từ các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Giai đoạn 2021-2023, TP Thanh Hóa có 9.703 hộ gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tại huyện Quan Hóa, HND huyện đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân, đồng thời làm tốt công tác tư vấn nghề cho người lao động nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, Huyện hội đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 355 lượt cán bộ hội, phối hợp mở 10 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 354 lượt hội viên, các ngành nghề chủ yếu về chăn nuôi, trồng trọt, gắn với kinh tế đồi rừng. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất thông qua các chương trình tín chấp và ủy thác với các ngân hàng. Hiện nay tổng dư nợ thông qua tổ chức hội quản lý gần 300 tỷ đồng, không có nợ xấu, nợ quá hạn đã cho thấy nông dân đang đầu tư hiệu quả, đúng hướng. Nhiều hộ gia đình đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật cùng với kiến thức bản địa nuôi trồng cây, con đặc sản cho giá trị kinh tế cao.

Trong quá trình thực hiện phong trào, nhiều điển hình đã xuất hiện, những nhân tố đó đã và đang có tác động khích lệ tới đông đảo hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển thành doanh nghiệp lớn trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, tiêu biểu như: anh Lê Văn Thẩn, xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa); chị Nguyễn Thị Dung, thị trấn Vân Du (Thạch Thành); anh Nguyễn Văn Tuyến, xã Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn); anh Nguyễn Hữu Lựu, xã Hà Long (Hà Trung); anh Đỗ Thế Anh, xã Đông Hoàng (Đông Sơn)...

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tính chủ động sáng tạo của nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018- 2023, các hộ nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh đã tạo việc làm tại chỗ cho gần 2 triệu lao động nông thôn, hỗ trợ 20.082 hộ nông dân thoát nghèo; góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM.

Ông Nguyễn Hữu Đồng, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: “Những thành quả đạt được từ phong trào đã khẳng định vị trí, vai trò, sự cố gắng vượt bậc của các cấp HND trong tỉnh, đưa giai cấp nông dân Thanh Hóa vươn lên một tầm cao mới, với những bước tiến xa hơn. Trong thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của hội cơ sở và chi hội. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phát huy cao độ tiềm năng, sức sáng tạo và ý chí, nghị lực vươn lên của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và XDNTM, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Bài và ảnh: Đăng Khoa


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết