Những nhân chứng một thời khói lửa trên bến phà Ghép. Ảnh: KIỀU HUYỀN
Đầu năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam thất bại thảm hại. Để cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chế độ tay sai ngụy quân, ngụy quyền, Mỹ đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, một mặt đưa quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam, mặt khác dùng máy bay, tàu chiến ném bom, bắn phá miền Bắc nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Đánh phá miền Bắc, mục tiêu của Mỹ là tập trung đánh vào các kho vũ khí đạn dược, nhiên liệu và hệ thống giao thông vận tải, dù chỉ là một tuyến đường mòn, một cây cầu nhỏ, một chiếc thuyền nan, một bóng người... Với vị trí là “túi bom”, “tọa độ lửa” của máy bay địch, là “yết hầu cửa ngõ” miền Bắc hậu phương vào khu Bốn và rất dễ rơi vào “điểm tắc lý tưởng” của mạch máu giao thông Nam - Bắc, Thanh Hóa nói chung và phà Ghép cùng hệ thống giao thông chiến lược xung quanh khu vực đều là những mục tiêu hủy diệt của không quân và pháo hạm hải quân ngoài khơi của đế quốc Mỹ.
Đúng 8 giờ sáng 4-4-1965, hàng chục tốp máy bay Mỹ đánh phá khu vực phà Ghép - cầu phao đầu tiên có trên miền Bắc Việt Nam. Phà Ghép - sông Yên phút chốc đã trở thành chiến trường mịt mù khói lửa. Đội dân quân Quảng Trung được trang bị hỏa lực bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh đã hiệp đồng cùng bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường. Từ bí thư đảng ủy, chủ tịch xã đến cán bộ, đảng viên, dân quân, đoàn viên, thanh niên các thôn trong xã xông pha trong lửa đạn để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ bến phà, bảo đảm giao thông thông suốt. Chỉ tính riêng ngày 4-4-1965, các lực lượng của ta đã bắn rơi 5 máy bay địch trên bầu trời phà Ghép. Chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân các xã Quảng Chính, Quảng Trung (Quảng Xương) cũng như quân dân các xã Hải Châu, Thanh Thủy (Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn).
Với khẩu hiệu “Địch phá, ta sửa, ta đi”, ngoài bến chính là phà Ghép, lực lượng thanh niên xung phong đã mở thêm 2 tuyến đường cầu phà mới song song với phà Ghép là bến phà Ngọc Trà và bến phà Hải Châu với quyết tâm không để cho giao thông bị ngưng trệ. Bến chính, bến phụ luôn hoạt động suốt ngày đêm bất chấp bom đạn bắn phá hay khi lòng sông bị phong tỏa bởi thủy lôi và bom từ trường của giặc Mỹ.
Trong khoảng thời gian từ năm 1966-1967, bình quân một ngày phà Ghép phải trung chuyển 600 xe vượt qua. Để làm được điều đó, Nhân dân phà Ghép hai bên bờ song Yên đã phải căng mình. Không thể không nhắc tới đêm 23-8-1967, máy bay Mỹ đánh phá, cắt đứt tuyến Quốc lộ 1A cách Nam phà Ghép 600m. Chỉ trong 30 phút, hơn 760 người dân xã Hải Châu đã đào đắp hơn 390m3 đất đá nối liền tuyến đường cho xe qua lại, thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí, quân nhu phục vụ tiền tuyến. Hay, trong sự kiện ngày 23-10-1967, khi một tàu Hải quân Việt Nam chiến đấu với giặc Mỹ bị mắc cạn tại lạch Ghép, Đảng ủy xã Hải Châu đã huy động hơn 600 người vừa ngụy trang tàu, vừa nạo vét hơn 500m3 bùn, cát. Sau 7 giờ liên tục, tàu hải quân đã thoát nạn, trở lại biển Đông hoạt động.
Qua 8 năm với 2 lần leo thang tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã dội xuống khu vực phà Ghép gần 38.000 quả bom đạn các loại, chưa kể đến hàng vạn quả đạn pháo tầm xa từ Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi bắn vào bất cứ lúc nào. Tính ra trong tọa độ đánh phá tập trung của giặc Mỹ, mỗi mét vuông nơi đây đã phải hứng chịu hơn 1 tấn bom; nhiều xóm làng bên Ghép hầu như bị hủy diệt, người già, trẻ em phải đi sơ tán, chỉ có thanh niên, đoàn viên, dân quân tự vệ là bám trụ để vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Song, với sự quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “xe chưa qua, nhà không tiếc" vì thế nhiều đoạn đường bị hủy diệt do bom đạn Mỹ chỉ sau vài giờ là được khôi phục thông suốt, nhiều tấn hàng hóa bị đánh chìm trên sông được trục vớt kịp thời ngay trong lửa đạn của kẻ thù... để phà Ghép vẫn đứng đó, hiên ngang, anh dũng và ghi dấu biết bao tập thể, cá nhân anh hùng. Đó là Đại đội dân quân C94, đơn vị nữ dân quân Thanh Thủy và các đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân xã Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Thạch, Quảng Nham, Quảng Khê (Quảng Xương)... và các tấm gương như anh hùng liệt sĩ Lê Ngọc Giản - người trực tiếp tải đạn, tiếp đạn thay pháo thủ cùng bộ đội phòng không bắn rơi máy bay và anh dũng hy sinh; đồng chí Xuân Viết, Chỉ huy Trung đội dân quân hiên ngang chiến đấu ngay trên phà Ghép, bảo vệ cho công nhân đưa phà qua sông; cô dân quân Lê Thị Lý một mình một thuyền vừa tải đạn, tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu bên bờ Bắc phà Ghép; thanh niên Vũ Hồng Út được làm lễ truy điệu sống trước khi lái ca nô qua bãi thủy lôi Mỹ để thông dòng cho phà qua, là thiếu niên dũng cảm Nguyễn Bá Ngọc (làng Ngọc Trà, xã Quảng Trung) đã băng mình dưới làn bom bi sát thương của giặc Mỹ để cứu sống 2 em nhỏ vào sáng 3-4-1965 và hy sinh khi mới 12 tuổi.
Nhớ về những ngày tháng chiến tranh ấy, ông Vũ Đình Năm (sinh năm 1949), sau khi từ chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng phục viên về địa phương, tháng 4-1971 ông là Bí thư đoàn xã Quảng Trung, rồi làm chính trị viên phó dân quân xã, ông cho biết: “Tôi chứng kiến toàn bộ cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ ở phà Ghép. Địch đã huy động một lực lượng hải quân và không quân cao nhất từ trước đến nay với các loại máy bay hiện đại nhất như F4, F111, B52G, B52H để đánh phá cả hai miền Nam - Bắc”.
Nhắc lại những ngày tháng ấy rành rọt, ông cho biết không chỉ trực tiếp bố trí cho người dân đào hầm quân sự, mà còn động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.
Chiến tranh qua đi đã 48 năm, những cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã từng chiến đấu bảo vệ phà Ghép nay người còn, người mất. Nhưng khi nhắc về những ngày tháng lịch sử ấy ông càng tự hào khi mình đã đi qua và lành lặn. Và ông càng thấy mình thật may mắn khi nhìn thấy sự đổi thay của quê hương.
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, sau khi được công nhận xã nông thôn mới (NTM) năm 2016, xã Quảng Trung (Quảng Xương) đã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021. Đến nay, xã đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, 5/5 thôn được công nhận thôn văn hóa.
“Có được kết quả đó vì Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Quảng Trung đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi ruộng đất, khuyến khích tăng quy mô sản xuất phát triển HTX, gia trại... nhiều loại hình sản xuất đã được đưa vào địa phương, nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, các ngành nghề khác như cơ khí nhỏ, buôn bán hải sản... phát triển ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 74 triệu đồng/năm”, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung Mai Ngọc Tứ cho biết.
Bến phà năm xưa giờ đây được thay thế là cây cầu Ghép hiện đại có bốn làn xe chạy trên tuyến đường hai chiều Bắc - Nam. Những địa danh nổi tiếng một thời oanh liệt, những tọa độ hủy diệt năm xưa giờ đây là những cánh đồng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, những khu dịch vụ thương mại lớn... và người dân sống vui vẻ và hiền hòa như chính dòng chảy của sông Yên.
KIỀU HUYỀN