• :
  • :

Phan Đăng Lưu: Người cộng sản kiên trung, tấm gương đạo đức sáng ngời!

Phan Đăng Lưu: Người cộng sản kiên trung, tấm gương đạo đức sáng ngời!

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 tại thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Từ “cái nôi” gia đình nhà nho, lên 6 tuổi cậu bé Phan Đăng Lưu đã được học chữ Hán và gần 10 năm sau bắt đầu học học tiếng Pháp ở nhà và ở Trường Tiểu học Pháp - Việt (thị xã Vinh).

Từ nền móng kiến thức được hình thành từ tấm bé, nên khi đi theo cách mạng, ông đã rất thành thạo tiếng Pháp, giỏi chữ Hán, thậm chí biết cả Bạch thoại và tiếng Êđê.

Nhà thơ Tố Hữu từng tiếp xúc với ông sau này kể lại: “Tôi biết anh là người cách mạng đi tù Buôn Ma Thuột về. Hơn nữa thấy anh học rộng, trầm tĩnh, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Hoa càng kính nể”.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Tân Việt hai lần cử sang Quảng Châu, Trung Quốc để bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Lần đầu, ông xuất phát giữa tháng 12-1928 và kết thúc vào giữa tháng 5-1929. Tròn 1 năm sau, giữa tháng 9-1929, ông được Tổng bộ tiếp tục cử sang Trung Quốc, nhưng vừa ra đến Hải Phòng thì bị mật thám Pháp bắt rồi đưa về giam ở Vinh, đến đầu năm 1930 bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột.

Suốt thời gian bị tù đày, Phan Đăng Lưu đã cùng các đồng chí học tập lý luận, trao đổi nhiều vấn đề về đấu tranh cách mạng, động viên tinh thần và khí tiết chiến đấu; sáng tác thơ ca, viết báo bí mật gửi ra ngoài lên án chế độ lao tù dã man của bè lũ thực dân…

Ra tù sau 7 năm bị giam cầm, ông nhanh chóng nắm bắt công việc ở Xứ ủy Trung Kỳ và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1939, ông được Trung ương điều động vào Nam Kỳ hoạt động và được phân công phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Nam Kỳ.

Tháng 10-1940, ông bí mật từ miền Nam ra Bắc để triệu tập và tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11-1940, sau khi dự Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương 7), ông trở lại miền Nam để truyền đạt chỉ thị của Trung ương về việc hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng khi vừa đặt chân đến Sài Gòn vào đêm 22-11-1940, ông bị thực dân Pháp bắt. Ngày 3-3-1941, tòa án thực dân Pháp kết án tử hình Phan Đăng Lưu; đến ngày 26-8-1941, ông bị xử bắn.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Phan Đăng Lưu không chỉ là nhà yêu nước, mà còn là cây bút lý luận, báo chí, văn học sắc sảo. Tháng 5-1928, Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng cử vào Huế. Lúc đó, các tổ chức yêu nước thành lập một số cơ quan báo chí, xuất bản để tuyên truyền tư tưởng yêu nước và cách mạng. Ông được tổ chức bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ và làm Ủy viên Tỉnh bộ Huế; tham gia Ban biên tập Quan Hải Tùng Thư do Đào Duy Anh đứng đầu. Tại đây, Phan Đăng Lưu đã dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt 2 đầu sách trong tập Xã hội luận (thuộc bộ sách của Đông Phương Văn Khố, Trung Quốc) và cuốn Lịch sử học thuyết kinh tế (quyển Hạ) theo Kinh tế học thuyết sử của Nhật Bản. Ông cũng dịch và biên soạn nhiều tài liệu cần thiết như A.B.C Chủ nghĩa Mác, Dân chủ mới; dịch các cuốn Xã hội luận, Lịch sử các học thuyết kinh tế...

Cùng với đó, sau khi ra khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột, mặc dù bị quản thúc ở Huế, ông vẫn khẩn trương chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng để tiếp tục đấu tranh. Tháng 3-1937, tại Ðông Pháp Lữ quán (số 7 đường Ðông Ba, thành phố Huế), Ðại hội Báo chí Trung Kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Phan Ðăng Lưu vừa là người lãnh đạo, vừa là nhà báo cách mạng đã hướng Đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa. Ông cùng các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Trịnh Xuân An, Hải Thanh… được Ðảng giao hoạt động công khai và bán công khai. Đến giữa năm 1939, Phan Đăng Lưu tập trung nhiều trí lực cho nghiên cứu văn học. Với bút danh Phi Bằng, ông sưu tầm, biên soạn cuốn “Thơ văn các nhà chí sĩ Việt Nam”, in trên Báo Tiếng Dân năm 1939. Cùng với đó, ông còn viết loạt bài “Văn thơ của các chí sĩ Việt Nam”, đăng trên Tạp chí Đông Phương. Ngoài ra, ông còn góp nhiều ý kiến đối với đồng chí Hải Triều trong cuộc tranh luận về “Văn học vị nghệ thuật” hay “Văn học vị nhân sinh”, tạo nên tiếng vang lớn trên mặt trận văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam trước năm 1945…

Phan Đăng Lưu: Người cộng sản kiên trung, tấm gương đạo đức sáng ngời!

Ngôi nhà của cụ Phan Đăng Lưu (Ảnh: Báo Nghệ An)

Tham gia cách mạng từ sớm, với tài năng và uy tín cao, Phan Đăng Lưu đã trở thành một trong những lãnh đạo cách mạng chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng được giao giữ nhiều vị trí quan trọng, như Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương…

Ông được đánh giá là nhà lãnh đạo tài năng, có những đóng góp quan trọng vào công tác tổ chức xây dựng Đảng và sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam; sáng suốt trong hoạch định đường lối và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; đồng thời là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng Việt Nam. Không những vậy, Phan Đăng Lưu còn được đánh giá cao nhờ bởi những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp, như sự kiên định lý tưởng cách mạng, sắt son niềm tin với Đảng, với Nhân dân; luôn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, với đường lối cách mạng của Đảng, của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; tinh thần say mê, miệt mài học tập, rèn luyện, không ngừng trau dồi tri thức nhằm phục vụ Đảng, cách mạng, dân tộc, Nhân dân; đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; hết lòng yêu thương đồng đội, đồng chí, đồng bào…

Suốt 39 năm tuổi đời và 16 năm hoạt động cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất Phan Đăng Lưu luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân. Ông đã trở thành một mẫu mực, một tấm gương sáng ngời về ý chí và tinh thần cách mạng. Khi nghiên cứu về ông, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương, khẳng định: Phan Đăng Lưu đã sống đẹp đẽ, chiến đấu, hy sinh kiên cường, dũng cảm, lẫm liệt. Ông đã và sẽ mãi mãi bất tử bởi lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; tư duy, phương pháp công tác vững vàng, tài tình; bản lĩnh và nghệ thuật lãnh đạo sắc sảo, mẫn tiệp. Ông là một trí thức cách mạng lớn, tiêu biểu; một nhà báo, nhà văn tài ba, chuyên nghiệp; một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ông đã để lại tấm gương sáng ngời về nhiều mặt: tri thức, tài năng, đạo đức, phong cách, nhiều bài học quý giá, dài lâu. Ông đã góp phần xứng đáng xây dựng nền móng ban đầu cho sự lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy tổ chức và đảng viên của mình, với Nhân dân, với cách mạng. Nổi bật nhất là trên trận địa tư tưởng, báo chí, xuất bản, văn hóa - văn nghệ ngay từ thuở dựng Đảng, cứu nước, cứu dân!

Bài viết có sử dụng tư liệu từ các nguồn:

- Hội thảo khoa học:“Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức vào ngày 25/4/2022, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902-5/5/2022);

- Tác phẩm“Phan Đăng Lưu – Nhà cách mạng tiền bối xuất sắc, “một trí thức cách mạng tiêu biểu”” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết