• :
  • :

Phát huy, liên kết các giá trị văn hóa kết hợp khai thác du lịch của 3 địa phương Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Phát huy, liên kết các giá trị văn hóa kết hợp khai thác du lịch của 3 địa phương Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tham luận.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Bắc Trung bộ nói chung và 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh nói riêng có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch, văn hóa Việt Nam. 3 tỉnh có đường bờ biển dài hơn 320 km, nhiều bãi biển đẹp. Các Vườn quốc gia Bến En, Pù Mát, Vũ Quang có lợi thế rất lớn phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh lợi thế tự nhiên, 3 tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản vật thể, phi vật thể. Hàng ngàn di tích dày đặc về mật độ, phong phú về loại hình, đa dạng về nội dung và quy mô; gắn với lịch sử, văn hóa của đất nước, văn hóa cư dân vùng biển, thể hiện truyền thống bất khuất, kiên cường qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc (tiêu biểu như Thành Nhà Hồ, cầu Hàm Rồng, thành cổ Vinh, ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, đền Cờn, đền Củi...).

Cách đây hàng ngàn năm, khu vực “sông Mã - sông Lam” sớm có mối liên hệ trong chiều sâu lịch sử của các nền văn hóa cổ, nhất là trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Trải qua thăng trầm thời gian, mối liên hệ đó ngày càng gắn bó và minh chứng hiện hữu qua các di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, trong đó nhiều di sản chung như: Ca trù, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nhắc đến “xứ Thanh, xứ Nghệ” là nhắc đến vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nổi danh là đất anh hùng, đất thi nhân, đất khoa bảng, quê hương của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất... cùng với những giá trị truyền thống của gần 50 dân tộc anh em chung sống trong vùng.

Nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, trong đó có 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, từ năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển du lịch vùng, trong đó xác định “tập trung khai thác thế mạnh du lịch, lịch sử, văn hóa đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh”.

Mới đây, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ “trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế, là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy”.

Biên bản 3 tỉnh ký kết hợp tác giai đoạn 2022-2025 cũng đã thống nhất: “Tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch của vùng; chia sẻ kinh nghiệm trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bảo tồn, tôn tạo di tích, trưng bày hiện vật qua các thời kỳ cách mạng”.

Trên cơ sở định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị 3 tỉnh cần chủ động phối hợp, thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và du lịch của địa phương gắn với liên kết vùng. Trong đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trên lĩnh vực văn hóa sau Hội nghị văn hóa toàn quốc; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống giá trị văn hóa. Truyền thống đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” của 3 tỉnh càng thể hiện rõ hơn qua những thời điểm khó khăn do dịch bệnh, thiên tai.

Tích cực trao đổi trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa... Phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ xếp hạng, vinh danh di sản, di tích, danh nhân. Tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật, góp phần quảng bá và nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh cùng với các tỉnh miền Trung trở thành khu vực phát triển du lịch năng động, tạo dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam.

3 tỉnh cần liên kết, hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa, du lịch. Cùng với đó, nghiên cứu một mô hình tăng trưởng ngành du lịch, dịch vụ phù hợp hơn với điều kiện thực tế của vùng nhằm cải thiện môi trường, văn hóa kinh doanh, đầu tư, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, giá trị văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học. Đề xuất Trung ương ban hành các chính sách, thể chế đủ mạnh để phát triển du lịch, văn hóa vùng.

Tiếp tục phát huy các giá trị di sản, các danh nhân văn hóa, các truyền thống lịch sử, nhất là các danh hiệu đã được UNESCO vinh danh. Tăng cường phối hợp hơn nữa trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh số hóa hoạt động du lịch. Duy trì và phát triển các tour, tuyến du lịch. Cùng nhau thúc đẩy hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào, Đông bắc Thái Lan.

Tăng cường phối hợp huy động nguồn lực khu vực tư nhân cho phát triển văn hóa, du lịch, trong đó cùng nhau nghiên cứu các sản phẩm, du lịch mới có thể phát huy lợi thế liên kết 3 tỉnh. Vừa qua, doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) đang nghiên cứu đầu tư mô hình du lịch văn hóa Truyện Kiều - Nguyễn Du tại thành phố Hà Tĩnh.

Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo của 3 tỉnh cần tăng cường liên kết với nhau và với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo trong các ngành văn hóa, du lịch.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết