• :
  • :

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đại diện Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh thăm hỏi gia đình giáo dân Nguyễn Đức Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc.

Thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, lời huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, nhiệm kỳ 2015-2022, Ủy ban Đoàn kết công giáo (ĐKCG) tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tăng cường mối quan hệ với Tòa Giám mục, các giáo phận, giáo xứ, giữa các linh mục, chức sắc, chức việc; thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào công giáo để kịp thời phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của Ủy ban ĐKCG tỉnh trong đời sống của người công giáo nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã vận động đồng bào công giáo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. 8 nội dung “5 tốt đời, 3 đẹp đạo” của phong trào đã được triển khai sâu rộng trên các địa bàn dân cư, hướng đồng bào công giáo tới những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng bộ mặt các xứ đạo ngày càng khởi sắc. Nhiều giáo dân đã tự nguyện di dời, hiến đất để nâng cấp, mở rộng đường giao thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp cho các xóm đạo. Bà con giáo dân trong tỉnh đã đóng góp trên 50 tỷ đồng, hiến trên 230 ha đất, gần 157 nghìn ngày công, sửa chữa và làm mới nhiều nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện chiếu sáng. Sự nỗ lực của đồng bào công giáo đã góp phần đưa số địa phương đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) toàn tỉnh lên 12 huyện, 346 xã và 902 thôn, bản.

Cùng với việc chung sức XDNTM, đồng bào công giáo cũng đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; năng động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Nhiều giáo dân còn chú trọng phát huy ngành, nghề truyền thống, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng giáo xứ, họ đạo giàu đẹp.

Bên cạnh việc làm tròn bổn phận của tín hữu, mỗi giáo dân còn thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Bởi vậy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được giáo dân tích cực hưởng ứng. Bà con giáo dân luôn thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng văn hóa, đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ủy ban ĐKCG tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, động viên các giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân hưởng ứng tích cực với nhiều mô hình hay như: “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, phong trào treo cờ Tổ quốc trong đồng bào có đạo... Nhiều xứ, họ đạo, khu dân cư thường xuyên quan tâm xây dựng phong trào xứ, họ đạo trở thành khu dân cư an toàn, làm chủ, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội. Nhiều tổ hòa giải, tổ tự quản đã phát huy tốt trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư.

Với tinh thần “Từ thiện, bác ái, sống đạo tình thương”, công tác từ thiện của đồng bào công giáo luôn là điểm sáng trong các phong trào thi đua, trở thành hoạt động rộng khắp ở các giáo xứ, họ đạo. Đồng bào công giáo tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, như: ủng hộ xây dựng quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; tham gia đóng góp quỹ đền ơn, đáp nghĩa, ủng hộ trẻ em khuyết tật, mồ côi... Đặc biệt, trong 3 năm qua, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cộng đoàn người công giáo đã cùng với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh chung tay ủng hộ tiền, trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch với số tiền hơn 236 tỷ đồng.

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm với Ban ĐKCG huyện Nga Sơn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm hộ đồng bào công giáo sinh sống trên sông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do phải lênh đênh sông nước. Thực hiện Thông báo kết luận số 129 ngày 18-4-2022 của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc “Thông báo kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh”, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương liên quan đã thực hiện công tác cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho bà con. Ủy ban ĐKCG tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động bà con lên bờ, xây nhà ở ổn định cuộc sống. Đến nay, đã hỗ trợ xây dựng 69 nhà đại đoàn kết cho bà con giáo dân, trị giá hơn 5,5 tỷ đồng.

Năm 2021, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Cùng với cử tri cả tỉnh, đồng bào công giáo đều hồ hởi, phấn khởi đi bầu cử để chọn ra những người thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình làm ĐBQH và HĐND các cấp. Đồng bào công giáo trên toàn tỉnh đã có 272 vị trúng cử vào đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Vào các ngày lễ, tết của dân tộc, các ngày trọng đại như: Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh, Ủy ban ĐKCG tỉnh cũng đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống dân vận, MTTQ tổ chức nhiều hoạt động như gặp mặt, thăm hỏi, động viên, chúc mừng chức sắc, bà con giáo dân. Bên cạnh đó, các cơ sở thờ tự của công giáo được tạo điều kiện tu sửa, xây dựng ngày càng khang trang hơn. Sinh hoạt tôn giáo luôn được các cấp chính quyền, mặt trận quan tâm giúp đỡ, nhằm củng cố thêm niềm tin của đồng bào công giáo với Đảng, Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban ĐKCG tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tuyên truyền, vận động cộng đoàn người công giáo phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ công dân; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo cho các vị linh mục, nữ tu, chánh trương, ủy viên Ủy ban ĐKCG tỉnh, ủy viên ban ĐKCG cấp huyện.

Nhằm củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của mình, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban ĐKCG tỉnh đã thành lập thêm 2 ban ĐKCG cấp huyện, đưa số ban ĐKCG cấp huyện lên 7 ban. Các ban ĐKCG đã thực sự là cầu nối giữa đạo và đời, thực hiện tốt vai trò vận động, tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những chuyển biến tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của ủy ban ĐKCG trong tất cả các mối quan hệ, đem lại nhiều kết quả thiết thực, động viên được mọi thành phần Dân Chúa hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban ĐKCG Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh và đoàn thể các cấp phát động. Thực hiện tốt đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam “đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người”, Ủy ban ĐKCG tỉnh ngày càng được khẳng định vị thế, xứng đáng là cầu nối, là hạt nhân trong khối đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh.

Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của ủy ban ĐKCG các cấp

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đồng bào công giáo là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân. Trong những năm qua, với tinh thần “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, thực hiện đúng đường lối, đồng bào công giáo trong tỉnh luôn kề vai sát cánh đồng hành cùng với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thi đua lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo.

Để đưa phong trào thi đua yêu nước của cộng đoàn giáo dân tỉnh nhà lên tầm cao mới, cả chiều rộng và chiều sâu, hòa nhịp với phong trào chung của tỉnh, trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban ĐKCG tỉnh cần tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết, động viên các chức sắc, chức việc, đồng bào công giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực trong đồng bào công giáo để khơi dậy lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc, làm cho phong trào thi đua thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện đường hướng giáo hội, gắn bó, đồng hành với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống và giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo, đấu tranh với các âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó, Ủy ban ĐKCG tỉnh cần tăng cường công tác phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương; phát huy tốt vai trò tổ chức thành viên; các vị ủy viên và ban ĐKCG, tổ ĐKCG ở cơ sở. Thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào công giáo, kịp thời phản ánh đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân; động viên đồng bào công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, tích cực tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường vận động, hỗ trợ đồng bào công giáo phát triển kinh tế; phát huy và nhân rộng các mô hình kinh tế do đồng bào công giáo làm chủ... Đồng thời, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn phát triển mới, góp phần cùng Nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh Thanh Hóa: Phát huy mạnh mẽ truyền thống quê hương anh hùng, hiệp hành, đồng tiến cùng dân tộc

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đồng bào công giáo cả nước những năm qua luôn thực hành tốt đường hướng mục vụ của Giáo hội và thực hiện tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Nổi bật là thực hành “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Theo tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2023-2024 với chủ đề: Hướng về một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ, tôi hy vọng tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người công giáo tỉnh Thanh Hóa sẽ hiệp hành sâu rộng với Giáo hội cũng như xã hội tại địa phương.

Đồng bào công giáo Thanh Hóa với truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa và đời sống đạo sốt sắng đã đáp lại nhiệt thành lời mời gọi của Giáo hội trong các hoạt động bác ái; thực hiện hiệu quả các phong trào của Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam, đóng góp vào Quỹ bác ái xây dựng nhà cho hộ nghèo, tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, ủng hộ khuyến học, khuyến tài... Để góp phần nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như phát triển của tỉnh nhà, Ủy ban ĐKCG tỉnh cần phát huy mạnh mẽ truyền thống quê hương anh hùng, hiệp hành, đồng tiến cùng dân tộc của người công giáo, với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, hiện đại. Vận dụng sáng tạo các hướng dẫn của Ủy ban ĐKCG Việt Nam trong xây dựng và triển khai hoạt động thi đua yêu nước; phối hợp chặt chẽ cùng MTTQ các cấp để phản ánh và kiến nghị giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của các giáo xứ, giáo họ, qua đó tăng cường sự tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên, khích lệ đồng bào công giáo đẩy mạnh thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, để các phong trào thi đua có sức sống lâu dài và hòa nhịp cùng bước đường phát triển của tỉnh, Ủy ban ĐKCG tỉnh cũng cần nắm bắt kịp thời những thay đổi tại cơ sở, vận dụng linh hoạt các cuộc vận động thi đua yêu nước của Nhà nước, MTTQ và Ủy ban ĐKCG Việt Nam để xây dựng các mô hình thi đua yêu nước phù hợp với đặc điểm thực tế tại khu dân cư, xứ đạo.

Trần Ngọc Quyết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nga Sơn: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Huyện Nga Sơn có 24 xã, thị trấn với hơn 150 nghìn dân, trong đó đồng bào công giáo có hơn 27.700 nhân danh, chiếm 17% dân số, sống đan xen ở 12 xã nhưng tập trung chủ yếu ở 4 xã: Nga Phú, Nga Thái, Nga Điền và Nga Liên, sinh hoạt ở 12 giáo xứ, 66 họ đạo; có 16 nhà thờ, 15 linh mục, 12 chánh trương, 66 trùm trưởng.

Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo huyện Nga Sơn đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần cùng với Nhân dân toàn huyện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Huyện ủy, UBND huyện đề ra. Qua các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào công giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nét nổi bật là các giáo xứ cũng như giáo dân đã chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, góp phần cùng Nhân dân trong huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Những kết quả trên đã chứng minh tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết đồng hành cùng dân tộc thực hiện sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” của đồng bào công giáo huyện nhà trong những năm qua.

Để không ngừng nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo, thời gian tới, Ban ĐKCG huyện cần tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con giáo dân, các chức sắc, chức việc tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”; các hoạt động từ thiện, bác ái; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con giáo dân, giáo xứ, giáo họ. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể Nhân dân. Xây dựng quy chế làm việc của Ban ĐKCG huyện, của thường trực Ban ĐKCG huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên phụ trách cơ sở.

Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng Ban ĐKCG huyện Vĩnh Lộc: Bà con giáo dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Huyện Vĩnh Lộc có 5 xứ đạo công giáo, 2 cộng đoàn Mến Thánh giá, 21 giáo họ với gần 1.700 hộ, hơn 7.000 nhân danh, chiếm 7,9% dân số, cư trú chủ yếu ở 35 khu dân cư của 11 xã, thị trấn; 8 xã có giáo họ, 4 họ giáo có nhà thờ.

Với truyền thống yêu quê hương, đất nước, cần cù trong lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng bào công giáo trong huyện đã và đang tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện “Sống tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu nước”. Tích cực hưởng ứng, thực hiện chủ trương của huyện về dồn, đổi ruộng đất, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thâm canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện toàn huyện có trên 400 hộ công giáo có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm trở lên, có nhiều gia đình công giáo làm kinh tế giỏi, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,38%. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng với sự giúp đỡ của các cha xứ, của các cấp chính quyền, đồng bào công giáo trong huyện đã đóng góp, ủng hộ hàng ngàn ngày công, nhiều gia đình công giáo đã sẵn sàng hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng đường giao thông nông thôn; đóng góp hàng trăm ngày công và hàng tỷ đồng xây dựng, chỉnh trang nhà ở, khuôn viên nơi sinh hoạt cộng đồng. Hiện 100% khu dân cư có đồng bào công giáo đều đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 khu dân cư có người công giáo được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu; hầu hết đường làng, ngõ xóm các khu dân cư đã được nhựa hóa, bê tông hóa, trên 95% số hộ có nhà kiên cố, 100% số hộ được dùng điện sáng. Tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động, đồng bào công giáo trong huyện đã ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ Khuyến học và các quỹ khác với số tiền trên 650 triệu đồng, ủng hộ đồng bào miền Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền trên 150 triệu đồng.

Các hoạt động của đồng bào công giáo trong huyện đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đoàn kết lương - giáo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Vĩnh Lộc trở thành huyện khá của tỉnh vào năm 2025.

Nguyễn Văn Thân, Tổ trưởng tổ ĐKCG phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn: Gắn kết chặt chẽ chính quyền, tổ ĐKCG và giáo dân

Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn có 4 giáo họ với 98% dân số là người công giáo. 12 năm qua, tổ đoàn kết công giáo của phường đã hoạt động hiệu quả, phát huy tốt trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư, đem lại bình yên cho cuộc sống người dân. Tổ có 3 thành viên gồm phó chánh trương giáo xứ Ba Làng là tổ trưởng, trùm trưởng giáo họ Sung Mãn là tổ phó và bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận 1 khu phố là thành viên.

Hưởng ứng lời kêu gọi của ủy ban MTTQ các cấp, với tinh thần “từ thiện, bác ái, sống đạo tình thương”, tổ ĐKCG đã tuyên truyền, vận động các giáo họ và bà con giáo dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, như ủng hộ xây dựng quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; tham gia đóng góp quỹ đền ơn, đáp nghĩa, ủng hộ trẻ em khuyết tật, mồ côi...

Đặc biệt, trong 3 năm qua, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các giáo họ và bà con giáo dân trong phường đã tích cực cùng cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân thị xã ủng hộ nhu yếu phẩm cho đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; thăm, tặng quà các khu cách ly, chung tay ủng hộ tiền, trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp ngày lễ trọng, tết cổ truyền dân tộc, hàng tháng, tổ ĐKCG cùng với các cha xứ tham gia vận động bà con giáo dân quyên góp, ủng hộ vào quỹ bác ái để hỗ trợ tiền, lương thực cho 80 hộ gia đình trong giáo xứ có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ từ 28 - 30 triệu đồng/tháng.

Với việc duy trì họp bàn công tác giáo hội, công tác xã hội đều đặn mỗi tháng 1 lần, tổ đoàn kết công giáo đã kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong khu dân cư, gia đình giáo dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, tổ ĐKCG và giáo dân.

Bài và ảnh: Phan Nga


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết