Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các trưởng ban công tác mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2020-2022. (Ảnh: Phan Nga).
Thanh Hóa là một tỉnh lớn, đất rộng, người đông, có vị trí chiến lược đặc biệt. Ngay lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (ngày 20/2/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành tỉnh kiểu mẫu”[1]. Thực hiện lời căn dặn đó của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ra sức thi đua và đạt được những kết quả to lớn trong các cuộc kháng chiến và xây dựng quê hương, đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã quy định các tiêu chí kiểu mẫu và trình tự thủ tục xét, công nhận các danh hiệu kiểu mẫu[2]; trong đó tiêu chí, trình tự thủ tục xét công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn kiểu mẫu là một nội dung quan trọng, cơ bản, là cơ sở, hạt nhân để xây dựng tỉnh kiểu mẫu.
Trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, thì Hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng. Bài viết đi sâu làm rõ vai trò quan trọng của Hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay, gồm:
Thứ nhất, vai trò nắm bắt chủ trương, ban hành nghị quyết với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Nội dung quan trọng của xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu là việc Hệ thống chính trị cấp cơ sở nắm bắt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự cụ thể hóa văn bản của cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện; từ đó vận dụng sáng tạo, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, cơ sở, nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động trong phát triển tổng thể, bền vững kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng ở cơ sở. Thông qua vai trò nắm bắt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hệ thống chính trị cấp cơ sở sẽ quán triệt kỹ nội dung cốt lõi của xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn để thực hiện.
Các Trưởng ban Công tác mặt trận tiêu biểu - các nhân tố tích cực trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay. (Ảnh: Phan Nga)
Trên cơ sở nắm bắt chủ trương, chính sách, Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn ban hành nghị quyết chuyên đề nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và giải pháp chủ yếu để xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, phường, thị trấn. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm của cả Hệ thống chính trị.
Trên cơ sở mục tiêu đó, nghị quyết phải yêu cầu quán triệt đầy đủ, sâu sắc tới toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân về xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; huy động sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực. Chính quyền xã, phường, thị trấn xây dựng đề án, kế hoạch có mục tiêu, lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể; làm tốt công tác huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đồng thời ban hành các cơ chế khuyến khích, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân đạt tiêu chí của xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực, chủ động đảm nhận các phần việc, phát động phong trào thi đua xây dựng các tiêu chí xã, phường, thị trấn kiểu mẫu tới cán bộ, đoàn viên và hội viên.
Thứ hai, vai trò tổ chức thực hiện chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
- Xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu đạt mục tiêu và hiệu quả cao, công việc hàng đầu của chính quyền cấp cơ sở là xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, các tiêu chí của từng giai đoạn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông qua vai trò của HĐND xã, phường, thị trấn được thể hiện trong việc banh hành nghị quyết về xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu nhằm thực hiện nghị quyết do cấp ủy ban hành; với những mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp thực hiện cụ thể rõ ràng. Quyết định dự toán thu, chi, phân bổ, điều chỉnh dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn xã.
Thông qua vai trò của UBND xã, phường thị trấn được thể hiện trong xây dựng, trình HĐND quyết định chủ trương xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu trên địa bàn; tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND về xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; thành lập Ban quản lý xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Ban quản lý xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu có vai trò tổ chức xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch tổng thể đầu tư hàng năm xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, lấy ý kiến nhân dân và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Tổ chức thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu là quá trình sau khi đã xác định những công việc cần phải làm tiến hành, phân công cho các tổ chức, cá nhân đảm nhận những nhiệm vụ/mục tiêu/tiêu chí cụ thể của xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Vai trò tổ chức thực hiện trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu của của hệ thống chính trị cấp cơ sở thể hiện thông qua việc thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành. Ở cấp xã có Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Trong xây dựng xã kiểu mẫu, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) chú trọng tinh thần phục vụ Nhân dân của công chức bộ phận “một cửa”. (Ảnh: Phan Nga).
- Huy động các nguồn lực trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò, trách nhiệm vận động huy động nguồn lực xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Thể hiện phương châm và nguyên tắc xã hội hóa dựa trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm. Điều này được biểu hiện ở 4 nội dung sau: Một là, Nhân dân làm chủ trong việc sáng tạo cách làm để thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Hai là, xã hội hóa trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu là Nhân dân chủ động tự giác bỏ tiền, của và công sức lao động để làm, có sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ yếu là cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện tốt các tiêu chí theo quy định. Ba là, xã hội hóa để tạo ra chất lượng cho chính người dân địa phương hưởng lợi. Bốn là, xã hội hóa phải gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Việc huy động của Hệ thống chính trị cấp cơ sở bao gồm: tiền mặt; hiện vật (như đất đai, hoa màu và các tài sản gắn liền với đất…); ngày công lao động và các hình thức xã hội hoá khác. Các địa phương có thể xây dựng các cơ chế huy động, cụ thể như cơ chế “vốn mồi” nhằm lôi cuốn, kích thích nguồn vốn huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tài chính từ nhân dân phải thực hiện từng bước, không nóng vội chạy theo thành tích để huy động cao trong thời gian ngắn, quá sức dân. Đồng thời, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực tài chính để tăng lòng tin của Nhân dân.
Nhân dân xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa) hiến đất mở rộng đường giao thông đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. (Ảnh: Phan Nga).
Thứ ba, vai trò tuyên truyền, vận động xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Vai trò tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu thể hiện trên các mặt: Một là, tuyên truyền, vận động giúp nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cấp cơ sở về xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, từ đó, có các hoạt động phối hợp, hỗ trợ triển khai thiết thực. Ý thức rõ vai trò của mình trong nhiệm vụ chính trị đó, Hệ thống chính trị cấp cơ sở, chỉ đạo các ngành, đơn vị triển khai tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động với mục tiêu cụ thể, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; tích cực hưởng ứng, cụ thể hoá, vận dụng các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ chung vào điều kiện cụ thể. Hai là, tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị cấp cơ sở góp phần thay đổi nhận thức của người dân, qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Ba là, thông qua tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, những mô hình hiệu quả, những cách làm hay trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu có điều kiện lan tỏa để các địa phương có thể áp dụng. Đồng thời, những bất cập trong triển khai cũng được cảnh báo để các đơn vị, địa phương khác rút kinh nghiệm.
Thứ tư, vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Theo các quy định hiện hành, vai trò kiểm tra, giám sát của Hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu bao gồm: 1) Xây dựng chương trình hoạt động công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; 2) Phân công cấp ủy viên và các bộ phận tham mưu giúp việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; 3) Chỉ đạo ủy ban kiểm của cấp ủy hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ; 4) Quan tâm và tạo điều kiện để Ban giám sát cộng đồng hoạt động có hiệu quả; 5) Chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Ủy ban kiểm tra với với các lực lượng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; 6) Nghe báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; giải quyết kịp thời các kiến nghị của tổ chức đảng cấp dưới. Có thể khẳng định, vai trò của Hệ thống chính trị cấp cơ sở thể hiện thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu là một nội dung quan trọng. Kiểm tra, giám sát là những chức năng, là phương thức, là khâu không tách rời vai trò của Hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Nhờ kiểm tra, giám sát mới phát hiện kịp thời và đúng đắn những bất cập, hạn chế, thậm chí là những vi phạm trong quá trình xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời khả thi nhằm thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu ngày càng hiệu quả và bền vững.
Thứ năm, vai trò đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan và cấp có thẩm quyền.
Thực tế cho thấy, mỗi địa phương sẽ có những điều kiện thế mạnh, thuận lợi, khó khăn, nhu cầu và năng lực khác nhau trong việc triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; tuy nhiên các tiêu chí, nguồn lực, phương pháp và cách thức triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu về cơ bản là thống nhất và ít có sự khác biệt. Điều này đặt ra một yêu cầu khách quan và tất yếu là chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu phải thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thực tiễn của mỗi địa phương. Song, ai sẽ là người đứng ra đề xuất, kiến nghị với các cơ quan và cấp có thẩm quyền những vấn đề bất cập cần phải bổ sung, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu ở cơ sở.
Hơn nữa trong quá trình triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu một yêu cầu đặt ra là cần phải phát huy trách nhiệm, năng lực của Hệ thống chính trị cấp cơ sở trong việc đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan và cấp có thẩm quyền trong việc điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, mục tiêu, phương pháp, kế hoạch và nguồn lực thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt vai trò này, hệ thống chính trị cấp cơ sở sẽ góp phần tổng kết những mô hình, kinh nghiệm quý báu trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; phát hiện những bất cập trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu; chỉ ra những điểm phù hợp và phát hiện những vấn đề khiếm khuyết, không hợp lý trong thực hiện các chính sách liên quan đến xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu trên từng địa bàn cụ thể. Từ đó đề xuất với các cơ quan và cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, bổ sung, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện chính sách, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tóm lại, xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, tiến tới xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu là khát vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và của cả nước. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 05 xã, 07 phường đạt kiểu mẫu, đang còn rất thấp so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu là trong các danh hiệu kiểu mẫu có các tiêu chí đòi hỏi rất cao, phải phấn đấu cao và liên tục mới có thể đạt được; nhiều địa phương chưa phát huy hết vai trò của Hệ thống chính trị các cấp đặc biệt là cấp cơ sở và sự vào cuộc của các cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thực tiễn này đã đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa trong trong thời gian tới, cần đẩy mạnh xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu, trong đó giai đoạn 2022-2025 tỉnh Thanh Hóa đặt ra "Chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí kiểu mẫu năm 2025 đạt 20% trở lên" đang là một yêu cầu lớn, đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò của Hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Thịnh Văn Khoa
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5. NXB Chính trị Quốc gia, H2011, tr77
[2] Theo Quy định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 9/4/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa