• :
  • :

Phát triển đảng trong trường học (Bài cuối): Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Phát triển đảng trong trường học (Bài cuối): Cần nhiều giải pháp đồng bộCác đảng viên mới của Trường THPT Hà Trung chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy, cô giáo.

Đi tìm nguyên nhân

Qua tìm hiểu thực tế tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, bất cập lớn nhất nằm ở độ tuổi kết nạp Đảng. Theo quy định của Điều lệ Đảng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Tuy nhiên, từ tháng 7 hàng năm, HS lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường, do vậy các em HS sinh từ tháng 6 trở đi sẽ bị thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp vào Đảng so với các em sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Vì thế dẫn đến số lượng HS ưu tú được xét đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng và số được đứng vào hàng ngũ của Đảng có sự chênh lệch đáng kể.

Thầy giáo Hoàng Đức Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, cho biết: Trong năm 2023, trường có 46 em HS và 3 giáo viên học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng nhưng chỉ kết nạp được 20 HS và 3 giáo viên. Số còn lại có 12 em chưa đạt tiêu chuẩn về độ tuổi (chưa đủ 18 tuổi) ở thời điểm xem xét kết nạp, dù các em đều là những HS có thành tích nổi bật. Nhà trường buộc phải chuyển hồ sơ về địa phương nhưng khoảng thời gian các em về sinh hoạt ở địa phương lại quá ngắn nên không phải em nào cũng được kết nạp. Theo đó, phần lớn các em được giới thiệu đến tổ chức đảng mới (các trường đại học, cao đẳng nơi các em theo học) để tiếp tục theo dõi.

Một khó khăn nữa đối với công tác phát triển Đảng trong các trường cao đẳng, đại học là hiện nay các nhà trường đào tạo theo học tín chỉ, điều đó sẽ dẫn đến những khó khăn trong tổ chức các hoạt động tập thể và các phong trào chung, ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện của SV và hạn chế việc theo dõi, bồi dưỡng quần chúng ưu tú của các tổ chức đảng.

Ngoài những khó khăn nêu trên, một số ý kiến cho rằng, sinh hoạt đoàn thanh niên, hội SV tại các nhà trường có những thời điểm chưa phong phú, chưa đa dạng, thiếu tính hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút HS, SV tham gia. Công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, thanh niên có lúc còn chưa kịp thời và hiệu quả. Trong khi một bộ phận HS, SV còn chưa nhận thức đúng, chưa xác định được động cơ vào Đảng đúng đắn cho mình. Một số em có ý định đi du học, dù có thành tích học tập khá tốt, hoạt động ngoại khóa, đoàn thể nổi bật, nhưng lại không có mục tiêu phấn đấu vào Đảng... Tương tự, một số SV có tâm lý khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc cho công ty tư nhân, công ty nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động mà ở đó thường không có tổ chức đảng nên các em chưa mặn mà hoặc không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng...

Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác phát triển đảng viên trong HS, SV trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa tương xứng với thực tế, còn xuất phát từ việc một số cấp ủy, ban giám hiệu các nhà trường chưa thật sự quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đảng viên trẻ trong HS, SV.

Những giải pháp cụ thể

Tăng cường công tác phát triển đảng viên từ HS, SV là yêu cầu khách quan, góp phần trẻ hóa đội ngũ, tăng thêm sinh lực cho Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh phải “chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú”. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác này cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với những giải pháp cụ thể.

Phát triển đảng trong trường học (Bài cuối): Cần nhiều giải pháp đồng bộĐược đứng vào hàng ngũ của Đảng khi ngồi trên ghế nhà trường là niềm vinh dự, tự hào, kỷ niệm đẹp đối với mỗi đảng viên trẻ của Trường THPT Như Thanh.

Thầy giáo Lê Ngọc Thông, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Như Thanh, cho rằng: Đảng ủy, chi ủy các trường THPT và đoàn thanh niên đều phải vào cuộc, đặt chỉ tiêu cụ thể và có giải pháp thực hiện. Các tổ chức đảng, nhà trường không hạ thấp tiêu chuẩn, song cũng linh động, không quá khắt khe, mà tạo cơ hội cho các em HS có điều kiện và mong muốn được tham gia. Trên cơ sở đó lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp được những đảng viên trẻ có sức hút, có khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần phải gỡ khó trong việc quy định độ tuổi phát triển Đảng, có thể kết nạp HS THPT khi vừa đủ 18 tuổi chứ không nhất thiết phải tròn tháng như theo quy định hiện hành. Mặt khác, để tránh lãng phí nguồn, các tổ chức cơ sở đảng (trường THPT, trường đại học, địa phương nơi cư trú...) cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đánh giá, theo dõi, bồi dưỡng chất lượng nguồn kết nạp vào Đảng, nhất là với những HS chưa đủ tuổi kết nạp tại trường THPT. Có như vậy, mới không bị bỏ sót những HS ưu tú, có lý tưởng vào Đảng.

Năm học 2022-2023, lớp 12A, Trường THPT Hà Trung, do cô Trương Thị Nga chủ nhiệm có 12 HS được kết nạp vào Đảng. Theo dõi sát sao quá trình trưởng thành của HS lớp mình, theo cô Nga, muốn làm tốt công tác phát triển Đảng trong trường học, trước hết phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp các em HS nhận thức sâu sắc về Đảng, từ đó có động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn. Bởi có nhận thức đúng, động cơ đúng thì mới có hành động đúng. Đoàn thanh niên cũng cần đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện cộng đồng, tiếp sức mùa thi; hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp... để tạo môi trường thu hút, rèn luyện HS, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những quần chúng ưu tú cho Đảng.

Là chi bộ chủ lực trong công tác kết nạp đảng viên là SV của Đảng bộ Trường Đại học Hồng Đức (từ năm 2021 đến tháng 7-2023, kết nạp được 67 đảng viên là SV/tổng số 80 đảng viên mới), PGS.TS Mai Văn Tùng, Bí thư chi bộ, Trưởng Khoa Khoa học xã hội, cho rằng, để tạo điều kiện cho HS, SV vào Đảng thì việc tạo nguồn cần làm sớm. Ngay từ khi HS, SV mới nhập học, cấp ủy phải sàng lọc chọn đúng đối tượng để bồi dưỡng, hướng người học vào các phong trào hoạt động và giới thiệu tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, qua đó, bồi dưỡng các nhân tố tích cực để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đối với SV, nếu đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng thì nên kết nạp năm thứ hai hoặc năm thứ ba sẽ có tác dụng phát huy được vai trò của SV trong thời gian học. Bên cạnh đó, cần giao những nhiệm vụ thích hợp đối với đảng viên mới để phấn đấu tiếp và có thể chuyển Đảng chính thức.

Theo ông Mai Viết Luyến, Trưởng Phòng huyện, Cơ sở Đảng - Đảng viên thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy, phát triển Đảng trong HS, SV giúp tạo nguồn cán bộ từ sớm, từ xa của Đảng trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Đối với HS, SV, kết nạp vào Đảng khi ở độ tuổi còn trẻ giúp cho các em có nhiều thời gian, sớm được rèn luyện, trau dồi kiến thức, lý luận chính trị trong môi trường thuận lợi, giúp các em trưởng thành sớm, gương mẫu hơn. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ kết nạp HS, SV vào Đảng chưa tương xứng với nguồn lực. Do đó, trong thời gian tới, cấp ủy các nhà trường phải nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển Đảng, nhất là trong đối tượng HS, SV, xem đây là một trong những nhiệm vụ sống còn trong công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, cần quan tâm, chỉ đạo đoàn thanh niên, hội SV tạo ra các phong trào hấp dẫn để thu hút HS, SV tham gia. Ngoài thành tích học tập, các trường cũng nên chú trọng đến các tiêu chí rèn luyện, phấn đấu của HS, SV ở các phong trào đoàn, hội để kịp thời phát hiện, tạo nguồn, tránh lãng phí nguồn lực bổ sung cho Đảng.

Ngoài những giải pháp trên, một số cấp ủy cho rằng cần phải nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với thời kỳ công nghệ số; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Đảng, công tác quản lý đảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt là tại các chi bộ SV - “hạt nhân” lãnh đạo các đảng viên trẻ trong SV, học viên.

Thực tế cho thấy, muốn HS, SV tìm đến với tổ chức đoàn - hội như một người bạn đồng hành tin cậy, các cấp bộ đoàn cần đầu tư đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động theo hướng gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, sự phát triển nhận thức của HS, SV. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn giao cho HS, SV những việc mới, việc khó, để thử thách và giúp HS, SV phát huy khả năng, bộc lộ suy nghĩ, nhận thức, lý tưởng phấn đấu của mình, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Đồng thời, thông qua các phong trào, hoạt động thực tiễn, các cấp bộ đoàn - hội trong nhà trường cần định hướng, giáo dục tăng “sức đề kháng” cho HS, SV trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” - như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022.

Bài và ảnh: Nhóm PV


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết