• :
  • :

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động.

Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trên tinh thần đó, với chủ đề “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, nhất là chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, những cú sốc trên thị trường do tác động từ bên ngoài hoặc nội tại nền kinh tế.

Với quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần... Thủ tướng Chính phủ đã gợi mở các vấn đề cần thảo luận nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động, đó là: Làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động theo hướng nào để tăng cường quản lý Nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế; Những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Giải pháp nào để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra?.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thông tin: Thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại và hội nhập quốc tế. Theo đó, khuôn khổ thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng nguồn cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những “cú sốc” như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng thị trường lao động Việt Nam trong mối tương quan thị trường lao động thế giới; vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; cơ chế, chính sách về thị trường lao động; kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước mắt là chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhanh, hiệu quả, làm cơ sở phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam cũng như phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Theo đó, một trong những điểm cần đặc biệt lưu ý là phải năng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thời kỳ phát triển mới. Đặc biệt là các ngành nghề ưu tiên trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó chú ý nâng cao kỹ năng, năng suất lao động của người lao động; phải có sự liên kết giữa nhu cầu tuyển dụng và chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người lao động; xây dựng hạ tầng thị trường lao động hiện đại. Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt các công ước quốc tế liên quan tới lao động, việc làm mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó người lao động phải thực hiện đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm đối với đất nước.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh, hội nghị này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước đang hết sức nỗ lực khắc phục những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt là đối với thị trường lao động và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch; đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể bảo đảm cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động. Đến nay, về cơ bản, thị trường lao động đã được hình thành và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù vậy, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động; cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong giai đoạn phát triển mới, có cả những thời cơ, vận hội đan xen khó khăn, thách thức, Chính phủ xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ - tài khóa. Nhấn mạnh, Việt Nam kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì phải có được lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, làm chủ được công nghệ. Cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực Nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đồng ý với các ý kiến thảo luận tại hội nghị, trên cơ sở phân tích các thành tựu, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, đó là cần phải nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung - cầu và cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao; tiếp tục luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư; tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch; chú trọng đầu tư cả về cơ chế, chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau; quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, bảo đảm có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước. Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân có thể làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định, để người lao động hạn chế phải xa quê hương. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân, người lao động. Đồng thời, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm, theo yêu cầu của thị trường.

Thủ tướng chỉ rõ phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững...


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết