Dự phiên khai mạc có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía khách mời có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trong Chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành nghề kinh doanh bất động sản cũng là một trong những yếu tố bảo đảm cho tăng trưởng của nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Dự án Luật này đã thực hiện trong thực tế được 8 năm, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc và bất cập. Do đó, lần này Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án Luật này liên quan đến nhiều luật khác.
“Sửa luật giai đoạn này là cần thiết, đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh sửa xong nhưng không giải quyết được vướng mắc hay lại tạo ra những vướng mắc khác” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật này có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tần số vô tuyến điện và dự kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nếu sửa đồng bộ được dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển về công nghệ thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số và xã hội số ở Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến đối với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và những nội dung liên quan đến sửa đổi dự án Luật quan trọng này; đồng thời cũng lưu ý bảo đảm sự thống nhất với các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA...
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), tại phiên họp thường kỳ thứ 21 (tháng 3/2023) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật, liên quan đến đông đảo nhân dân và cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích rõ thêm tính hợp lý, khả thi, sự phù hợp của quy định trong dự thảo Luật với đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới được đề xuất đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), tại phiên họp thường kỳ thứ 21 (tháng 3/2023) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6. |
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cũng tại phiên họp chuyên đề pháp luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay-Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707. Cho biết đây là dự án quan trọng quốc gia vì liên quan đến chuyển đổi đất rừng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá rõ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đã đủ điều kiện cơ sở pháp lý hay chưa, đồng thời đánh giá các phương án tuyến, kể cả phương án làm hầm đã là phương án tối ưu hay chưa, có hạn chế được tối đa chuyển đổi đất rừng hay không…
Ngoài các nội dung trên, theo chương trình dự kiến ban đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề xuất một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam dự kiến để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5. Mặt khác, vừa qua Chính phủ lại có Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung dự án Luật Xuất nhập cảnh và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần cân nhắc kỹ lại, chỉ nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội một dự án bởi 2 nội dung này giống nhau. Nếu trình sửa luật thì không cần trình nội dung để đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp nữa.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngoài dự án quan trọng quốc gia thì các nội dung khác của phiên họp đều là những nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy kết quả các phiên họp trước đây, nghiên cứu kỹ lưỡng, phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, nêu rõ những vấn đề đề nghị lưu ý hoặc quan tâm nghiên cứu thêm để cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo có hướng làm rõ hơn.
Theo Báo Nhân Dân