Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Thường Xuân.
Cùng tham dự có các thành viên Tổ công tác số 5 của UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Trước khi làm việc với lãnh đạo các huyện, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 cùng các thành viên trong đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công một số dự án trên địa bàn huyện Thường Xuân.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo báo cáo, nhìn chung tiến độ thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở các địa phương chưa đảm bảo tiến độ.
Trong đó, đối với huyện Thường Xuân có 5 dự án vốn tỉnh quản lý. Tổng số kế hoạch vốn năm 2023 là 74 tỷ 609 triệu đồng; kế hoạch vốn đã giải ngân 11 tỷ 795 triệu đồng, đạt 15,81% kế hoạch giao. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện triển khai thực hiện 6 dự án; tổng số vốn năm 2023 là 102 tỷ 135 triệu đồng; kế hoạch vốn đã giải ngân trên 17 tỷ đồng, đạt 16,71% kế hoạch giao…
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Đối với huyện Lang Chánh, vốn ngân sách tỉnh quản lý tỷ lệ giải ngân đạt 1,99% kế hoạch vốn giao; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỷ lệ giải ngân đạt 3,15% kế hoạch vốn giao; Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỷ lệ giải ngân đạt 20,1% kế hoạch giao…
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo tiến độ thực hiện các dự án tại hội nghị.
Theo báo cáo, hiện nay các dự án của các địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đó là: Giá cả nguyên, vật liệu biến động. Mỏ cung cấp vật liệu xa phải lấy từ địa phương khác; công tác phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung của xã chậm so với yêu cầu của dự án; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng không có loại hình kiến trúc xây dựng bằng bê tông xi măng đá; năng lực một số đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế về năng lực.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Trong Nghị định số 27/2022/NĐ-CP chưa có nội dung quy định về cơ chế đặc thù và quy trình, thủ tục thanh quyết toán đối với nội dung sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ hộ gia đình, không lập dự án đầu tư. Do đó chưa có cơ sở để các huyện triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở theo nguồn kinh phí được phân bổ năm 2022…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu kết luận hội nghị.
Sau ý kiến phát biểu của các đại biểu, phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 cho rằng: Tổng số vốn đã giải ngân của các chủ đầu tư, địa phương đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở các địa phương chưa đảm bảo tiến độ, mới đạt 14% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao đầu năm.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án của các chủ đầu tư, địa phương; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương phải thật sự nỗ lực, có cách làm bài bản, khoa học để khắc phục những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy trình triển khai dự án…
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư cần rà soát, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án do đơn vị, địa phương quản lý và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tuần, tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Toàn cảnh hội nghị.
Tiếp tục hướng dẫn, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định dự án, thiết kế dự án công trình thuộc lĩnh vực quản lý; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các chủ đầu tư. Quan tâm đến năng lực của các đơn vị tư vấn.
UBND cấp huyện cần phải có kế hoạch chi tiết về tiến độ, lộ trình đối với các dự án; đồng thời thường xuyên theo dõi sát sao tiến độ thực hiện các dự án. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng để người có đất bị thu hồi nắm và thực hiện theo quy định…