Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng các thành viên đoàn công tác kiểm tra vết sạt lở trên đồi có nguy cơ gây sạt lở tại khu dân cư bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và các thành viên đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống người dân vùng nguy cơ sạt lở và thực hiện các tiêu chí XDNTM tại các xã Sơn Điện, Na Mèo…
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo huyện Quan Sơn đã báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn huyện. Trong trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng năm 2022 đạt hơn 6.200 ha, sản lượng lương thực có hạt ước đạt 16.577 tấn. Diện tích cây gai xanh được phát triển nhanh với 10 ha trồng mới năm 2021 và 24,2 ha trồng mới năm 2022. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 220 ha theo kế hoạch.
Các thành viên đoàn công tác tham quan mô hình nuôi cá tầm mới được du nhập vào địa bàn huyện Quan Sơn.
Trong chăn nuôi, huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng theo kế hoạch. Hiện tổng đàn trâu toàn huyện đạt gần 1.150 con, đàn bò gần 6.800 con, đàn gia cầm 197.000 con. Huyện đang triển khai 10 mô hình chăn nuôi từ nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; phát triển mạnh chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại nhỏ, chăn nuôi vật nuôi lợi thế như gà ri, gà đồi, vịt Sơn Hà, lợn cỏ… Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được quan tâm, phát triển bền vững. Năm 2022, toàn huyện khai thác hơn 8 triệu cây tre, luồng; 45.800 tấn nan thanh…
Mô hình nuôi cá tầm tại xã Sơn Điện đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Về nhiệm vụ XDNTM, huyện tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các xã trên địa bàn đẩy nhanh thực hiện các tiêu chí. Tuy nhiên, với điều kiện miền núi đặc thù và nhiều khó khăn nên đến nay, huyện mới có 2 xã đạt chuẩn NTM là Tam Lư và Sơn Hà. 56/83 thôn, bản trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 9 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm, hiện Quan Sơn có 1 sản phẩm Măng khô Nang Non được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, huyện đang hoàn thiện hồ sơ để trình hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xét công nhận thêm 2 sản phẩm Gạo nếp Cay Nọi Mường Xia và Thịt bò khô Mường Hạ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang thăm hỏi tình hình đời sống và tặng quà động viên đồng bào ở bản Sa Ná, xã Na Mèo bị ảnh hưởng thảm họa thiên tai năm 2019.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh đã đánh giá và phân tích những thuận lợi, khó khăn trong phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn huyện, đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ trên.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Quan Sơn báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp và XDNTM trên địa bàn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận những cố gắng của chính quyền và Nhân dân huyện Quan Sơn thời gian qua với nhiều thành quả đạt được. Tuy nhiên, đồng chí Lê Đức Giang cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển nông nghiệp cũng như XDNTM những năm qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu chỉ đạo.
Về các nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện tiếp thu ý kiến các sở, ngành tại buổi làm việc. Về phát triển lâm nghiệp, Quan Sơn có diện tích rừng lớn, lãnh đạo huyện phải tập trung phát triển an ninh rừng, kinh tế lâm nghiệp. Theo đồng chí, căn cơ của Quan Sơn là phải thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sâu, kinh doanh lâm sản. Huyện phải tạo điều kiện cho những người dám nghĩ dám làm, tạo cơ chế thông thoáng cho những nhà đầu tư. Với nhiều cơ sở chế biến gỗ dọc bờ sông, cần tăng cường kiểm soát, không để tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Trong trồng trọt, diện tích đất nông nghiệp của huyện ít nhưng lại có điều kiện khí hậu thuận lợi, nên đưa những cây trồng đặc trưng, có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Mặt khác, huyện cần chú trọng phát triển dược liệu dưới tán rừng để khơi dậy tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế hiệu quả.
Trong chăn nuôi, Quan Sơn có tiềm năng lớn nhưng lâu nay chưa mấy hiệu quả. Theo đó, địa phương cần tập trung phát triển con nuôi theo hướng đặc sản với giá trị kinh tế cao. Đồng thời, phát huy diện tích hồ đập, lòng hồ thủy điện để nuôi trồng thủy sản.
Về XDNTM, đồng chí yêu cầu huyện kiện toàn lại ban chỉ đạo, phân công lại địa bàn phụ trách cho từng lãnh đạo, cán bộ; tổ chức giao ban hàng tháng với cấp cơ sở để đốc thúc, bàn bạc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Riêng phát triển sản phẩm OCOP, huyện có dư địa và tiềm năng rất lớn về sản phẩm, nhưng đến nay là địa phương mới có 1 sản phẩm được công nhận, là địa phương có sản phẩm OCOP ít nhất tỉnh. Năm 2023, huyện phải nỗ lực phát triển thêm nhiều sản phẩm để tương xứng với tiềm năng.
Với các kiến nghị của huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến cụ thể đối với từng nội dung, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.