Việc sắp xếp đơn vị hành chính còn nhiều bất cập
Nêu câu hỏi gửi đến Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đề cập đến việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.
Đại biểu cho rằng đây là chủ trương lớn, có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân các địa phương. Tuy nhiên, việc này thực hiện trong thời gian rất ngắn, chưa đánh giá tác động đầy đủ, chưa lường hết các tình huống phức tạp phát sinh. Một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, đến nay còn nhiều bất cập chưa được giải quyết.
“Phải chăng, chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho công việc hệ trọng và phức tạp này? Theo Phó thủ tướng, việc tổ chức thực hiện trong thời điểm, thời gian và cách làm như vậy có vội vàng, chủ quan không? Với trách nhiệm của mình, Phó thủ tướng sẽ chỉ đạo gì để giải quyết những khó khăn, bất cập đối với các đơn vị hành chính mới thành lập sau sắp xếp và khi nào sẽ được giải quyết xong?", đại biểu Hoàng Đức Thắng chất vấn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 5-11. Ảnh: Trọng Hải
Dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ
Sáng nay, ngày 5-11, trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương lớn, quan trọng.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lập đoàn giám sát chuyên đề về việc này và đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành mục tiêu, yêu cầu; giảm 8 huyện, 561 xã sau sắp xếp. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như: Cán bộ dôi dư chưa được sắp xếp, trụ sở còn lãng phí...
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện chế độ chính sách với cán bộ nơi sắp xếp; chỉ đạo bộ ngành tháo gỡ các vướng mắc. Trường hợp cần chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Chính phủ sẽ trình Thường vụ Quốc hội xem xét.
Riêng về việc sắp xếp bộ máy các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, được Chính phủ triển khai với quyết tâm cao, quyết liệt, nhằm bảo đảm bộ máy linh hoạt; kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng tiêu chí, giảm đầu mối, cấp trung gian và đơn vị sự nghiệp công. Dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ.
Giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư
Một nội dung khác được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhắc đến là về tinh giản biên chế.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm đổi mới chất lượng công vụ, tiết kiệm chi ngân sách, tạo nguồn lực cải cách tiền lương. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các biện pháp tinh giản biên chế theo đúng lộ trình: Năm 2021, đã giảm 27.530 biên chế công chức, đạt 10,01%; giảm 236.366 biên chế viên chức, đạt 11,67%.
“Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thẳng thắn nhìn nhận và cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.
“Chính phủ rất quan tâm, bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế để bảo đảm nguyên tắc: Có học sinh phải có giáo viên, có bệnh nhân phải có bác sĩ”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh và khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các yêu cầu đặt ra.
Chỉ giảm biên chế giảm viên chức hưởng lương ngân sách Cũng liên quan đến việc tinh giản biên chế, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) cho rằng, việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế, do tỷ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương. Trong khi các tỉnh miền núi biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ và hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 5-11. Ảnh: Trọng Hải Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo quyết định của Bộ Chính trị, các địa phương giảm 5% công chức và 10% viên chức cho cả giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên, việc này có căn cứ vào đặc thù từng vùng, miền. Nhiều địa phương đang bị nhầm lẫn việc giảm biên chế viên chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. “Chúng ta không cắt giảm biên chế viên chức mà giảm viên chức hưởng lương ngân sách. Các địa phương miền núi có khó khăn hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để tháo gỡ. Trước mắt, các địa phương chấp hành theo quyết định của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói. |
Theo Báo QĐND