Công chức Sở Tài nguyên và Môi trường (người đầu tiên bên phải) tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Việc chậm cấp GCNQSDĐ diễn ra đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), giai đoạn 2020-2021, toàn tỉnh có 7.063 hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ, đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai của hộ gia đình, cá nhân do Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện bị quá hạn. Từ 1-11-2022 đến 31-5-2023, toàn tỉnh có 10.278 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân quá hạn (chiếm 3,33%), trong đó số hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai là 9.577 hồ sơ, số hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện là 701 hồ sơ.
Từ số liệu trên cho thấy, có quá nhiều hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó lượng hồ sơ cấp lần đầu bị trả lại hoặc đang chờ bổ sung chiếm tới 20,39% chưa giải quyết cho người dân. Anh Trịnh Văn Bằng, xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa) cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi mua đất 50 năm ở xã Định Hưng (Yên Định) để thành lập doanh nghiệp. Dù đã làm đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu và nộp hồ sơ ở bộ phận “một cửa” UBND huyện Yên Định, nhưng đến nay tôi vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Vì chưa được cấp giấy chứng nhận nên 5 năm qua, tôi không thể thành lập được doanh nghiệp”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Về khách quan, theo đánh giá của Sở TN&MT, các văn bản của pháp luật liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận sửa đổi bổ sung qua các thời kỳ không có tính ổn định, có những nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến cấp giấy chứng nhận của người dân còn hạn chế, nhiều trường hợp cố tình lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích, xây dựng công trình trái phép nhưng không đăng ký biến động theo quy định dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, thời điểm, diện tích, ranh giới để cấp GCNQSDĐ; phần mềm theo dõi hồ sơ chưa hoạt động thông suốt; số lượng giao dịch về đất đai của người dân tăng đột biến...
Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, qua tìm hiểu và phản ánh của nhiều người, tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục cấp GCNQSDĐ phần nhiều vẫn do nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan chức năng. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, chưa gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chưa tận tình và kịp thời, để người dân phản ánh, kiến nghị, tạo dư luận không tốt. Để chấn chỉnh tình trạng này, Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa đã yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động các chi nhánh trực thuộc ký cam kết với giám đốc chi nhánh; giám đốc chi nhánh ký cam kết với giám đốc văn phòng không được chậm trễ trong giải quyết TTHC, không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân; nghiêm cấm cán bộ, viên chức, người lao động vòi vĩnh, đòi “bôi trơn” mới giải quyết hồ sơ hoặc nhận tiền làm tư vấn, liên kết làm tư vấn ngoài quy định, trái pháp luật... Dù đã có những giải pháp cụ thể, song tình trạng quá hạn trong cấp GCNQSDĐ vẫn không được khắc phục mà ngược lại còn gia tăng.
Việc quá hạn trong cấp GCNQSDĐ đã khiến tổ chức, công dân không hài lòng, tình trạng phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận càng khiến tổ chức, công dân bức xúc. Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho biết: “Tình trạng “lót tay” khi giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho Chỉ số PCI của Thanh Hóa tụt sâu trên bảng xếp hạng, đứng thứ 47 cả nước”. Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống khẳng định: “Tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC chưa cao. Tình trạng “bôi trơn” khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và người dân vẫn diễn ra mà chưa được xử lý dứt điểm”.
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa diễn ra, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chỉ ra “cơn bão ngầm trong hành chính” khi một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền làm trì trệ khâu giải quyết TTHC, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư. Đặc biệt, qua khảo sát của các bộ, ngành Trung ương, môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa được cải thiện rõ rệt; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thanh Hóa đứng đầu khu vực miền Trung, xếp thứ 8 trong cả nước, thế nhưng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền Thanh Hóa lại đứng thứ 47 cả nước. Điều này phản ánh sự mâu thuẫn khi môi trường đầu tư của tỉnh được đánh giá là hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp lại chưa hài lòng trong cải cách hành chính.
Hiếm có kỳ họp nào mà các đại biểu HĐND tỉnh lại dành nhiều thời gian và câu hỏi để chất vấn về vấn đề “nhạy cảm” ở lĩnh vực đất đai như Kỳ họp thứ 14 vừa qua. Có hay không tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, đòi “bôi trơn” trong giải quyết TTHC lĩnh vực cấp GCNQSDĐ là câu hỏi được nhiều đại biểu chất vấn đồng chí Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm. Qua theo dõi trực tiếp phiên chất vấn, nhiều cử tri ở các huyện Hoằng Hóa, Yên Định, Nông Cống, Triệu Sơn, thị xã Nghi Sơn cũng đã có ý kiến phản ánh đến kỳ họp về tình trạng này qua đường dây nóng. Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định có tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong cấp GCNQSDĐ và cho biết: Từ 1-9-2020, đến nay Văn phòng Đăng ký đất đai đã ban hành 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, cá nhân liên quan đến giải quyết TTHC. Ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” đối với 1 viên chức, “cảnh cáo” 2 viên chức, “khiển trách” 4 viên chức. Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Giám đốc Sở TN&MT cam kết sẽ thực hiện các giải pháp chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa và các chi nhánh ở cấp huyện, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm hoặc có hành vi gây phiền hà, tiêu cực đối với tổ chức, công dân.
Cam kết của Giám đốc Sở TN&MT được xem là “giải pháp mạnh” để toàn ngành nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời đem đến sự kỳ vọng cho các đại biểu HĐND tỉnh và đông đảo cử tri về sự thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Tố Phương