• :
  • :

Quan Hóa đưa nghị quyết vào cuộc sống, góp phần đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp

Quan Hóa đưa nghị quyết vào cuộc sống, góp phần đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệpMô hình nuôi cá lồng tại xã Trung Sơn mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa cho người dân huyện Quan Hóa.

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế...

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của các hộ dân xã Trung Sơn vào đúng thời điểm các hộ dân mới thành lập và ra mắt HTX dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cựu chiến binh Trung Sơn. Trò chuyện với các thành viên trong HTX, mới biết được từ khi Nhà máy Thủy điện Trung Sơn hoàn thành và đi vào vận hành sản xuất điện, một số người dân đã tận dụng mặt nước vùng lòng hồ phát triển nghề nuôi cá lồng, mở ra một hướng sản xuất mới, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

“Năm 2019, tôi là hộ đầu tiên làm 4 lồng nuôi cá bằng luồng, thả cá trắm cỏ, cá dốc. Khi ấy, khu vực này mù mịt, tăm tối; đường đi không có, điện cũng không, nhiều lúc định bỏ cuộc. Song, quyết chí thoát nghèo, tôi kiên trì bám lòng hồ để nuôi cá. Khi lứa cá đầu tiên cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập; một số hộ dân thấy có hiệu quả cũng đầu tư lồng nuôi. Đến nay, tôi đã đầu tư được 6 lồng nuôi bằng sắt, đem về nguồn thu nhập ổn định từ 150 đến 170 triệu đồng/năm” - anh Phạm Bá Ảnh nói với chúng tôi.

Vừa đầu tư nuôi cá lồng, vừa làm thêm dịch vụ kinh doanh ăn uống trên bè, anh Nguyễn Biên Cương, Giám đốc HTX dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cựu chiến binh Trung Sơn chia sẻ, anh và một số hộ phải kết hợp thêm việc kinh doanh dịch vụ nữa thì mới “lấy ngắn nuôi dài được”. Bởi, hiện tại gia đình anh đang nuôi 7 lồng cá trắm, cá lăng; mỗi lứa cá nuôi đạt trọng lượng lớn khoảng 8 kg đến hơn 10 kg phải mất khoảng 2 năm, trong khi đó trung bình mỗi tháng chi phí tiền thức ăn cho cá khoảng 15 triệu đồng. Vì vậy, để giải quyết khó khăn nguồn vốn cho các thành viên trong HTX, xã đã tạo điều kiện về thủ tục cho các hộ nuôi được vay nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ chức đi tham quan các mô hình nuôi cá lồng trong tỉnh cũng như tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp thức ăn liên kết với các hộ nuôi, nhưng hiện tại chưa có doanh nghiệp nào nhận lời vì lo sợ rủi ro. Vì vậy, các hộ nuôi cá lồng xã Trung Sơn đang mong sớm nhận được sự hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định số 4716/QĐ-UBND tỉnh ngày 28-12-2022 về phê duyệt Đề án Phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn về mô hình nuôi cá lồng của xã, anh Ngô Sĩ Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn - người luôn trăn trở với các mô hình phát triển kinh tế của xã, cho biết: Lợi thế của các hộ dân nuôi cá lồng ở xã đó là tận dụng mặt nước dâng của lòng hồ thủy điện Trung Sơn nên sự tác động của mưa, lũ, rác từ nơi đầu nguồn chảy về không lớn, dẫn đến môi trường nuôi cá tương đối sạch, ít dịch bệnh. Vì vậy, đầu năm 2022 Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Và sau khi Nghị quyết 05 của Huyện ủy ra đời, Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Theo đó, xã đã hình thành được vùng nuôi cá lồng bè tập trung tại khu vực cửa suối Quanh (chân cầu Ta Bán); đồng thời vận động các hộ nuôi thành lập HTX, với 15 thành viên. Mục đích của HTX là tạo “mái nhà chung” để những hộ nuôi cá hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật; phục vụ, cung ứng giống cá, thức ăn; bán sản phẩm cho các hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ khác trên địa bàn huyện Quan Hóa và các địa bàn lân cận. “Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giải quyết việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân trên địa bàn xã. Xã đang tiếp tục vận động bà con phát huy lợi thế, kết hợp nuôi cá lồng, kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch lòng hồ, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP rượu chuối men lá Mường Páng... để mang lại nguồn thu nhập cao hơn so với trông chờ vào nguồn thu nhập từ cây luồng” - Bí thư Đảng ủy xã Ngô Sĩ Tâm cho biết.

... thành sức mạnh để phát triển kinh tế

Cũng như xã Trung Sơn, để phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quan Hóa đã tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có quy mô, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng, vật nuôi truyền thống, như: chăn nuôi lợn nái đen, dê, bò sinh sản; lợn lai lòi sinh sản và lấy thịt; gà ri lai, gà lai chọi (liên kết theo chuỗi giá trị ); trồng cây sâm báo, cây gai xanh nguyên liệu, cây mắc ca, quế dược liệu... bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05, toàn huyện đã hình thành được 48 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có quy mô ở 14/15 xã, thị trấn (riêng xã Hiền Kiệt chưa xây dựng được mô hình có quy mô theo nghị quyết đề ra), đạt 186,7% kế hoạch của nghị quyết đề ra cho giai đoạn 2022-2025.

Điển hình như mô hình nuôi lợn nái đen sinh sản đã có 5 xã, thị trấn triển khai xây dựng 16 mô hình, với 36 hộ tham gia nuôi 325 con; giúp cho 18 hộ thoát nghèo và 12 hộ thoát cận nghèo. Hay mô hình nuôi cá lồng trên lòng thủy điện Trung Sơn ở xã Trung Sơn, đến nay đã có 47 hộ có bè nuôi cá (đạt 156,7%), với 102 lồng (đạt 127%) chỉ tiêu nghị quyết đề ra cho giai đoạn 2022-2025; tổng vốn người dân tự đầu tư 2.350 triệu đồng. Sản lượng cá thương phẩm xuất bán năm 2022 đạt 13 tấn. Hay 2 mô hình chăn nuôi gà lai chọi (liên kết theo chuỗi giá trị) của 2 hộ dân ở xã Nam Động đầu tư theo hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị giữa hộ nông dân với Công ty CP đầu tư và phát triển AAT Group. Mô hình được đánh giá là thành công và hiệu quả, với doanh thu từ 270 - 350 triệu đồng/năm...

“Có thể khẳng định, các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Quan Hóa bước đầu đã phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, do diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện nhỏ hẹp, manh mún, độ dốc lớn và chia cắt nhiều đang gây khó khăn cho phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất trồng trọt; thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến phát triển nông nghiệp dễ gặp rủi ro, trong khi đó đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nên có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất nông nghiệp” - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa - Nguyễn Đức Dũng nói.

Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 05-NQ/HU đề ra, đến năm 2025 toàn huyện có 50% số xã, thị trấn xây dựng được ít nhất một mô hình trồng mắc ca, sâm báo, gai xanh; hoặc chăn nuôi lợn, bò, dê, gia cầm, thủy cầm, thủy sản. Theo ông Nguyễn Đức Dũng, thời gian tới đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình, có trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng như người dân trong việc tập trung chăm sóc diện tích các cây trồng lưu gốc hiện có. Đồng thời chăm sóc tốt sức khỏe cho đàn vật nuôi, chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần áp dụng công nghệ số, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương, chủ động mời gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các nông sản, thủy sản. Chủ động tìm kiếm thị trường, hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa. Gắn hoạt động của mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp với các hoạt động của các ngành thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có chất lượng, phù hợp với thị hiếu khách hàng, được thị trường tin dùng.

Bài và ảnh: Ngân Hà


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết