• :
  • :

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí

Với tư duy sắc bén, tầm nhìn xa và kinh nghiệm cách mạng dày dặn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ nguy hại của tệ tham ô, lãng phí, quan liêu với một Đảng cầm quyền. Theo Người, thực hành tiết kiệm, triệt để chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu phải trở thành quan điểm thường trực có tính quyết định đối với công tác của nước nhà.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đến sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo đến phát triển sản xuất để nâng cao đời sống Nhân dân. Trong bài nói chuyện nhân dịp Tết Nhân thìn (1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Phải tiết kiệm sức lao động, phải tiết kiệm thì giờ, phải tiết kiệm tiền của để tăng gia. Tiết kiệm giúp cho tăng gia và tăng gia giúp cho tiết kiệm, để đi đến kết quả tốt”. Và như vậy, tiết kiệm chính là để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Sản xuất là tiền đề tạo ra của cải vật chất cho xã hội, để bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển. Nếu sản xuất ra nhiều nhưng lại lãng phí trong tiêu dùng, tức là không tiết kiệm, thì sản xuất cũng là vô ích. Và ngược lại, tiết kiệm mà không đi đôi với sản xuất cũng không có gì mà tiết kiệm.

Trong bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ 25 (tháng 6/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mọi thứ đều phải tiết kiệm, tăng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia thì lấy gì mà tiết kiệm”. Tiết kiệm có thể thực hiện ở mọi lĩnh vực, trước hết là lĩnh vực sản xuất vật chất. Tiết kiệm sức lao động là làm sao để sử dụng ít lao động nhất mà có thể làm được nhiều việc nhất. Việc gì trước kia phải dùng nhiều người, bây giờ phải tổ chức, sắp xếp cho khéo để nâng cao năng suất lao động của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng ít người hơn cũng là tiết kiệm. Khoán cũng là một biện pháp để khuyến khích và sử dụng lao động có hiệu quả.

Nói chuyện với công nhân Nhà máy dệt Nam Định ngày 24/4/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của xã hội chủ nghĩa, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là lợi chung và lại lợi riêng. Công nhân sản xuất ra nhiều vải, cố gắng nhiều hưởng được nhiều, làm khoán tốt, thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay”.

Tại hội nghị chỉnh huấn Trung ương tháng 3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Sản xuất mà không tiết kiệm khác nào gió vào nhà trống”. Theo quan điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm vật tư, tiền bạc trong sản xuất, trong tiêu dùng mà cả tiết kiệm công sức, thời gian. Người cho rằng: “Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó lại được. Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ của người khác”.

Hơn nữa, chúng ta xuất phát từ nước nghèo kém phát triển lại bị đế quốc áp bức, bóc lột nặng nề, sản phẩm làm ra ít, năng suất lao động thấp, cuộc sống của nhân dân lao động còn nhiều khó khăn, nghèo nàn, khổ cực thì tiết kiệm lại càng trở thành đòi hỏi bức thiết. Người giải thích: “Trong 80 năm, nước ta bị đế quốc Pháp, rồi đến đế quốc Nhật vơ vét hết, vì vậy mà kinh tế của ta nghèo nàn, lạc hậu... Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích lũy thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân biệt rạch ròi tiết kiệm với keo kiệt, bủn xỉn. Người cũng chỉ rõ, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi: “Tiết kiệm không phải là sự bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc có ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là tiết kiệm”.

Quan điểm sản xuất đi đôi với tiết kiệm trên góc độ tài chính là tăng thu, giảm chi, chống tham ô, lãng phí tiền của Nhân dân và để lãng phí là lỗi của cán bộ, đảng viên. Khi về thăm mốt số xã ở Nghệ An, Bác Hồ nhận xét: “Vừa rồi vì được mùa to nên 20 xã ở Diễn Châu liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò và 3 con dê. Đó là chưa kể những ngày công của bà con 20 xã. Lãng phí tiền của và công sức như vậy là lỗi tại ai? Lỗi tại cán bộ huyện, xã, lỗi tại đảng viên chi bộ”.

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, bắt tay vào xây dựng chính quyền non trẻ, cũng như trong cuộc trường kỳ kháng chiến, đến những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đặc biệt quan trọng này. Chỉ sau 15 ngày công bố Tuyên ngôn độc lập (tức ngày 17/9/1945) trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những người lên mặt “làm quan cách mạng”, lấy của công làm của riêng. Người chỉ rõ tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu ở chỗ, sự phát triển của chúng không những làm mất cán bộ của Đảng và Nhà nước, làm hỏng bộ máy chính quyền cách mạng, làm mất uy tín lãng đạo của Đảng, mà còn làm sa sút nền kinh tế, làm tổn hại đến đời sống Nhân dân.

Làm rõ thực chất của tham ô, lãng phí, quan liêu và kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự tồn vong của đất nước, góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội, tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”. Người rất bất bình với hành động xấu xa đó. Đầu năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Không một kẽ hở”, trong đó Người nhắc lại ý kiến của Stalin: “Stalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Đó là thứ cặn bã còn rơi rớt lại của xã hội cũ – cái xã hội thối nát, trong đó bọn ăn cắp, bọn sống bám... lại được coi là những kẽ “khôn ngoan nhất đời”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi lãng phí cũng là một căn bệnh rất nguy hiểm, làm tổn hại to lớn đến chính sách tiết kiệm của Đảng và Nhà nước. Theo Người: “Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào, nó là một thứ “giặc ở trong lòng” là kẻ thù của Nhân dân, của cán bộ và của Chính phủ, do đó cần đấu tranh loại bỏ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải được tiến hành thường xuyên, coi việc giáo dục là chính, làm cho những người phạm lỗi nhận ra thiếu sót để sửa chữa, đồng thời phải có kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn sửa lỗi. Người đánh giá rất cao biện pháp gây dư luận khinh ghét trong quần chúng và coi đó là biện pháp hữu hiệu nhất. Người nhấn mạnh: “Phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng chục, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Đồng thời: “Đảng cần phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ mắc sai lầm đó”.

Để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả, cần phải làm cho mọi người thấy rõ tham nhũng là trọng tội; lãng phí tuy tính chất có khác với tham nhũng, nhưng cũng là có tội với Nhân dân, với Nhà nước; quan liêu là nguồn gốc sinh ra tham nhũng và lãng phí. Nó phải được bài trừ triệt để dưới chế độ ta. Nâng cao mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong việc quản lý kinh tế, tài chính. Xây dựng chế độ trách nhiệm và kỷ luật nghiêm ngặt trong quản lý tài chính, ngân hàng. Chấn chỉnh công tác tổ chức - cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu phải huy động được sự tham gia của đông đảo Nhân dân, phải được tổ chức tốt, lãnh đạo chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Có chính sách đúng đắn; lựa chọn cán bộ tốt; giáo dục tốt; tổ chức tốt; quản lý tốt; kiểm tra tốt; giám sát tốt sẽ là những giải pháp hiệu quả để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí và quan liêu, cho đến hôm nay vẫn đang là vấn đề thời sự, đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp, biện pháp tích cực, từng bước có hiệu quả. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng, ở từng cương vị của mình luôn phấn đấu để trở thành cán bộ tốt, công dân tốt.

Với tư cách là giảng viên Trường Đảng càng phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc, toàn diện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và phải đưa quan điểm của Người vào trong từng bài giảng, từng hoạt động để học viên thấm nhuần và thực hành chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả trong thực thi công vụ đảm trách. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu đang thực sự là kim chỉ nam để chúng ta có được những biện pháp tích cực và hiệu quả, vượt qua thách thức nghiêm trọng này, đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đến thắng lợi.

Lê Đình Khải

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết