• :
  • :

Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ

[Cập nhật] Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Sáng cùng ngày, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ với những nội dung trọng tâm gồm:

(1) Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

(2) Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

(3) Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

(4) Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.

(5) Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

(6) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tư pháp, Công Thương cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

8h00: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong sáng nay, Quốc hội sẽ dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm và việc phối hợp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu và Bộ trưởng hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm và những vấn đề mới chưa được chất vấn để làm rõ các vấn đề, giải pháp.

8h01: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Cần có chính sách cụ thể từ Trung ương tới địa phương để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam về cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với quan điểm của đại biểu, trong đó hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản của Trung ương ban hành làm cơ sở địa phương xây dựng chính sách cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể của từng địa phương, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở địa phương.

Bộ trưởng cũng cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh, vì vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát vào chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về đề nghị của đại biểu, để phát triển sinh kế dưới tán rừng, tại Kỳ họp này có nên đưa vào nghị quyết về một cơ chế đặc thù để phát triển sinh kế dưới tán rừng hay không, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, vấn đề này liên quan đến Luật Lâm nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp xây dựng đề án phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới đây, trong đó có phát triển sinh kế dưới tán rừng.

Về ý kiến tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về bố trí vốn tăng cường đầu tư; một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương. Tại Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; đồng thời đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong nghị quyết của Quốc hội.

Về nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Quốc hội đã phê duyệt bố trí 104.000 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi đại biểu tại sao vốn sự nghiệp cao hơn vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, với cơ cấu 54 nghìn tỷ đồng vốn sự nghiệp chủ yếu tập trung giải quyết cho những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và những chính sách này là những chính sách của giai đoạn 2016-2020 còn hiệu lực thi hành và được tích hợp vào chương trình, nguồn vốn đối tượng hỗ trợ là đối tượng của người dân nên không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư theo Luật Đầu tư công mà phải sử dụng nguồn vốn sự nghiệp. Chính vì vậy cơ cấu vốn vốn sự nghiệp nhiều hơn so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Về hệ thống văn bản, Bộ trưởng khẳng định trong năm 2022 các bộ, ngành đã cơ bản ban hành hệ thống văn bản theo thẩm quyền được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, trong quá trình ban hành hệ thống văn bản các bộ, ngành đã bám sát vào các quy định của pháp luật, tuy nhiên, trong quá trình vận hành các văn bản hướng dẫn có một số vấn đề nảy sinh, có những nội dung là mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa phù hợp. Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, Chính phủ đã có công điện giao cho các bộ, ngành rà soát lại tất cả các văn bản này để đảm bảo tính thống nhất, liên thông, đồng bộ, phù hợp với các quy định pháp luật; cơ bản hiện nay các bộ, ngành ban hành xong tất cả các văn bản này.

Giải trình câu hỏi của đại biểu về hệ thống văn bản chính sách pháp luật về công tác dân tộc rất nhiều, có chồng chéo, mâu thuẫn, tản mát nhiều văn bản khác nhau, Bộ trưởng nêu rõ, công tác dân tộc nằm ở nhiều lĩnh vực, ngành khác nhau, nên một văn bản chính sách là lĩnh vực khác nhau nên vẫn cần thiết có hệ thống văn bản chuyên ngành, từng lĩnh vực, chứ không có một văn bản chung cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Bộ trưởng cũng khẳng định, hệ thống văn bản hiện nay ban hành tương đối đồng bộ và bám sát quy định pháp luật, sự chồng chéo, mâu thuẫn cũng không có nhiều, Chính phủ sẽ rà soát, điều chỉnh, sửa đổi.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng giải trình chất vấn của đại biểu về tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, theo đó Ủy ban Dân tộc đang chủ trì tổng kết để phân định vùng cao; tổng kết, đánh giá là tiêu chí phân định 3 khu vực để xác định, xây dựng và đề xuất một tiêu chí mới đảm bảo yếu tố về mặt địa hình, địa giới hành chính cả về trình độ phát triển để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phù hợp hơn trong giai đoạn tới.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí Hà Nội về ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc, Bộ trưởng cho biết, thực tế hiện nay đang diễn ra vấn đề này có nhiều dân tộc có một số dân tộc người dân tộc thiểu số không biết tiếng nói của mình, không biết chữ viết của mình. Hiện nay Chính phủ đã có rất nhiều chính sách, trong đó có Nghị định 82 của Chính phủ quy định về việc học và nói chữ viết trong cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đang triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên thiết kế chương trình để dạy tiếng nói, chữ viết…

8h27: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn

Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngoài các Chương trình mục tiêu quốc gia, còn có các đề án triển khai nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của các xã tuyến biên giới đất liền.

8h20: Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tranh luận

Về bố trí vốn, Bộ trưởng nêu rõ là giao hết cho địa phương, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhận thấy, xét về góc độ trách nhiệm thì không đúng. Vì Nghị quyết 120 đã giao bố trí vốn cho Chính phủ và Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì tổng hợp, theo dõi, giám sát. Nhưng đến nay, tại nghị trường, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này đã giao hết cho địa phương, đó là trách nhiệm của địa phương. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận thấy như vậy chưa ổn.

Về cơ cấu vốn, Nghị quyết 120 nêu rất rõ, vốn đầu tư 50, vốn sự nghiệp 54 và trong quá trình điều hành thì Chính phủ chịu trách nhiệm đôn đốc để tăng chi đầu tư. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, nhiệm vụ tăng chi đầu tư đã rất rõ, nhưng khi đọc Báo cáo số 100 của Chính phủ, việc phân bổ cho hội thảo, công tác tư vấn chưa hợp lý. Đại biểu cho rằng, trong lúc nguồn lực có hạn, người dân còn nhiều khó khăn và có nhiều nhu cầu cấp thiết, chúng ta đầu tư cho hội thảo và tư vấn là không hợp lý.

Dự án số 8 Hội liên hiệp phụ nữ thì Bộ trưởng không cần giải trình.

Về việc chưa phù hợp với văn bản hiện hành, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần trao đổi lại với Chính phủ về số liệu, quan điểm.

8h23: Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tranh luận

Tranh luận tại phiên họp về chính sách vùng dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đối tượng, theo địa bàn hay đan xen, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng điều này vẫn chưa đủ cho các vùng đặc thù như vùng biên giới.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng khu vực biên giới đa số là vùng dân tộc thiểu số, một số nơi là vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, vùng biên giới còn mang trọng trách là phên dậu của quốc gia, do đó phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới có vai trò quan trọng trong bảo vệ vùng biên cương của dân dân tộc.

Tuy nhiên, đối với khu vực đặc biệt khó khăn khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì không còn hưởng các chính sách theo địa bàn. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này? Các chính sách hiện nay đã đủ giữ chân đồng bào dân tộc và thu hút lao động đến các vùng biên giới hay chưa? Có nên có chính sách đặc thù cho vùng biên giới hay không?

8h25: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời nội dung tranh luận của ĐBQH

Trả lời tranh luận của ĐBQH Chu Thị Hồng Thái- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 33 và giải quyết khó khăn cho các đồng bào tại các tỉnh biên giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, hiện chúng ta có 25 tỉnh biên giới, đời sống kinh tế- xã hội của người dân tại các xã, huyện vùng biên giới của chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, địa hình xa, hiểm trở, mặc dù Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, vẫn cần nhiều chính sách hơn nữa để cải thiện đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cần đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 33 để có những chính sách phù hợp hơn, trong đó quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân... đồng thời góp phần gìn giữ biên cương.

8h28: Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tranh luận

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết việc triển khai cách Chương trình mục tiêu quốc gia theo kết quả giám sát cho thấy không thực sự hoàn thành như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nêu. Trong đó các văn bản có đến 87 điều khoản dẫn chiếu ở văn bản khác nhau trong các thông tư, nghị định hướng dẫn, có nội dung dẫn chiếu đến lần thứ 3, có nội dung dẫn chiếu đến nội dung không cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng làm rõ phân định miền núi vùng cao và phân định vùng dân tộc thiểu số là tương đối khác nhau. Việc phân định vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia không phải là nền tảng thực hiện chính sách dân tộc và chính sách miền núi được quy định trong Hiến pháp.

Liên quan đến tác động của Quyết định 861, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần có quy định về thời gian chuyển tiếp để thực hiện chính sách thay vì đợi các bộ ngành sửa đổi các văn bản liên quan đến 12 chính sách như đã nêu.

8h30: Đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tranh luận

Tham gia tranh luận tại phiên họp, qua theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng đối với ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Lâm Văn Đoan cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu rất rõ về vấn đề có sự mâu thuẫn các văn bản pháp luật.

Theo đại biểu, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản nhưng việc ban hành các văn bản thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ là trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc mà còn là trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành. Trong Tờ trình sửa đổi Nghị định số 27 cũng nêu, có sự mâu thuẫn trong việc Luật Đầu tư công không quy định trường hợp sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ một phần các hộ gia đình trong chương trình dân tộc thiểu số và miền núi. Do vậy, các địa phương chưa có đủ cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất thuộc dự án I của Chương trình này và chưa giải ngân được trong nguồn vốn của năm 2022 và năm 2023.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án này, Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Đầu tư công và đang chuẩn bị trình ban hành, đồng thời cũng phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, việc áp dụng Luật Ngân sách cũng có sự khác nhau. Cùng việc hỗ trợ về nhà ở, đối với chương trình giảm nghèo thì sử dụng vốn sự nghiệp, còn đối với chương trình dân tộc thiểu số sử dụng vốn đầu công. Đại biểu cho rằng có rất nhiều điều bất hợp lý trong việc áp dụng các đạo luật.

Ngoài ra, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều hôm qua (6/6), Bộ trưởng cũng chia sẻ về việc Chính phủ đang khẩn trương sửa đổi các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phân định lại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đại biểu cho rằng, bản chất của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 không phải là căn nguyên tạo ra vấn đề này; vấn đề vướng mắc trong việc bảo hiểm y tế thuộc về Luật Bảo hiểm y tế. Tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 có quy định, những người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng điều kiện đặc biệt khó khăn, người sinh sống tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thì thuộc đối tượng nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, Luật đã quy định nhưng Nghị định 146 lại quy định vấn đề này. Do vậy, nếu Chính phủ chỉ sửa đổi Nghị định 146 mà không sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế thì sẽ tạo ra sự mâu thuẫn về mặt

8h33: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Giải pháp đảm bảo hiệu quả đầu tư Chương trình 1719

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, Chương trình 1719 mới lần đầu tiên dành riêng cho đối tượng đồng bào DTTS&MN, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu hoàn thiện quy trình, thể chế, vận hành Chương trình. Mặc dù Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực nhưng đến năm 2022, Chương trình mới chính thức được tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Khi thực hiện trong năm 2022, một số chỉ tiêu, mục tiêu trong Nghị quyết số 120/2020/QH14 đã không còn phù hợp. Do vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tình trạng này, giải pháp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh hạn chế nguồn lực.

8h34: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Đã cơ bản giải quyết vướng mắc, chồng chéo về văn bản hướng dẫn

Trả lời ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, về triển khai các Thông tư, tại thời điểm Chính phủ có báo cáo với Đoàn giám sát tối cao của Quốc vào tháng 4/2023, còn một số văn bản thực hiện Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành.

Đến nay, các văn bản khó khăn, vướng mắc, nhất là của Ủy ban Dân tộc và Bộ Thông tin và Truyền thông đã được giải quyết, ban hành. Các văn bản khác cần sửa đổi, bổ sung với những vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn đã được các bộ ngành thống nhất giải quyết trên cơ sở pháp luật. Ủy ban Dân tộc sẽ bổ sung thêm kết quả, tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vào báo cáo lần 2 gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội.

Về phân định miền núi, vùng cao, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đây là việc đã được thực hiện từ năm 1989, bên cạnh việc phân định theo vùng còn có phân định theo trình độ phát triển. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc để đánh giá phân định miền núi vùng cao, đánh giá một số tiêu chí phân định khác, cần thực hiện việc đánh giá này thật toàn diện để có tiêu chí mới. Theo tiến độ, Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này vào tháng 9/2023.

8h40: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn

Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua tổng hợp ý kiến cho thấy, nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ sự sốt ruột và Quốc hội đã quyết định đưa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội.

Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới, Đoàn giám sát sẽ báo cáo vấn đề này với Quốc hội. Nếu nội dung nào cần đưa vào Nghị quyết để quyết sách vấn đề Chính phủ và các bộ ngành đề xuất sẽ Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6, cùng với kết quả giám sát, như vậy sẽ đầy đủ và thấu đáo hơn. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giải trình vấn đề đại biểu quan tâm về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

8h42: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trả lời trực tiếp, thẳng thắn, trách nhiệm và đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Về Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng nhận khuyết điểm trước Quốc hội và bà con đang sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vì Chương trình này và 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại thực hiện chậm.

Phó Thủ tướng cho biết, theo số liệu, đến 31/5/2023, phần vốn của năm 2022 cho chương trình này chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển, vốn của năm 2023 chỉ đạt được 17,01% vốn đầu tư phát triển. Chúng ta chỉ còn 2,5 năm để thực hiện giai đoạn 1 của dự án này, hơn nữa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình này đang sống ở biên cương, phên giậu của đất nước, đang chịu nhiều khó khăn để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Phó Thủ tướng nêu rõ, có một số vướng mắc chính trong việc triển khai chương trình. Trước hết, số lượng văn bản ban hành rất nhiều, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 Bộ, ngành trung ương, nên còn nhiều chồng chéo, xung đột.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 71, trong khoảng hơn 2 tháng, 18/18 bộ ngành đã có 59 văn bản trả lời, giải quyết được 261/339 thắc mắc của các cơ quan, địa phương. Với các nội dung còn lại, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 27, ban hành, điều chỉnh một số thông tư. Việc sửa đổi Nghị định 27 đang được gấp rút tiến hành, ngay trong hôm nay Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp giải trình báo cáo của Chính phủ, cố gắng ban hành trước ngày 15/6.

Thực tế ở địa phương cũng cho thấy, các địa phương không giải ngân được nhiều vốn trung ương, nhưng giải ngân được tỷ lệ lớn vốn đối ứng địa phương, điều đó cho thấy những quy định còn vướng mắc, gây khó khăn, nên việc tháo gỡ ở các quy định này sẽ tạo được tác động tốt. Thời gian tới, với sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ, hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc để Chương trình được giải ngân đúng theo yêu cầu.

8h51: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Tại phiên họp chiều qua và sáng nay, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực dân tộc thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Đã có 62 đại biểu đăng kí chất vấn, trong đó, có 35 đại biểu tham gia chất vấn với 28 đại biểu nêu câu hỏi và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 27 đại biểu đăng kí nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi chất vấn để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã chuẩn bị tốt nội dung, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất phương hướng nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chính sách dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022 và báo cáo của Ủy ban Dân tộc gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nên nhiều chuyển biến trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nước ta; góp phần tăng cường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc chậm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tập trung một là, quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.Hai là, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Ba là, sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021-2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Năm là, hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.

9h06: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về các vấn đề trọng tâm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Trong phiên chất vấn, Quốc hội có thể mời Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tư pháp, Công Thương cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

9h08: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt báo cáo một số nội dung thuộc lĩnh vực chất vấn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có cơ hội trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các nội dung chất vấn do Quốc hội đặt ra đều là các vấn đề căn cốt, trọng tâm của ngành khoa học, công nghệ. Do đó, đây là cơ hội quý báu để Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát lại việc triển khai các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công và giải trình với Quốc hội về việc thực thi chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng khẳng định, chất vấn là cơ hội để Bộ Khoa học và Công nghệ nắm bắt được các kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của cử tri cả nước thông qua các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, trong đó trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ đã đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cơ hội giải trình bằng báo cáo đối với các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và các đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội về các nội dung liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Để phục vụ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trên cơ sở nhóm vấn đề chất vấn của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuẩn bị báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Nội dung báo cáo đã khái quát các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đối với từng nhóm vấn đề mà Quốc hội yêu cầu.

9h11: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Nguyên nhân thị trường khoa học công nghệ Việt Nam chưa phát triển?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, để phát triển thị trường khoa học, công nghệ từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ?

Ngoài ra, theo báo cáo, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém. Đây là rào cản lớn đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách như nào để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?

9h13: Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Có bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước được ứng dụng?

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Bên cạnh đó, đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?

9h14: Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng: Giải pháp khuyến khích phát triển sáng chế từ công trình khoa học nghiên cứu trong nước?

Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho biết, kết quả từ nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất kinh doanh luôn tồn tại rủi ro. Các sản phẩm không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, việc sử dụng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo dễ bị vi phạm các quy định của pháp luật về tài chính và đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề tương quan của các chính sách pháp luật có liên quan, qua đó khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học nghiên cứu ở trong nước?

9h15: Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng: Nguyên nhân chậm triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị?

Đại biểu Trần Chí Cường cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 ngày 17/4/2020 về việc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, gần bốn năm, qua nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và Bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?

9h16: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Điều chỉnh cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ nước ngoài cho doanh nghiệp trong nước

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Về vấn đề liên quan đến trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này. Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.

Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành. Dù hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.

9h29: Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Giải pháp để tổ chức khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ trưởng cho biết Nhà nước đã có giải pháp, chính sách gì để tổ chức khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực hiệu quả trong thời gian tới, đảm bảo vai trò đi đầu, đủ khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, dẫn dắt nền sản xuất trong nước.

9h30: Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBHQ tỉnh Lào Cai: Giải pháp xử lý vấn đề tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, vấn đề hóa chất, phân bón

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nêu rõ, vấn đề xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, vấn đề hóa chất, phân bón trong thời gian qua đã gây bức xúc của nhiều địa phương trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành để xử lý vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và giải pháp cụ thể với các vấn đề như trên.

9h31: Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Giải trình, làm rõ các bất cập trong phân bổ kinh phí

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá hiệu quả và nêu rõ các số liệu liên quan đến chi đầu tư phát triển và tổng chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ từ năm 2017 cho đến nay? Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ vì sao tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp trong lĩnh vực này còn dàn trải, hoặc phân bổ nhiều lần. Điều này có gây ra lãng phí hay không? Trách nhiệm thuộc về ai và khi nào các vấn đề này có thể xử lý được?

9h32: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Giải pháp ứng dụng công nghệ cao rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết góp phần giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động. Tuy nhiên thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn có nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp giúp ứng dụng công nghệ cao rộng khắp để giúp nâng cao năng suất lao động và đời sống cho bà con nông dân.

9h33: Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quang Nam: Trách nhiệm đối với các đề tài khoa học có tính ứng dụng thấp

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBQH cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho các chương trình khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

9h54: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn: Đề nghị ban hành Nghị định riêng cho tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Trả lời về giải pháp tăng cường phát minh sáng chế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ nhận thức được ý nghĩa của điều này Bộ Khoa học và Công nghệ hình thành tổ công tác sửa thông tư để tổ chức sửa đổi hệ thống bảo đảm tính thống nhất trong đó hướng đến tính thực tiễn giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng kí phát minh sáng chế. Luật Khoa học công nghệ có quy định cho phép chủ nhiệm đề tài đăng kí trong khi thực hiện đề tài.

Trả lời đại biểu Huỳnh Thanh Phương về khó khăn vướng mặc thực hiện tự chủ tài chính cho tổ chức đơn vị sự nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Nghị định 60 tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp phát huy tự chủ thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên đơn vị sự nghiệp ở nhiều lĩnh vực với mỗi hệ thống có tính chất khác nhau. Nghị định 60 không điều chỉnh được đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ như trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển, nghiên cứu triển khai. Do đó, Bộ đã kiến ghị Chính phủ xem xét cho xây dựng Nghị định riêng cho tự chủ các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng tự chủ toàn diện hơn về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ tài chính, quản lý tài sản.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lam, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, tro xỉ thải của nhiệt điện ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe người dân nên Chính phủ đã giao Bộ có giải pháp xử lý hạn chế tối đa ảnh hưởng. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng để sử dụng tro xỉ cho các vật liệu xây dựng, vật liệu bê tông. Nhiều năm qua Bộ tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định danh mục, lộ trình, các thiết bị phát điện hiệu suất thấp, trong đó có nhà máy nhiệt điện hiệu suất thấp; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu năng lượng mới bổ sung nguồn điện thiết sót cho nhiệt điện.

Trả lời đại biểu về khung số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ và trần ngân sách, Bộ đã đề ra giải pháp để thời gian tới để số nhiệm vụ và số tiền chi cho nhiệm vụ khoa học công nghệ bảo đảm hiệu quả, bố trí phù hợp. Theo đó tái cơ câu nhiệm vụ cấp quốc gia, phê duyệt 19 chương trình với mục tiêu, dự kiến nội dung, yêu cầu…làm cơ sở để hình thành khung và trần ngân sách bố trí.

Trả lời câu hỏi về ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên thời gian qua Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai để có giải pháp ứng dụng và có hiệu quả cho phát triển nổng nghiệp. Bộ trưởng chỉ rõ một số kết quả ban đầu và số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có phần đóng góp của khoa học công nghệ cao.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng chia sẻ ứng dụng công nghệ cao còn nhiều rào cản do cần nhiều nguồn vốn, cần được quan tâm hơn. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nay còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Do đo, thời gian tới, Bộ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm phát triển đúng mục tiêu hỗ trợ khoa học công nghệ; đồng thời Bộ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chương trình cấp quốc gia phát triển công nghệ cao.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho hay, lĩnh vực khoa học công nghệ có tính đặc thù, có rủi ro và độ trễ, việc thống kê số liệu bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn là điều rất khó. Có những đề tài phải nhiều năm sau này mới phát huy giá trị, có những đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, có đề tài nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu phát triển. Về số liệu chính thức, tuy nhiên việc thống kê này cũng tương đối khó khăn, Bộ sẽ có thống kê chính xác hơn để phục vụ cho các đại biểu Quốc hội một cách thỏa đáng.

10h08: Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Giải pháp và trách nhiệm của Bộ giải quyết tình trạng xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sử dụng công nghiệp chậm trễ

Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, mấy năm gần đây, người dân và doanh nghiệp rất bức xúc, than phiền về tình trạng xử lý, giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sử dụng công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ và kéo dài và đặc biệt lđối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí sẽ dẫn đến những tranh chấp về thương mại.

Do vậỵ, đại biểu Đinh Ngọc Quý đề nghị Bộ trưởng cho biết về trách nhiệm của mình trong việc này và giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Về nội dung thứ hai, đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu rõ, khi ban hành Luật Khoa học và công nghệ, một trong những quy định mới là đổi mới về tài chính khoa học và công nghệ nhằm huy động nguồn lực ngoài Nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, một số quy định chưa được ban hành như việc trích lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ, chưa ban hành được quy định quản lý và sử dụng tài trợ về hoạt động khoa học, công nghệ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

10h09: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Nhiệm vụ và giải pháp trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ

Cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nước ta còn khiêm tốn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước, khu vực và thế giới trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Đại biểu cũng đề nghị chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

10h11: Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tranh luận

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, điểm “kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam.

Theo đại biểu, thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…

10h13: Đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tranh luận

Phát biểu tranh luận, ĐBQH Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đặt vấn đề về công tác phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu cho biết, hiện có một sản phẩm kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi mà Bộ Y tế cho phép tồn dư trong thịt, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì không cho phép sử dụng sản phẩm này trong thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại cho phép nhập thịt bò có chứa chất này. Từ thực tiễn này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề này.

10h15: Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng: Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo?

Quan tâm về việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Chí Cường cho biết, đây là mong mỏi lớn của cử tri Đà Nẵng, tuy nhiên Bộ trưởng chưa trả lời nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, của Bộ trưởng trong việc thực hiện chủ trương này, bởi sau khi có Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết 50, Quyết định 188 để điều chỉnh vấn đề này, tuy TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực cố gắng làm việc với Bộ, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được trung tâm này.

10h17: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về sự chậm trễ thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trả lời tranh luận của đại biểu Lê Thanh Vân và chất vấn của đại biểu Trần Chí Cường, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tiếp thu ý kiến gợi ý của đại biểu Lê Thanh Vân và cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ trình đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Trần Chí Cường về thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về sự chậm trễ như đại biểu nêu; mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.

Theo dự kiến, cuối tháng 6/2023 làm việc với TP Đà Nẵng, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.

10h20: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn

Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ trương chung là Chính phủ ưu tiên thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay đã có chủ trương và đã ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, đã xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trong thời gian tới sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó triển khai tại các vùng. Đồng thời, khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các trung tâm nghiên cứu và triển khai, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, bước đầu có kết quả tốt.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ Tập đoàn Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội, là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, có điều kiện triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng, như tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng khác.

10h24: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc tồn đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhất là đơn về nhãn hiệu, đơn về sáng chế, cho thấy điều đáng mừng là kinh tế - xã hội phát triển, các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu sáng chế cao. Tuy nhiên, khả năng xử lý đơn của đơn vị trực thuộc Bộ chậm do số lượng đơn tăng và cũng là lĩnh vực mới. Hơn nữa đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, nhất là thủ tục, quy trình tiếp cận của các quốc gia; có sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số 3. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa được đẩy mạnh tuyển dụng và đào tạo, dẫn đến việc đơn xin cấp nhãn hiệu và sáng chế ngày càng nhiều, cần tập trung giải quyết, khiến chỉ số cải cách hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ thấp…

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung xử lý đơn, nhất là số tồn đọng, khắc phục tình trạng chậm trễ trong xử lý đơn. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận đơn và xét chọn, phân cấp cho các địa phương và các Sở Khoa học và Công nghệ để chia sẻ khối lượng công việc; đồng thời tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ này. Dự kiến, đến năm 2025-2026 mới giải quyết được tình trạng này, bởi số đơn đang tồn đọng rất nhiều.

10h29: Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tranh luận

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bộ trưởng có chia sẻ đây là lần đầu tiên có mô hình đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói rõ về vấn đề này.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, qua 4 năm hoạt động, từ năm 2019 đến nay Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã rút ra kinh nghiệm như nào để có thể ứng dụng trong các trung tâm mới một cách thực chất để phát triển được khoa học, công nghệ. Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thêm kinh nghiệm về mô hình này.

Ngoài ra, Bộ trưởng có nhận định coi nhân tài là hướng để phát triển khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, việc thực hiện còn khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới đây sẽ phương án như nào để chiêu mộ nhân tài về Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc.

10h30: Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Đánh giá thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cho rằng trong báo cáo của Bộ phản ánh, việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, chưa phát huy được vai trò hạt nhân, lan tỏa, thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng và của cả khu vực, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị Bộ trưởng đánh giá cụ thể thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Bộ sẽ làm gì để giúp cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy được xứng tầm, đáp ứng được kỳ vọng và góp phần tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp. Nội dung này đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ thêm.

10h32: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thêm một số thông tin để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể báo cáo thêm với Quốc hội. Về khu nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua phản ánh của nhiều địa phương, chúng ta cần phải tính toán kỹ. Ví dụ như Đà Lạt hay cả tỉnh Lâm Đồng đều làm nông nghiệp công nghệ cao. Khi chúng ta xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng vào đó nhiều nhưng các doanh nghiệp đầu tư chủ yếu vào vườn ươm khoa học, công nghệ, nơi sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi hoặc những nơi trình diễn khoa học, công nghệ… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, hiệu quả phát huy còn thấp.

“Bây giờ chúng ta khoanh vùng khu nông nghiệp công nghệ cao, dùng tiền của Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng vào đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào đó thì liệu có hiệu quả hay không? Hay vấn đề ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào những vùng, khu vực được quy hoạch nhưng chúng ta không gọi là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì đang có ý kiến khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hy vọng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, các Bộ có liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thêm ý kiến đối với các nội dung quan trọng này.

10h34: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Khảo sát thực tế để triển khai lan tỏa ra các Trung tâm ở nhiều địa phương khác

Trao đổi với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Trung tâm đổi mới sáng tạo đã được thành lập tại Hòa Lạc, Hà Nội, qua khảo sát thực tế, Trung tâm có nhiều mô hình, cách làm đáng học tập để triển khai lan tỏa ra các trung tâm ở các địa phương khác. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, cần có sự điều chỉnh đề phù hợp nhất với các địa phương.

Bộ trưởng cho biết, kinh nghiệm rút ra từ Trung tâm đổi mới sáng tạo Hà Nội là có những chính sách đặc thù cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có chính sách giảm thuế, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư.

Về thu hút nhân tài, Bộ trưởng cho biết đây là điều trăn trở lớn, bởi khi triển khai ở cơ sở thì gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về công chức, viên chức, tài chính. Vừa qua, triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ được giao xây dựng đề án. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng Bộ sẽ cố gắng để đề án thu hút được những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về làm việc một cách hiệu quả nhất.

Về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, Bộ sẽ sửa Nghị định về khu công nghệ cao để mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này. Các bộ, ngành liên quan cũng có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nghị định, Bộ trưởng hy vọng nghị định sẽ đi vào cuộc sống, góp phần phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

10h40: Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực cho khoa học công nghệ

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBQH Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta luôn dành nguồn lực lớn cho phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên vấn đề sử dụng nguồn lực này như thế nào vẫn còn nhiều bất cập. Hiện trong tổng kinh phí dành cho khoa học công nghệ, chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu, còn lại dành cho chi bộ máy, chi thường xuyên… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong những năm tới cho vấn đề này như thế nào?

10h41: Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: Cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển khoa học công nghệ. Theo đó, rất cần có sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học còn băn khoăn về những cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này?

10h42: Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết giữa các trường Đại học và các doanh nghiệp

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay việc liên kết đào tạo giữa các trường đại học và các doanh nghiệp đã trở thành một xu thế chung của thế giới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên việc liên kết, hợp tác này ở nước ta còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.

10h43: Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Làm rõ nguyên nhân liên quan đến nhận thức về phát triển khoa học công nghệ

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, một trong những nguyên nhân tồn tại trong việc phát triển khoa học công nghệ là vấn đề nhận thức. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng giải trình, làm rõ vì sao vấn đề này lại tồn tại, chưa lan tỏa đến các cấp có trách nhiệm và giải pháp cho vấn đề này.

10h44: Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Phân bổ kinh phí cho các địa phương phục vụ hoạt động công nghệ duy trì ở mức thấp

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, trong nhiều năm qua, nguồn kinh phí Trung ương phân bổ cho các địa phương phục vụ cho hoạt động khoa học công nghệ duy trì ở mức thấp, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hoạt động khoa học và công nghệ ở nhiều tỉnh.

Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Bộ trưởng có định hướng, giải pháp gì về việc ưu tiên cân đối phân bổ nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn?

10h45: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Sửa đổi quy định phù hợp với tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành khoa học công nghệ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ đang tiến hành sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ một cách đồng loạt để đảm bảo các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau. Hiện nay, các thông tư cơ bản đã được hoàn thành. Vừa qua, Bộ đã ban hành 5 thông tư mới, đồng bộ với việc tái cơ cấu các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia.

Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đã bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong 2 năm tiếp theo. Điều này thể hiện Bộ rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành khoa học công nghệ để có những quy định tiến bộ, phù hợp.

Nhấn mạnh khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng, Bộ trưởng cho biết Bộ hết sức cố gắng để động viên các nhà khoa học tham gia một cách tích cực vào các hoạt động thiên chức của mình là nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cũng kiến nghị các cấp chính quyền tin tưởng hơn nữa, giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế hơn nữa cho các nhà khoa học một cách thỏa đáng để lực lượng này phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 27 để đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán để giảm bớt hồ sơ, thủ tục thanh toán, để khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm sau cùng, tránh tình trạng hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến tính đặc thù về kinh tế, tài chính của lĩnh vực khoa học, công nghệ, bởi nghiên cứu khoa học không thể tính toán định lượng chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, rất khó để xây dựng định mức, tính toán hiệu quả, lợi nhuận.

Bộ trưởng cho biết, một trong các giải pháp cần thực hiện là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về phương thức họp, kiểm tra, đánh giá, sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung để tăng hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong quá trình quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Về việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp khoa học ở các vùng khó khăn, Bộ trưởng cho biết, hàng năm, trên cơ sở tổng hợp, rà soát, đề xuất nhu cầu, kinh phí năm kế hoạch của các địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Bộ Tài chính về nguyên tắc, phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương theo các tiêu chí. Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất mức tăng kinh phí hàng năm từ 5 đến 10% tùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương để gửi Bộ Tài chính xem xét, bố trí thích hợp, quan tâm đến những vùng khó khăn. Với các tỉnh miền núi khó khăn, Bộ có sự ưu tiên trong phân bổ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định về ngân sách và chu kỳ ổn định phân bố ngân sách.

11h00: Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Giải pháp cho việc chiếu xạ hoa quả xuất khẩu?

Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho biết, yêu cầu chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường một số nước, trong đó có Hoa Kỳ. Trong những năm qua, quả vải của tỉnh Bắc Giang luôn phải đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh để chiếu xạ làm cho chi phí thời gian và giá thành đội lên. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp gì cho việc chiếu xạ quả vải cũng như nhiều loại quả khác ở khu vực phía Bắc để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường một số nước trong thời gian tới?

11h01: Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ

Đại biểu Dương Minh Ánh nêu rõ, cho ý kiến cho rằng, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cho đến nay, gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi nguồn lực dành cho khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ, cơ cấu chi của Quỹ còn bất hợp lý. Nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%. Trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu là do không có sự tương thích đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về nội dung này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ như thế nào và giải pháp để khắc phục tình trạng trên ra sao?

11h02: Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Lộ trình chuyển đổi công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, theo quy hoạch điện VIII sẽ không xây dựng nhà máy điện, nhiệt điện than sau năm 2030, điện khí sau năm 2035. Việc sử dụng năng lượng hóa thạch sẽ phải chuyển dần sang công nghệ đốt kèm sinh khối khí hydro. Hiện nay, một số nhà máy nhiệt điện than vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, không đáp ứng nhu cầu chuyển đổi hoặc nếu có thì công suất sản xuất điện sẽ suy giảm mạnh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, lộ trình chuyển đổi công nghệ để đạt mục tiêu đến năm 2050 các nhà máy nhiệt điện than sẽ không đốt than? Đại biểu cũng gửi câu hỏi trên đến Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, qua giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chỉ ra lãng phí trong đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại bộ, ngành, nhất là các địa phương. Mặt khác, do không có số liệu chi đầu tư phát triển nên không đánh giá được đạt hay không đạt số vốn ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm có đúng quy định mức tối thiểu 2% theo Nghị quyết 20 và Luật Khoa học, ông nghệ hay không? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn vấn đề này!

11h03: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tranh luận

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân và đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về vấn đề cốt lõi phát triển khoa học, công nghệ và vấn đề nhân tài, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng còn tương đối khái quát nên đại biểu muốn nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng hơn nữa, đó là vấn đề các nhà khoa học đầu ngành.

Trong báo cáo của Bộ có nêu, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức thối. Bởi vì trong Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI năm 2012, Nghị quyết đã nêu rõ là phải tăng cường phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành.

Qua khảo sát tại các trường, các Viện nghiên cứu, đại biểu nhận thấy rõ sự hụt hẫng này của đội ngũ này. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, tại sao trong thời chiến tranh, thời kỳ bao cấp, kinh tế rất khó khăn, thông tin ít nhưng rất tự hào vì có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Còn bây giờ, trong điều kiện công nghệ phẳng, tiếp cận với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã đã tốt hơn nhiều, đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng băn khoăn: Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê trong các lĩnh vực khoa học của đất nước ta, các trường, các Viện thiếu những lĩnh vực nào, thiếu bao nhiêu các nhà khoa học đầu ngành, lĩnh vực nào có các nhà khoa học đầu ngành. Đại biểu cho rằng, nếu không có sự cặn kẽ, chi tiết như vậy thì rất lo rằng, sau phiên chất vấn, vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành sẽ lại tiếp tục nêu lên.

“Khoa học cần những sản phẩm rất cụ thể, cần những giải pháp rất cặn kẽ, đi vào con người, đi vào chính sách, đi vào đơn vị. Tôi nghĩ Bộ Khoa học và Công nghệ và tiềm lực của đất nước chúng ta cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu thì đây là thời cơ để chúng ta giải quyết vấn đề này một cách căn cơ”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

11h05: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tranh luận

Phát biểu tranh luận, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ là vấn đề quan trọng, hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải ngân Quỹ này rất chậm, quá trình các nhà khoa học nhận được kinh phí từ Quỹ để áp dụng nghiên cứu là rất khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần làm rõ vấn đề này.

Bên cạnh đó, ngoài Quỹ của nhà nước, Quỹ của doanh nghiệp lập ra cho phát triển khoa học công nghệ có số lượng thành viên tham gia cũng rất hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về những giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới.

11h07: Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tranh luận

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về doanh nghiệp vừa và lớn chưa mặn mà với đề tài khoa học, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học, có giải thưởng hay ký hợp đồng với các nhà khoa học về nghiên cứu khoa học ứng dụng.

Về vấn đề rủi ro trong khoa học, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng cần phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản thì mới phát triển lâu dài, do đó, Nhà nước cần phải chia sẻ rủi ro với việc nghiên cứu khoa học.

11h10: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Cần thống nhất cách hiểu đúng về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm rõ hiện có nhầm lẫn giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghiệp, dẫn đến quy hoạch các khu để kêu gọi đầu tư nhà máy, nhà lưới, tự động hóa. Cần hiểu đúng bản chất về khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất về nông nghiệp. Đây không phải nơi chỉ sản xuất, sản xuất chỉ là phụ. Từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra vùng nông nghiệp, chuyển giao cho bà con nông dân theo từng mức độ.

Đồng thời cần phân biệt thế nào là cao, công nghệ cao. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết một số quốc gia sử dụng là nông nghiệp công nghệ, tức bất kì công nghề nào phù hợp với năng lực sản xuất, trình độ sản xuất ở từng thời gian tạo giá trị chất lượng tối ưu để cạnh tranh trên thị trường, tạo thu nhập cho người nông dân.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hoan nêu rõ, không thể lấy mô hình của các tập đoàn như TH hay Lộc Trời để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó cho từng hộ nông dân trồng lúa, ở đồng bằng sông Cửu Long; tương tự như vậy trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh có chung thống nhất như trên để từ đó mới có thể xác định cách thức hợp tác, phương thức đầu tư, quản trị… Bộ trưởng cho biết đến nay có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhất, đúng bản chất nhất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hồ Chí Minh nghiên cứu thực nghiệm lan tỏa và đào tạo tiếp nhận thành tựu. Lõi của khu nông nghiệp cao phải từ viện trường và các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả và chuyển giao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết giải pháp trong thời gian tới đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người nông dân. Bộ sẵn sàng tạo kích hoạt, mở ra thị trường chuyển giao sản phẩm nghiên cứu. Bộ trưởng cũng cho rằng cần nhìn nông nghiệp công nghệ cao ở đặc thù nước ta để tìm ra hướng đi phù hợp, làm ở mức độ vừa phải phù hợp với tình hình.

11h20: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Trả lời đại biểu về việc chiếu xạ vải tại Bắc Giang phải đưa vào TP Hồ Chí Minh và Long An để chiếu xạ, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đàm phán với phía Mỹ và bước đầu đạt được kết quả bước đầu và có thể tiến hành chiếu xạ tại khu vực phía Bắc, góp phần giảm chi phí.

Đối với Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo quy định, doanh nghiệp trích kinh phí cho Quỹ này. Giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp trích quỹ là 1.281, chiếm 0,14% trên tổng số doanh nghiệp cả nước, giải ngân chỉ đạt 60%. Việc trích quỹ thực hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, trong khi đó phương thức để trích lập và sử dụng quỹ còn khó khăn nên việc trích lập quỹ không được nhiều doanh nghiệp thực hiện.

Mặc dù Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư nhưng đến nay chưa thút hút thêm các doanh nghiệp tiến hành trích lập quỹ. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội có chính sách hiệu quả hơn, trong đó cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc đẻ phục vụ sản xuất kinh doanh, có như vậy, việc miễn giảm thuế mới thu hút được các doanh nghiệp.

11h28: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương và một số ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ sẽ trả lời vào buổi chiều. Trong chiều nay, Quốc hội sẽ dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ tham gia phát biểu giải trình về vấn đề bố trí ngân sách và thủ tục thanh quyết toán đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương quan với các chính sách khoa học công nghệ.

Theo Cổng TTĐT Quốc hội


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết