Kính thưa đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư!
Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương!
Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!
Thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể hội nghị!
Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tới dự Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, khẳng định khát vọng, tầm nhìn và mở rộng không gian, chỉ ra các động lực phát triển, để Thanh Hóa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, vững vàng trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, tôi trân trọng cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp, đồng hành để Thanh Hóa có được 01 bản quy hoạch với chất lượng tốt nhất và là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể hội nghị!
Như chúng ta đều biết, công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được ví như người công binh mở đường, quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần khẳng định “Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt”.
Xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo ra khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; ngay sau khi Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực thi hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác lập quy hoạch. Quá trình lập quy hoạch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan của tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh lân cận và các tỉnh, thành phố là cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch Trung ương thông qua, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153 ngày 27/02/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp đó, ngày 17/3/2023, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259, là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đây là sự kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh, các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương để chúng ta có được bản quy hoạch chất lượng, khả thi được công bố tại Hội nghị hôm nay.
Thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể hội nghị!
Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng mới là kết quả bước đầu.
Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng Thanh Hóa phát triển trở thành hiện thực, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch. Ngay sau hội nghị này, các ban, sở, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần làm tốt công tác truyền thông, công bố, công khai nội dung quy hoạch đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương… trên tất cả các nền tảng thông tin để cán bộ, công chức, viên chức, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn dân hiểu được khát vọng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông tăng cường thời lượng, mở các chuyên mục, trang tin, đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải thông tin, tuyên truyền những nội dung cơ bản của quy hoạch đến với đông đảo công chúng.
Thứ hai, trên cơ sở nội dung quy hoạch; các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các cấp, các ngành chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch.
Thứ ba, khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối cao tốc Bắc – Nam với các vùng kinh tế động lực, các dự án hạ tầng cung cấp điện, nước sạch, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng xã hội cấp tỉnh, cấp huyện… Thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nâng cao hiệu quả các dự án khai thác quỹ đất để tạo nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì ở thứ hạng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2023 và các năm tiếp theo. Tổ chức thực hiện tốt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (DDCI), tạo môi trường thuận lợi xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Trong lĩnh vực công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển theo các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực dịch vụ, phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Tập trung phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh với 03 loại hình chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa; đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn về du lịch của cả nước.
Thứ năm, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực, chất lượng, uy tín các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đào tạo, dạy nghề. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo, dạy nghề, đẩy mạnh cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo của tỉnh với các cơ sở trong và ngoài nước trong đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các ngành nghề trọng điểm.
Đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong nước và quốc tế để đề xuất thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính đột phá, thúc đẩy việc nghiên cứu, khoa học - công nghệ trong tỉnh phát triển. Tập trung phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ; đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Thông tin ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ Thanh Hóa; hỗ trợ, kết nối các chương trình, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả...
Thứ sáu, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm về môi trường và khôi phục hiện trạng môi trường, nhất là những vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài, các khu xử lý rác thải tập trung, không để phát sinh thêm các điểm ô nhiễm môi trường mới. Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là các tài nguyên không tái tạo. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể hội nghị!
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, được thông qua thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa. Kính mong trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí để thực hiện thành công quy hoạch, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh kiểu mẫu của cả nước.
Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin chúc các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cùng toàn thể các vị đại biểu, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúng ta cùng nhau thi đua, quyết tâm đưa nhanh các nội dung Quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn!
—
(* Đầu đề là của Tòa soạn).