Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị. (Ảnh TTXVN)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự hội nghị. Ảnh (TTXVN)
Cùng dự và chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; lãnh đạo các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Trung ương Đảng đến các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, nêu rõ: Ngày 10-5-2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Đến đầu tháng 8-2022 đã có 63/63 Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, thành phố được thành lập. Sau 1 năm, hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nổi bật là đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, xã hội quan tâm ở từng địa phương. Đó là đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC được quan tâm; vai trò của MTTQ, của báo chí và Nhân dân trong PCTNTC đã được các Ban Chỉ đạo phát huy. Cùng với tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài Hội nghị toàn quốc do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, đã có 37/63 tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp xã, số người dự hội nghị lên đến hàng chục nghìn đại biểu/hội nghị.
Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo các địa phương đã kịp thời nắm bắt và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương. Đến nay có 28/63 Ban Chỉ đạo đã ban hành xong các quy định, quy trình nghiệp vụ; trong đó có 24 Ban Chỉ đạo đã ban hành quy định, quy trình về kiểm tra, giám sát.
Mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc ban đầu, nhưng các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được rút ra qua tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhất là đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết. Hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh từng bước đi vào nền nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia vào công tác PCTNTC. Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh sau 1 năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác PCTNTC ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây.
Hội nghị đã thảo luận đánh giá toàn diện 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Trong đó, khẳng định sự cần thiết và đúng đắn của chủ trương thành lập các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở địa phương. Đồng thời, thống nhất đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đấu tranh PCTNTC; thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt là các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC và các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương và của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã khẳng định, qua kết quả 1 năm được thành lập và đi vào hoạt động là cơ sở thực tiễn cho thấy chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh sau 1 năm thành lập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác PCTNTC. Trong đó, trọng tâm là có chủ trương, nghị quyết đúng; có sự đồng thuận cao, với sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và của Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh TTXVN)
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa về vị trí, ý nghĩa, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tầm quan trọng của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Đồng thời cần hoạt động khoa học, chặt chẽ, bài bản nền nếp, theo đúng chức năng, nhiệm vụ công tác có kết quả cụ thể, rõ ràng. Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, do đó, yêu cầu từng thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong đấu tranh PCTNTC, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Tiếp tục lãnh đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên; chỉ đạo khắc phục tư tưởng sợ sai, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý dứt điểm những điểm nghẽn, vấn đề bức xúc dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm từ sớm, từ xa; tập trung vào lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cần kết hợp giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính với xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan đại biểu dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong công tác PCTNTC; tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp, vai trò giám sát phản biện của MTTQ tỉnh; chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong PCTNTC.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh và các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh trước hết phải thực sự là những người gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, kiên quyết đấu tranh PCTNTC vì lợi ích chung. Đồng thời, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy phải chủ động sáng tạo quyết liệt, đổi mới cách làm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; chú trọng tham mưu nghiên cứu những vấn đề lớn, dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả PCTNTC ở địa phương...