• :
  • :

Sức sống làng nghề mộc Đạt Tài

Sức sống làng nghề mộc Đạt TàiÔng Quế là người hiếm hoi tại làng nghề mộc Đạt Tài còn giữ nghề mộc thủ công truyền thống.

Kính nghề, giữ nghiệp

Ngày mới ở làng Đạt Tài, bắt đầu bằng tiếng kêu xèn xẹt của lưỡi cưa nghiến vào thớ gỗ; tiếng đục chạm phát ra từ các xưởng mộc. Chúng như một mạch nguồn sống, minh chứng cho sự tồn tại của một làng nghề đã có truyền thống hàng trăm năm tuổi.

Đời nối đời, người dân Đạt Tài với bản tính chăm chỉ, chất phác lại thông minh nhạy bén đã gìn giữ và bảo vệ nghề mộc như một báu vật của làng. Hơn nữa còn sáng tạo hơn lên và cho đến hôm nay, người dân làng Đạt Tài không những đã nối nghiệp ông tổ nghề mà còn vinh dự đưa sản phẩm của mình đi xa, tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bí quyết chính là sự tỉ mỉ trong việc chọn chất liệu gỗ; sự tinh tế trong từng nhát đục đẽo để tạo nên những hoa văn vừa cầu kỳ, vừa còn nguyên đường vân gỗ rất tự nhiên.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Trọng Quế khi ông đang mải miết tay dùi, tay đục tạo tác trên mặt gỗ. Những khúc gỗ lim, táu mật... nằm ngổn ngang ngoài sân. Sinh ra trong cái nôi nghề mộc, ông Quế được tiếp xúc với gỗ, với đục, với bào từ khi mới chập chững biết đi. Ông biết cầm đục, cầm búa trước khi biết chữ. Lớn lên, ông nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Trở về khi đã ngoài 30 tuổi, ông chính thức gia nhập giới thợ đục. Ban đầu, làm nghề với ông chỉ với mục đích mưu sinh, bởi theo như các cụ nói: “Cái nghề này tuy không kiếm ra nhiều tiền, nhưng đi đến đâu rất được người dân quý...”. Nhưng không biết từ bao giờ mà ông trở nên yêu nghề, say nghề và từ đó không ngừng học hỏi, sáng tạo và gìn giữ nghề truyền thống đến hôm nay. “Có lẽ cái nghề của tôi vốn đã ngấm vào máu rồi, kể từ những ngày theo bố đi chăn trâu, được bố đẽo cho con chim, con rồng để chơi. Bố vừa đẽo vừa giải thích từng đường đục, mũi đẽo, tỷ lệ cho từng bức tượng để rồi bây giờ tôi ngày một say mê hơn với đục, đẽo và những âm thanh lách cách...”, ông Quế trầm ngâm.

Cổ trạch mà gia đình ông Quế đang ở có niên đại cũng ngót trăm năm. Ngoài trời nắng như đổ lửa nhưng bên trong nhà lại mát mẻ lạ thường. Đặt ngay giữa nhà, giá ngà bằng gỗ được đục, đẽo rồng, phượng bắt mắt. Trái nhà, ông đặt một bộ bàn ghế gỗ cổ thiết kế theo phong cách dân gian, một bộ ngai thờ với đầy đủ bức hoành phi, câu đối và những con chim hạc. Mọi vật dụng được bài trí trong nhà đều rất ngăn nắp và khoa học. Ông bảo, những ngôi nhà truyền thống thường không bố trí nhiều vách ngăn, tạo ra không gian cộng đồng ấm cúng của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, người Bắc bộ khá cầu kỳ trong nếp ăn ở nên khi xây dựng một ngôi nhà, người ta tính toán từ vị trí đặt viên đá mài đến gian thờ tự. Bởi, coi bếp là biết nết đàn bà, coi nhà là biết đàn ông thế nào. Một ngôi nhà truyền thống ngoài chức năng che mưa nắng còn có chức năng giáo dục. Mỗi gia đình có những giáo lý riêng làm nền tảng để phát triển và gìn giữ tổ ấm. Nhìn vào bức hoành phi câu đối là biết ý chí của một dòng tộc.

Gần 40 năm đam mê với nghề đục đẽo, có lẽ điều khiến ông vui và hạnh phúc nhất chính là việc các con, các cháu của mình đều theo nghề gia truyền và cũng nặng lòng với từng thớ gỗ như chính ông vậy. Ông Quế có 2 người con trai thì cả 2 đều theo nghề mộc, 1 trong số đó vẫn duy trì nghề mộc thủ công. Ông chia sẻ: “Tuy không khá giả cho lắm, nhưng có công có việc cả đời và ít va chạm với mặt trái của xã hội, đấy chính là điều mà ông cho là hạnh phúc nhất”.

Đi để trở về

Kinh tế suy thoái, rất nhiều làng nghề truyền thống gặp khó khăn, làng nghề mộc Đạt Tài cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khía cạnh tích cực thì nó cũng góp phần tạo động lực đổi mới hoạt động, nó như một cuộc “chọn lọc tự nhiên”, thúc đẩy người làm nghề chuyển hướng.

Sức sống làng nghề mộc Đạt TàiSản phẩm thủ công của các nghệ nhân làng nghề mộc Đạt Tài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân về đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và cạnh tranh giá thành, nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Đạt Tài đã đầu tư máy móc, thiết bị để chuyên môn hóa các khâu sản xuất từ khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào đến việc đánh bóng, phun sơn... góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị thu nhập. Các sản phẩm từ mộc dân dụng như: bàn ghế, giường tủ, cánh cửa đến các sản phẩm mộc mỹ nghệ tinh xảo như: tủ thờ, án gian, cuốn thư, hoành phi, câu đối... đều bảo đảm về chất lượng, mẫu mã. Đặc biệt, các loại sập gụ, tủ chè, bàn ghế cổ, đồ thờ... đã được những người thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại, khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế... được khách hàng ưa chuộng. Chợ online, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... được các ông chủ trẻ, nhanh nhạy về công nghệ tận dụng tối đa để giới thiệu mẫu, giao dịch. Loại hình kinh doanh này giúp người mua và người bán tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại, vận chuyển, mặt bằng... nhờ thế mà giá thành sản phẩm cũng cạnh tranh hơn.

Chọn cho mình hướng đi khác với xu thế hiện đại hóa nghề mộc, bố con ông Quế kiên trì với nghề mộc thủ công, phục vụ một bộ phận không nhỏ khách hàng “sành chơi” muốn giữ lại những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc... Họ vào Nam, ra Bắc thiết kế không gian thờ, bàn thờ gia tiên, hoành phi câu đối, tranh tượng, phù điêu mang đậm dấu ấn Đạt Tài. Các con ông thường xuyên cập nhật công việc, sản phẩm của mình lên mạng xã hội để bạn bè, khách hàng có thể theo dõi, tìm hiểu và đặt hàng khi cần.

Bôn ba với nghề, ông Quế sợ đến một ngày nghề xưa sẽ mất. Khi các con đã đủ lông, đủ cánh, ông lui về gõ đục tại quê hương và dạy nghề cho thế hệ sau. Đã có hàng trăm thanh niên được truyền dạy nghề mộc, hiện nay đã thành thạo nghề. Nhiều người đã đầu tư quy mô nhà xưởng lớn với máy móc hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất. Thực tế, nghề mộc ở Đạt Tài dù chỉ có thu nhập 5- 7 triệu đồng/tháng thì vẫn có nhiều người trẻ theo nghề, do công việc khá ổn định. Trong khi làm nông nghiệp dễ gặp rủi ro, thu nhập thấp thì việc theo nghề truyền thống là giải pháp được nhiều người chọn. Đặc biệt, cái hay của nghề truyền thống là người học ngoài việc được rèn nghề còn có thu nhập. Đó là cách để người trẻ không “nhạt” với nghề cổ của cha ông.

Nói về đường hướng phát triển làng nghề, ông Nguyễn Viết Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà, cho biết: Nghề mộc phát triển tại 3 thôn: Đạt Tài 1, Đạt Tài 2 và Hà Thái, thu hút 178 hộ tham gia. Ngoài giải quyết việc làm cho trên 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, nghề mộc đem lại doanh thu ước đạt khoảng 73 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 70% giá trị sản xuất của xã. Trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động của làng nghề cũng có phần trầm lắng hơn, song “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, các hộ sản xuất ở làng vẫn xoay sở nhiều cách để thích nghi trong điều kiện dịch bệnh. Có hộ tìm kiếm thị trường, kết nối khách hàng thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử; có hộ tập trung vào đổi mới mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành để thu hút khách hàng... Đặc biệt, nhờ vào tay nghề vốn đã nổi tiếng từ lâu, những người thợ, cơ sở sản xuất đồ gỗ ở làng Đạt Tài vẫn duy trì và hoạt động ổn định nhờ vào thị trường mộc dân dụng và xây dựng. Địa phương luôn động viên, hỗ trợ, tạo “đòn bẩy” để phát triển bền vững hoạt động của làng nghề.

Cuối năm 2020, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành đề án phát triển nghề mộc Hà - Đạt giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đề án này, mục tiêu mà địa phương muốn hướng đến là hình thành một khu sản xuất nghề mộc quy mô hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh, trở thành trung tâm nghề mộc của cả huyện; đồng thời trở thành điểm du lịch làng nghề. Huyện đã khảo sát và định hướng khu vực phát triển nghề mộc Hà - Đạt tại vị trí giáp ranh của 2 xã với tổng quy mô khoảng 13,91 ha để hình thành khu sản xuất, khu trưng bày... Định hướng này đã và đang từng bước được triển khai ở 2 địa phương là xã Hoằng Hà và Hoằng Đạt.

Hơn lúc nào hết, phải tạo được sức sống của làng nghề là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách. Sức sống ở đây là sự nhộn nhịp sản xuất song hành với kinh doanh buôn bán. Khi làng nghề có sức sống thì mới tạo ra kinh tế. Và để làm được điều này, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là không thể thiếu. Các chính sách hỗ trợ về vốn, đầu tư về học nghề, tìm hướng ra cho các sản phẩm... sẽ giúp nghề mộc ở huyện ven biển này có thêm sức sống.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết