Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có báo cáo về việc tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới gửi các cơ quan của Quốc hội, trong đó có nội dung về công tác quy hoạch, xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp và thành phố lớn.
Đây là vấn đề bức bách, cũng là vấn đề có tính vĩ mô trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp trong những năm sắp tới với sự ra đời thêm nhiều khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung. Đảm bảo tốt vấn đề nhà ở xã hội không chỉ tạo ra một kênh an sinh xã hội quan trọng, còn tạo động lực rất lớn góp phần chăm sóc, nâng cao đời sống công nhân, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Xây dựng cùng một số cơ quan liên quan tổ chức hồi tháng 8-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dù các địa phương, doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,9 triệu m2 nhà ở xã hội, tuy nhiên cơ bản mới đáp ứng được một phần nhu cầu của công nhân lao động. Nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động hiện vẫn rất cấp bách.
Theo Thủ tướng, vấn đề cần tháo gỡ đó là chúng ta đã có cơ chế, chính sách, nhưng lại chưa đạt mục tiêu đề ra.
Cơ chế, chính sách mà Thủ tướng đề cập nằm trong Luật Nhà ở năm 2014, trong đó quy định ưu đãi về nhà ở dành cho công nhân lao động như miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Những quy định rất rõ ràng, nhưng việc triển khai thì lại không hề dễ dàng. Bên cạnh việc một số địa phương khó bố trí quỹ đất theo quy định, thì chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư nhà ở xã hội.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp trên tinh thần, trách nhiệm với xã hội, suy nghĩ cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ có cách để thúc đẩy việc này. Thủ tướng giao các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức công đoàn, các địa phương phải vào cuộc thật sự để phát huy tối đa sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở xã hội.
Chúng ta đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất cao, muốn thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó thì trước hết phải làm tốt trách nhiệm chăm lo đời sống công nhân - lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong tiến trình CNH, HĐH sắp tới. Với việc đưa vấn đề nhà ở xã hội ra chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này chắc chắn sẽ giúp vấn đề nhà ở xã hội trở nên minh bạch hơn, những “nút thắt” sẽ được nhìn nhận đầy đủ, có sự chỉ đạo và quan tâm giải quyết. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ có thêm áp lực để thực hiện một cách trách nhiệm và nhanh hơn nữa.