Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà, động viên phụ nữ đồng bào dân tộc Mông xã Pù Nhi (Mường Lát) có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Công tác dân vận trong đồng bào Mông được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng. Điều này xuất phát từ tình hình thực tế, khi những năm trước đây, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; một số tập tục còn lạc hậu; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh còn lớn. Hoạt động truyền đạo trái pháp luật và xâm nhập một số “đạo lạ” đang có xu hướng phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Mông vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là mua bán, vận chuyển, tàng trữ, nghiện hút các chất ma túy... Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, vùng địa bàn trọng yếu để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động Nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông còn nhiều hạn chế... Trong khi đó, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn nhiều hạn chế. Việc quán triệt, triển khai, phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa kịp thời, hiệu quả thấp; việc cụ thể hóa một số chủ trương, cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào Mông chưa thực sự hiệu quả...
Để công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả, thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 684 ngày 10-12-2021 “Về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp tục được nâng lên; công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới có đông đồng bào Mông sinh sống, thực hiện Kết luận số 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt nội dung của kết luận đến đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở học tập, quán triệt triển khai cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đồng chí Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trong đó công tác dân vận trong đồng bào dân tộc Mông là rất quan trọng, vì vậy Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện Kết luận 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Để đồng bào Mông thay đổi về nếp ăn, nếp nghĩ, cách làm, dần dần bỏ thói quen, hủ tục trong đời sống, công tác tuyên truyền vận động luôn được huyện Mường Lát đặt lên hàng đầu, trong đó phải phát huy vai trò của hệ thống dân vận cơ sở, lực lượng người có uy tín trong cộng đồng để tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo bền vững, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp...
Sau hơn 1 năm thực hiện Kết luận số 684 ngày 10-12-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, cấp ủy, chính quyền địa phương 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa đã chú trọng quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh; đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động. Coi trọng tuyên truyền, vận động thông qua đội ngũ cán bộ mặt trận, chi hội, chi đoàn cơ sở, cán bộ, chiến sĩ lực lượng biên phòng, công an, quân sự, giáo viên; tuyên truyền qua việc xây dựng các mô hình trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống mới; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ... nhằm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; khơi dậy ý chí khát vọng, vươn lên của cán bộ, đảng viên, đồng bào vùng dân tộc Mông. Để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc Mông, cấp ủy, chính quyền các địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới, thực hiện định canh, định cư, không di cư tự do, không phá rừng, không buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, không truyền đạo trái phép, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong tang ma, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa đã quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc Mông; chú trọng việc dạy tiếng Mông cho cán bộ các cấp, để gần dân, sát dân, hiểu dân, nghe dân nói, làm dân tin. Các huyện cũng đã phối hợp với các lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội biên phòng, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào Mông, nhằm tuyên truyền, vận động và nắm bắt tình hình cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Bài và ảnh: Minh Hiếu