Toàn cảnh hội nghị.
Các đồng chí Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các cục của Bộ Ngoại giao; các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức phi chính phủ Việt Nam và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa nằm trong top đầu cả nước về thu hút viện trợ phi chính phủ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh, công tác thu hút viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả khả quan, được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xếp trong tốp đầu cả nước. Công tác quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài vừa đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; vừa thông thoáng, nhanh gọn, được các tổ chức phi chính phủ đánh giá cao.
Từ năm 2008 đến năm 2021, giá trị giải ngân viện trợ đạt 107,56 triệu USD, tương đương 2.624 tỷ đồng. Giá trị giải ngân trong năm 2022 ước đạt 7,2 triệu USD. Các dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cho người dân; y tế, giáo dục; giải quyết các vấn đề xã hội; bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đây là những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, đáp ứng trực tiếp, kịp thời nhu cầu cơ bản của người được hưởng lợi, nhất là các đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội, mà các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chương trình mục tiêu, giảm nghèo chưa vươn tới được và có sự hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời.
Đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành trong tỉnh, còn có sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và đặc biệt là các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức phi chính phủ Việt Nam.
Cam kết tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa 9,64 triệu USD
Đại biểu tham luận tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện Bá Thước, Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức quốc tế đã trình bày các tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2022; thuận lợi, khó khăn trong quản lý, thực hiện, triển khai các chương trình, dự án viện trợ và đề xuất vận động viện trợ; tình hình tiếp nhận và quản lý các khoản viện trợ trên địa bàn huyện Bá Thước; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án viện trợ trên địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa; tổng quan các hoạt động của tổ chức Tổ chức Phát triển Hà Lan tại tỉnh Thanh Hóa và một số đề xuất; tổng quan các hoạt động của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa và một số đề xuất.
Cũng tại hội nghị, các tổ chức phi chính phủ đã ký cam kết tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa 9,64 triệu USD.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi ký cam kết với các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa sẽ sử dụng các khoản viện trợ hiệu quả, minh bạch, đúng đối tượng
Phát biểu bế mạc hội nghị, các đồng chí Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, các vị khách quý đã đến tham dự hội nghị. Đây là dịp để lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lắng nghe ý kiến, trao đổi, thảo luận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Việt Nam đã, đang gặp phải trong quá trình triển khai các chương trình, dự án tại địa phương. Nhân dịp này, các đồng chí cũng tri ân sâu sắc những đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc giúp đỡ, triển khai các chương trình, dự án viện trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thanh Hóa với các nhà tài trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi phát biểu bế mạc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị với số tiền 9,64 triệu USD. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ sử dụng các khoản viện trợ trên một cách hiệu quả, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị và chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai các chương trình, dự án viện trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trường hợp có bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức gửi văn bản về đầu mối Sở Ngoại vụ để tổng hợp, giải quyết dứt điểm hoặc đề xuất, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên nhiều lĩnh vực Trong giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khuyến khích, tăng cường hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các đối tác tôn trọng, chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam và của địa phương, hoạt động vì mục đích nhân đạo và phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Nhân dân tỉnh Thanh Hoá với Nhân dân các nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc hợp tác và vận động viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức cụ thể ưu tiên hợp tác ở các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh; phát triển hạ tầng cơ sở có quy mô nhỏ ở nông thôn… Y tế: đào tạo cán bộ y tế; cấp học bổng đào tạo cán bộ y tế trong và ngoài nước; phát triển hạ tầng cơ sở y tế; hỗ trợ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh… Giáo dục và đào tạo: hỗ trợ đào tạo giáo viên các cấp, ưu tiên đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục; trao đổi giáo dục, hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ; cung cấp học bổng đào tạo trong và ngoài nước… Đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp: hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, chú trọng các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đang đô thị hóa; xây dựng chương trình đào tạo, dạy nghề phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình dạy nghề hiệu quả… Giải quyết các vấn đề xã hội: Giáo dục và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và tài chính cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng yếu thế; phòng chống, buôn bán phụ nữ, trẻ em và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân khi bị buôn bán trở về… Môi trường: Bảo vệ môi trường: khuyến khích các dự án nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường sống, môi trường thiên nhiên; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và phòng chống buôn bán, nuôi nhốt, giết hại các loài động vật hoang dã… Phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp: phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, trồng và bảo vệ rừng (kể cả rừng ngập mặn), xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống nhà chống lũ, đào tạo kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai... Văn hóa, thể thao, du lịch: tuyên truyền giá trị văn hóa và bảo vệ văn hóa phi vật thể, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa; hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; hỗ trợ các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Ứng phó với biến đổi khí hậu: Khuyến khích các dự án nhằm ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; giảm nhẹ cường độ phát thải khí nhà kính; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống; hỗ trợ các mô hình nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, xây dựng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu… |
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định các khoản viện trợ không hoàn lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam, tỉnh Thanh Hoá còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc quản lý và sử dụng các khoản viện trợ. Để cải thiện tình hình thực hiện và nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn viện trợ, các ngành, các cấp và đơn vị liên quan cần phát huy những mặt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, thay mặt Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, tôi đề xuất một số giải pháp thực hiện, như sau: Các cơ quan quản lý viện trợ (như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Công an tỉnh,…) cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện quy trình thủ tục, chế độ báo cáo nhằm giảm thiểu áp lực cho các đơn vị thực hiện. Các cơ quan cần phối hợp trong công tác hướng dẫn quy trình thủ tục cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đối tác nước ngoài…; đôn đốc nhắc nhở các đơn vị đầu mối quản lý viện trợ và các đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý, sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả. Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và các vấn đề phát sinh cho bên cung cấp viện trợ và các đơn vị được hưởng lợi. Tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ Nhân dân và các đơn vị liên quan để cung cấp thông tin, giới thiệu nhu cầu vận động viện trợ của tỉnh với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đối tác nước ngoài có nhu cầu tài trợ. Bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp, biết ngoại ngữ để thực hiện thẩm định, quản lý các nguồn vốn viện trợ; đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức một cách có hệ thống và thường xuyên cho cán bộ chuyên môn, nhất là các kỹ năng về xúc tiến, vận động, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ. Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương về các nội dung liên quan đến các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, đối tác nước ngoài, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tiếp nhận các khoản viện trợ, đề nghị Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đề xuất với Chính phủ xem xét. |
Thuận lợi, khó khăn trong quản lý, thực hiện, triển khai các chương trình, dự án viện trợ và đề xuất vận động viện trợ Trong thời gian qua, các tổ chức Phi chính phủ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã quan tâm, tài trợ, giúp đỡ Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trong triển khai thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án, góp phần nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ, như: Trang bị kiến thức, đào tạo nghề cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật nói riêng; phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân khi trở về; giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình và các vấn đề xã hội chưa được các tổ chức phi chính phủ đặc biệt quan tâm tài trợ. Việc triển khai dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có nhiều mô hình được xây dựng, mang lại hiệu quả cao, nhưng sau khi dự án kết thúc chưa có sự nhân rộng và phát triển mô hình. Các chương trình, dự án phi chính phủ hoạt động có tính độc lập cao nên việc phối hợp, kết hợp, lồng ghép với các chương trình, hoạt động của hội chưa được thực hiện. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh tăng cường mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ mở rộng phạm vi và triển khai các hoạt động. Tiếp tục vận động, kêu gọi hỗ trợ Phi chính phủ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn, nhất là người dân tại các khu vực dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh, người nghèo ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ đơn thân, phụ nữ yếu thế, nữ công nhân tại các khu công nghiệp... Trong đó, quan tâm để Hội LHPN tỉnh tiếp nhận, triển khai các dự án nhằm hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, vay vốn, học nghề, tạo sinh kế gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý thực hiện các chương trình, dự án phi chính phủ. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về các tổ chức phi chính phủ, hướng dẫn cho Hội trong việc xây dựng kế hoạch, đề xuất dự án để vận động, kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ triển khai cá chương trình dự án hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị các tổ chức phi chính phủ đặc biệt quan tâm tài trợ triển khai các dự án hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa, như: Dự án xây dựng mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo gắn với biến đổi khí hậu; dự án nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nghèo làm chủ hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ khuyết tật thông qua đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh nước sạch cho phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng biển, bãi ngang... |
Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ tại tỉnh Thanh Hóa Trong giai đoạn 2018-2022, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam (TNTGVN) đã thực hiện Chương trình vùng tại 6 huyện (Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân và Như Thanh) với tổng ngân sách thực chi là gần 13,8 triệu USD. Chương trình tài chính vi mô đã giải ngân 9,1 triệu USD cho 12.582 khách hàng trong đó 83% là phụ nữ. Tỷ lệ hoàn trả vốn là 99,93%. Các Chương trình vùng của TNTGVN đã hỗ trợ 7 sản phẩm địa phương được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao trong giai đoạn vừa qua. Chúng tôi cũng rất vui mừng vì đã có 226 câu lạc bộ trẻ em được thành lập và 14.407 cha mẹ và người chăm sóc trẻ được tập huấn về mô hình gia đình toàn mỹ và kỷ luật tích cực. Thông qua câu lạc bộ và các can thiệp này đã tạo ra một môi trường yêu thương và bảo vệ trẻ để các em được vui hưởng cuộc sống trọn lành. Kế hoạch trong giai đoạn 2023-2027, Tổ chức TNTGVN tiếp tục thực hiện hoạt động tại 4 chương trình vùng: Bá Thước (2023), Như Xuân (2025), Thường Xuân (2027) và Như Thanh (2031). TNTGVN sẽ tiếp tục thực hiện 4 chương trình vùng tập trung vào lĩnh vực y tế và sức khỏe; bảo vệ trẻ em và sự tham gia; sinh kế; và kế hoạch huy động cộng đồng và bảo trợ trẻ; tìm kiếm nguồn vốn mới từ lĩnh vực tư nhân (doanh nghiệp) với tổng ngân sách cho giai đoạn năm năm kế tiếp là hơn 6,9 triệu USD. Chương trình tài chính vi mô cũng sẽ tiếp tục được triển khai với dự kiến khoản vốn quay vòng trong giai đoạn năm năm tiếp theo là hơn 2,3 triệu USD. Tổ chức TNTGVN sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ các nhà tài trợ tư nhân, khối doanh nghiệp, dự án đặc biệt, hay hợp tác với các tổ chức Phi chính phủ, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc hay các cơ quan khác để giúp đỡ các trẻ em dễ bị tổn thương nhất tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới. |
Phát huy hiệu quả các chương trình, dự án viện trợ trên địa bàn huyện Thạch Thành Trong những năm qua, công tác vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức nước ngoài trên địa bàn huyện Thạch Thành đã và đang phát huy hiệu quả và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 6 dự án của các tổ chức nước ngoài. Các chương trình, dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng… Các chương trình, dự án viện trợ được thực hiện đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tất cả các chương trình, dự án được thực hiện có sự tham gia tích cực từ chính quyền địa phương và người dân trong vùng dự án. Các khoản viện trợ được triển khai đúng kế hoạch, được đánh giá hiệu quả và mang tính bền vững trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc quản lý nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài luôn đảm bảo đúng quy định, đúng cam kết với nhà tài trợ, không xảy ra thất thoát, lãng phí, phát huy được hiệu quả của dự án. Tuy quy mô các dự án viện trợ phi chính phủ chưa lớn song từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần người dân ở những vùng khó khăn của huyện; nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sinh kế cho người nghèo, góp phần vào công cuộc giảm nghèo. Nhận thức được tầm quan trọng của việc kêu gọi nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài, huyện Thạch Thành đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của từng dự án. Chỉ đạo các địa phương, các cơ quan, đơn vị phối hợp và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai dự án đã được phê duyệt trên địa bàn. Các cấp, các ngành liên quan đã từng bước thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian, quy trình tiếp nhận và triển khai dự án của nhà tài trợ. |