Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thanh tra năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 (Ảnh chụp qua màn hình).
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; các đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh, Phó Thanh tra các bộ, ban, ngành Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh; các đồng chí Phó Chánh tranh tra tỉnh và Chánh Thanh tra một số sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Năm 2022, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã bám sát chương trình thanh tra, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) và Thủ tướng Chính phủ, để tổ chức các đoàn thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Trong năm, toàn ngành đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên nhiều lĩnh vực. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 85.998 tỷ đồng và 8.777 ha đất.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng và 574 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 59.344 tỷ đồng, 8.203 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 451 vụ việc, 295 đối tượng.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương còn tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ thành lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; có 9 bộ, ngành Trung ương và 61 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra; đã tiến hành thanh tra 21.383 gói thầu, với tổng giá trị 15.475 tỷ đồng.
Qua thanh tra, phát hiện 54 tỉnh, thành phố với 4.992 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm các quy định của pháp luật. Trong đó, có một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Hiệu quả của công tác thanh tra năm 2022 đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, thiếu sót trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đồng thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, góp phần quan trọng trong công tác PCTN.
Cũng trong năm 2022, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 382.491 lượt công dân liên quan đến 284.897 vụ việc và có 3.031 đoàn đông người. Đồng thời tiếp nhận 385.768 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua phân loại đơn thư, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 22.600 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 88,8%, tăng 8,5% so với năm 2021. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 8,5 tỷ đồng và 8,3 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 42,7 tỷ đồng và 17 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 22 tổ chức, 559 cá nhân; kiến nghị xử lý 516 người, trong đó có 428 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 31 đối tượng.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, cũng như thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm tra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Qua thanh tra, kiểm tra, ngành Thanh tra đã phát hiện 116 vụ việc tham nhũng, liên quan đến 153 người.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an phát biểu thảo luận tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).
Tại hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã thảo luận, đánh giá nõ nét hơn những ưu điểm, kết quả nổi bật của công tác thanh tra năm 2022. Đồng thời, chỉ ra những bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.
Lãnh đạo TP Hà Nội phát biểu thảo luận tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).
Thanh tra tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).
Đó là một số cuộc thanh tra triển khai chậm, thời gian xây dựng báo cáo và ban hành kết luận thanh tra kéo dài; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản sau thanh tra còn thấp. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo quy định, nhất là cấp huyện, xã. Trong công tác PCTN, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. Trên cơ sở đó các đại biểu đã đề ra các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra năm 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời, phân tích làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN ở các bộ, ngành và địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Năm 2023 là năm “bản lề” có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2026 về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bám sát định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực và được dự luận xã hội quan tâm; đặc biệt là các vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN, tiêu cực và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo.
Toàn ngành Thanh tra tiếp tục chủ động đổi mới trong tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Cùng với nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời, có tính khả thi cao, ngành Thanh tra tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đi liền với giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, gắn với vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 55/2022/NĐ-CP, ngày 23-8-2022 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về công tác PCTN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khai lưu ý các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là Luật PCTN 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác PCTN. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về PCTN, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ trao Cờ thi đua cho các tập thể (Ảnh chụp qua màn hình).
Nhân dịp này, Thanh tra Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 17 tập thể đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước ngành Thanh tra năm 2022.