Một tiết mục văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Phượng Cát, xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Phan Nga
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh - tổ chức tiền thân của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam và là “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Trải qua 93 năm ra đời và phát triển, ở bất kỳ thời kỳ nào, với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, MTTQ Việt Nam cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp Nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Những năm qua, MTTQ tỉnh Thanh Hóa không ngừng lớn mạnh về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò tích cực của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong việc củng cố, tăng cường khối ĐĐK toàn dân tộc. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được MTTQ các cấp triển khai sâu rộng đến các khu dân cư (KDC), trở thành hoạt động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Những tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ công tác mặt trận bằng kế hoạch chi tiết, cụ thể và hướng dẫn hoạt động trên từng nội dung, chương trình công tác. Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình Nhân dân, phản ánh kịp thời, đề xuất các giải pháp phù hợp với công tác mặt trận trong tình hình mới, thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp, thống nhất hành động đã đề ra và đạt được những kết quả nổi bật. Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội được tập trung chỉ đạo. Chú trọng củng cố, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ các cấp; triển khai sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, của tỉnh về phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân, công tác giám sát và phản biện xã hội. Làm tốt công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy, trao quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thôn Thạch Tiến, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các hoạt động vì người nghèo như phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tháng cao điểm vì người nghèo” tiếp tục được quan tâm triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo nên hiệu ứng xã hội tích cực. 10 tháng năm 2023, “Quỹ vì người nghèo” các cấp huy động được gần 23,8 tỷ đồng; trong đó: cấp tỉnh vận động được gần 11,7 tỷ đồng; cấp huyện và xã vận động được gần 12,1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vì người nghèo cùng với sự tham gia đóng góp, hỗ trợ của các tập thể, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.013 nhà ĐĐK, trị giá trên 50 tỷ đồng; vận động quyên góp ủng hộ 2,4 tỷ đồng làm nhà ĐĐK cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoạt động an sinh xã hội tập trung vận động các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ phát triển sản xuất đạt trên 58,5 tỷ đồng...
Việc tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở các KDC tiếp tục được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền với nội dung, hình thức phong phú, thu hút ngày càng đông các tầng lớp Nhân dân tham gia. Trong năm, toàn tỉnh đã có 559/559 xã, 22/27 huyện, thị xã, thành phố tổ chức tổng kết 20 năm Ngày hội ĐĐK với 2.504 tập thể, 3.417 cá nhân được biểu dương khen thưởng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức thành công hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở KDC; biểu dương, khen thưởng 66 tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức ngày hội. Các hội nghị tổng kết tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức về sự nghiệp ĐĐK toàn dân tộc, về MTTQ Việt Nam; hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.
Vai trò của mặt trận các cấp trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được khẳng định, đã khơi dậy và phát huy ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Việc triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp theo Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã thu được những kết quả quan trọng, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh ĐĐK toàn dân, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Bài và ảnh: Phan Nga