Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đơn vị đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong giải quyết TTHC. Năm 2022, trung tâm đã nghiên cứu và kết nối thành công Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp với Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cấp huyện, cấp xã thông qua nền tảng NGSP, qua đó đã khắc phục những bất cập trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực hộ tịch.
Là đơn vị quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh, trung tâm đã thực hiện đầy đủ quy trình số hóa hồ sơ, kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC theo đúng thời gian quy định. Triển khai thực hiện đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC, trung tâm đã thực hiện đồng bộ tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công tỉnh với tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thành tài khoản thống nhất, dùng chung khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến. Để thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến, trung tâm đã thực hiện cấu hình tài khoản thụ hưởng phí, lệ phí giải quyết TTHC của bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã khi tổ chức, cá nhân thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công tỉnh.
Đối với cấp huyện, TP Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết TTHC. Toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết giải quyết TTHC của thành phố và các phường, xã được cập nhật trên hệ thống thông tin “một cửa” điện tử. Hệ thống này sẽ thông tin tình trạng hồ sơ sắp hết hạn giải quyết đến các phòng, đơn vị để đôn đốc việc giải quyết; xác định trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong từng khâu của quá trình giải quyết TTHC; thông báo kết quả giải quyết TTHC qua thư điện tử đến tổ chức, công dân. Đặc biệt, TP Thanh Hóa đã thực hiện quy trình điện tử luân chuyển hồ sơ giữa Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố và Chi cục Thuế khu vực TP Thanh Hóa - Đông Sơn, tích hợp vào hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Hầu hết TTHC tiếp nhận và trả kết quả được số hóa xử lý trên môi trường mạng. Các thao tác tiếp nhận, xử lý, phê duyệt, trả kết quả hồ sơ được thực hiện trên hệ thống phần mềm một cách nhanh chóng, thuận tiện cho việc tra cứu nội dung hồ sơ TTHC trong trường hợp cần thiết, giảm tối đa việc ban hành, lưu trữ bản giấy, gây tốn kém chi phí. TP Thanh Hóa cũng đã thực hiện thanh toán tiền phí, lệ phí qua hệ thống thanh toán trực tuyến VNPT PAY và biên lai điện tử trên hệ thống thông tin “một cửa” điện tử, bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí giải quyết TTHC.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng được các sở, ngành quan tâm đầu tư. Điển hình như ngành giao thông - vận tải với phần mềm quản lý hệ thống cầu đường, quản lý tài sản hạ tầng giao thông; ngành tư pháp thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch; ngành tài nguyên và môi trường nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cục Thuế Thanh Hóa triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh. Hiện nay, Cục Thuế Thanh Hóa đang thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với ngành giao thông- vận tải về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý thuế.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu trong việc kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp hơn 900 TTHC mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống “một cửa” điện tử tại 27 UBND cấp huyện và 559 UBND cấp xã, tạo thành một hệ thống đồng bộ, thống nhất, góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Cổng dịch vụ công tỉnh đã tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp các hệ thống thanh toán trực tuyến VNPT Pay, PayGov... giúp công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC và thanh toán phí, lệ phí mọi lúc, mọi nơi. Quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu, hình thành các dữ liệu dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống phần mềm “một cửa” được đẩy mạnh, luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và các doanh nghiệp.
Thanh Hóa hiện có hơn 550 cơ quan hành chính Nhà nước áp dụng và công bố Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001. Các đơn vị áp dụng hệ thống này đã rà soát, tổng hợp danh mục TTHC có phát sinh hồ sơ để cụ thể hóa thành quy trình ISO. Qua đó, giúp người làm công tác cải cách hành chính cập nhật thông tin, lưu trữ các loại hồ sơ, văn bản theo từng lĩnh vực một cách đầy đủ, khoa học, rõ ràng, đồng thời chỉ ra trình tự của mỗi bộ phận để xác định việc giải quyết TTHC đúng hẹn, sớm hẹn hay trễ hẹn thuộc về bộ phận hay cá nhân nào. Thông qua hệ thống này, người dân cũng được đưa ra ý kiến góp ý về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.
Những nỗ lực mạnh mẽ trong thực hiện của các cấp, các ngành và những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo nên sự công khai, minh bạch, tiện ích trong giải quyết TTHC, góp phần đưa Thanh Hóa vươn lên xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính (tăng 4 bậc so với năm 2021).
Bài và ảnh: Thu Vui