Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua ngành Y tế đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái, đạt được những kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu y tế được Quốc hội, Chính phủ giao đạt và vượt mức đề ra; công tác hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao... góp phần tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa
Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, tính đến ngày 18-6-2022 cả nước ghi nhận trên 10,7 triệu ca mắc, hơn 9,5 triệu người đã khỏi bệnh (89%), 43.083 ca tử vong. Dịch có xu hướng giảm tương đối ổn định từ cuối tháng 3-2022 đến nay. Trong những ngày gần đây chỉ ghi nhận khoảng dưới 700 ca/ngày (so với thời kỳ đỉnh dịch khoảng trên 170.000 ca/ngày và thấp nhất trong gần 12 tháng qua). Đặc biệt, trong vòng 30 ngày qua có 21 ngày không ghi nhận ca tử vong.
Tính đến ngày 17-6-2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 98,6%). Trong tháng 5-2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tiến độ tiêm có xu hướng chậm; nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6-2022 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5-2022 thì đến hết quý II-2022 dự báo chỉ đạt khoảng gần 70%.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Trong tháng 5-2022, cả nước triển khai tiêm được 2,5 triệu liều mũi 1 và 500.000 mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiến độ tiêm mũi 1 đạt 62% và mũi 2 đạt 31% so với lộ trình đề ra. Theo đại diện Bộ Y tế, với tiến độ triển khai này có khả năng không sử dụng hết số vắc xin đã tiếp nhận cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Cũng theo nhận định của Bộ Y tế, số bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian qua trên cả nước có xu hướng giảm mạnh, nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.
Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Các điểm cầu dự hội nghị.
Bên cạnh đó, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch. Hiện, không ghi nhận ổ dịch tập trung đối với các dịch bệnh như sởi, sốt rét...; không ghi nhận các ca bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi như viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đậu mùa khỉ... Tuy nhiên, các cấp, ngành cần phải tập trung các nguồn lực, chủ động các phương án phòng, chống dịch.
Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào công tác tiêm chủng, đặc biệt là việc tiên mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; vấn đề thuốc và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Các đại biểu cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, giải pháp và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện công tác tiêm chủng phòng dịch COVID-19 cho Nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin nhanh về tình hình dịch COVID-19 và kết quả tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện công tác tiêm chủng của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho biết, để nâng cao hiệu quả trong công tác tiêm chủng, Thanh Hóa đã xây dựng “Hàng rào kỹ thuật” áp dụng cho công tác này, cùng với đó tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục cũng được các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, thiết thực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, trong công tác tiêm chủng Thanh Hóa đã tổ chức linh hoạt, an toàn và đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với những đối tượng, nhóm người gặp khó khăn trong việc đi lại để tiêm chủng.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng, ngoài giải pháp trên, kinh nghiệm của Thanh Hóa là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và coi đây là yếu tố có tính chất quyết định. Cùng với đó là bám sát vào hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Y tế, coi đây là yếu tố quan trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị, trước yêu cầu và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc tiêm mũi nhắc lại, tiêm mũi 4 cho từng đối tượng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, an toàn, khoa học và hiệu quả trong mỗi địa phương cũng như toàn quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai tốt việc phân bổ vắc xin, tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị Bộ Y tế có kế hoạch và chỉ đạo việc cung cấp vắc xin cho các địa phương vừa đủ theo tiến độ, theo kế hoạch, theo đối tượng, trách lãnh phí vắc xin.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế rà soát, thống nhất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bấp cập trong ngành y tế từ nguồn nhân lực đến đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là vấn đề mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, song vẫn còn tiềm ẩn nguy lây lan và diễn biến khó lường bởi những biến chủng mới, do vậy các cấp, ngành, địa phương vẫn phải thực hiện nghiêm các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong đó quan tâm đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với điều kiện mới và việc bảo phủ vắc xin...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại, tiêm mũi 4 cho từng đối tượng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.
Các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm chủng; quá trình tổ chức tiêm phải bảo đảm an toàn kể cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, phải có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp không tham gia tiêm vắc xin theo yêu cầu.
Liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, đấu thầu thuốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị chức năng phải thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định. Riêng việc đấu thầu thuốc cần phải được đẩy nhanh hơn nữa ở cả cấp Trung ương và cấp tỉnh trên tinh thần không để thiếu vật tư và thuốc.
Phó Thủ tướng đề nghị toàn Ngành Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nêu cao vai trò, trách nhiệm vì nhiệm vụ chung, vì người dân, vì người bệnh.