Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) - nơi nhắc nhớ về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt. Ảnh: Hương Thảo
Có lẽ, ít dân tộc nào trên thế giới lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như dân tộc Việt. Và ít có địa phương nào như tỉnh Thanh Hóa chúng ta, những tượng đài, những khu nghĩa trang liệt sĩ, những công trình văn hóa tiêu biểu như: Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước), tượng đài thanh niên xung phong chiến thắng (TP Thanh Hóa), tượng đài lão dân quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa)... đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho Nhân dân cả nước. Vận mệnh dân tộc, số phận quê hương là điều không ai có quyền lựa chọn. Điều vẻ vang và tự hào nhất chính là cách quê hương ta, dân tộc ta đã đối mặt với gian nan, thử thách, từng bước giành lấy độc lập, tự do như thế nào. Ở đó, “mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta”, mỗi dấu mốc quan trọng, mỗi trang sử vàng dân tộc đều ghi đậm dấu ấn, nêu cao tinh thần yêu nước, quả cảm, anh dũng, bất khuất, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các thế hệ người con đất Việt.
Tháng 7 - tháng của tri ân và tưởng niệm. Dưới cái chói chang, bỏng rát của nắng hè, cứ vào dịp tháng 7, Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) lại tấp nập đón những dòng người từ khắp các vùng, miền trong và ngoài tỉnh về dâng hương, tưởng niệm. Đây là nơi quy tụ của hơn 2.000 mộ liệt sĩ Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và là quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Trong nghi ngút khói hương, giữa không gian nghĩa trang rộng lớn, lòng người trào dâng niềm xúc động nghẹn ngào khi nghĩ về mất mát, đau thương của quê hương, dân tộc. Hàng ngàn ngôi mộ trắng nằm sát cạnh bên nhau như gợi lên ký ức về những đoàn binh hừng hực khí thế, hăng hái xung phong lên đường ra mặt trận giữa làn mưa bom, bão đạn chẳng hề toan tính, nghĩ suy về những điều được - mất, thiệt hơn.
Hiên ngang trong lồng lộng đất trời quê Thanh, Tượng đài thanh niên xung phong chiến thắng như biểu tượng đẹp ghi dấu đậm nét những công lao, đóng góp của mảnh đất anh hùng này cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Ý nghĩa của tượng đài là gì? Đó không đơn thuần là nét đẹp hình khối, đường nét, màu sắc đan cài. Hơn hết, ẩn sâu trong bóng dáng tượng đài là những câu chuyện lịch sử được tái hiện sinh động, chân thực, sâu sắc. Tượng đài thanh niên xung phong chiến thắng được xây dựng trên vùng đất sông Mã - Hàm Rồng ngày đêm nhắc nhớ về con số 19.200 thanh niên xung phong ở các miền thôn quê thuộc tỉnh Thanh Hóa, từ miền đồng bằng cho đến vùng trung du, miền núi và ven biển nườm nượp khí thế tòng quân đi đánh giặc cùng “binh đoàn tay ngai” dân công hỏa tuyến trên đường ra mặt trận.
Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 16.000 chiến sĩ vận lương, chuyển vũ khí, khí tài cho chiến dịch, hỗ trợ bộ đội đưa vũ khí vào trận địa, đào hào giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm và tham gia vào quân đội cầm súng trực tiếp chiến đấu. 25 đại đội nô nức tập trung từ các miền trong tỉnh về Đông Sơn, Thọ Xuân hội quân cùng thanh niên xung phong từ Nghệ An, Hà Tĩnh lên đường đến với Tây Bắc, về chiến khu... Trong đội quân ấy, xuất hiện nhiều tấm gương quả cảm khi phá bom nổ chậm, bốc xếp hàng hóa giữa lúc bom rơi đạn nổ. Chỉ riêng tại ngã ba Cò Nòi đã có hơn 50 chiến sĩ thanh niên xung phong Thanh Hóa hy sinh. Tại các địa danh lịch sử, các mặt trận và những trận đánh của quân đội ta chiến thắng thực dân Pháp còn in đậm dấu ấn tuổi xuân hăng hái dũng cảm, hy sinh quên mình phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của lực lượng thanh niên xung phong Thanh Hóa.
Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, Đảng và Nhà nước lại kêu gọi thanh niên hăng hái tham gia phong trào “ba sẵn sàng”. Hàng vạn thanh niên xung phong Thanh Hóa lại tiếp bước cha anh lên đường nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. 33.000 thanh niên xung phong Thanh Hóa đã sống và chiến đấu như những người anh hùng. Những tuổi thanh xuân đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ, hiến dâng xương máu đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vinh quang.
Tháng 7 - tri ân và tưởng niệm, nương theo câu hát “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im” (Đất nước, thơ Tạ Hữu Yên, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc), bước chân người con xứ Thanh lặng lẽ đến với Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa). Lòng thành thắp một nén hương trầm thay lời tri ân sâu sắc tới hàng vạn người con ưu tú của mảnh đất xứ Thanh đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và 4.424 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng “biết hy sinh mà chẳng nói nhiều lời”. Ngôi đền tọa lạc trên khu vực Đồi Cánh Tiên, hướng mặt về phía dòng sông Mã vừa có sự uy linh, thanh tịnh vừa như thoáng chút cô tịch, u hoài. Đó cũng là nỗi lòng người mẹ vẫn luôn đau đáu nhớ về những người con vội vã khoác ba lô lên đường ra chiến trận rồi mãi mãi chẳng thể trở về...
Cái giá của hòa bình, của độc lập dân tộc được đánh đổi bằng xương máu cha ông - mỗi người con đất Việt không bao giờ được phép quên đi lịch sử đau thương mà vẻ vang, anh hùng ấy. “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, cùng với Đảng, Nhà nước, mỗi chúng ta cùng chung tay vun đắp, gìn giữ truyền thống quý báu của dân tộc thông qua nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa đối với các thương binh, gia đình các liệt sĩ, người có công với cách mạng...
Hương Thảo
*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “65 năm thanh niên xung phong Thanh Hóa anh hùng”, “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020) - những dấu ấn và thành tựu nổi bật” (Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa).