Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham gia đoàn công tác, về phía Trung ương còn có đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; các vụ, cục của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư khóa XI, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động ở 3 cấp: Tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động; chủ động giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế những tranh chấp trong xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tỉnh yên tâm đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có trên 95.500 người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; hiện đang có trên 32.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Hàng năm số tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về tỉnh khoảng 3.000 tỷ đồng. Sau khi về nước, đã có 98% số lao động có cuộc sống tốt hơn; 95% gia đình có người đi xuất khẩu lao động đã thoát nghèo.
Thành viên Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi những vấn đề liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài và những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đó là: Một bộ phận người lao động đi làm việc nước ngoài chưa chấp hành nghiêm nội quy lao động của doanh nghiệp và pháp luật của nước sở tại; tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn ở mức cao; hiện còn 3 địa phương bị tạm dừng tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, tình trạng người dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Camphuchia và một số nước để lao động trái phép, cư trú bất hợp pháp có chiều hướng tăng, gây thiệt hại nhiều mặt cho bản thân người lao động và khó khăn trong công tác quản lý về lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.
Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, đoàn thể và các ngành liên quan với công ty XKLĐ đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ. Thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho người đi XKLĐ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, cho biết: Thanh Hóa là một trong những tỉnh có dân số đông, tiềm năng lao động dồi dào, vì vậy trong những năm qua việc đẩy mạnh XKLĐ đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt, Thanh Hóa đã hỗ trợ rất tích cực các doanh nghiệp tham gia làm công tác XKLĐ. Đến nay, công tác XKLĐ đã đạt được những kết quả rất to lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống người dân.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, quan điểm của tỉnh là chuyển dịch cơ cấu lao động bằng con đường thứ nhất là thu hút đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ và giải pháp thứ 2 là chuyển dịch cơ cấu lao động trên cơ sở XKLĐ.
Để làm được việc này, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đẩy mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tham gia XKLĐ; quan tâm công tác đào tạo nghề; tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động về mặt thủ tục; có chính sách hỗ trợ cho người đi XKLĐ; tập trung ngăn chặn lao động trái phép.
Đồng chí cũng đề nghị đoàn công tác xem xét, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho nguời lao động đi XKLĐ thông qua hợp đồng; thực hiện đơn giản hóa thủ tục; bảo đảm thông tin liên lạc đối với người lao động; có cơ chế bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả 10 năm triển khai Chỉ thị 16 về công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí cho biết, đây sẽ là cơ sở quan trọng để đoàn công tác tiếp thu, chắt lọc những ý kiến của tỉnh Thanh Hóa để trình Ban Bí thư và Chính phủ.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng chí đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm, ngăn chăn tình trạng xuất khẩu lao động trái phép, đặc biệt là người lao động đang bị lôi kéo, lừa gạt trái phép sang Campuchia. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động trước, trong và sau khi đi XKLĐ. Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đoàn công tác khảo sát tại Công ty CP Nhân lực Tadashi.
Đoàn công tác thăm lớp học tiếng Nhật tại Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC.
Trước khi làm việc với tỉnh Thanh Hóa, đoàn công tác đã đi khảo sát tại 2 doanh nghiệp tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài và 1 trung tâm đào tạo tiếng Hàn trên địa bàn TP Thanh Hóa.